Vi phạm đê điều: Lời cảnh báo mùa mưa lũ

30/06/2020 2:26 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2020, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp và khó lường, thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa bão.

Tu bổ đê điều trước mùa bão lũ - Ảnh: Internet

Vi phạm diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội trong năm 2019, trên địa bàn thành phố phát sinh 92 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Mặc dù các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung xử lý dứt điểm nhưng vẫn còn tồn đọng 75 vụ.

Để thực hiện nghiêm quy định pháp luật đê điều, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã có giải pháp quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm.

Đặc biệt, các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai và Thanh Oai chỉ đạo xử lý dứt điểm 10 vụ vi phạm pháp luật đê điều phát sinh trong tháng 8/2019 và các vụ việc vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và không xâm hại công trình phòng, chống thiên tai…

Cho đến thời điểm này, thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cũng chỉ ra rằng: từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 26 vụ vi phạm pháp luật đê điều, tuy nhiên, các địa phương mới xử lý 1 vụ, tồn đọng 25 vụ.

Thực tế nhiều vụ việc xử lý tại địa phương còn khá chậm trễ gây ra sai phạm kéo dài lãnh đạo thành phố phải có ý kiến thường xuyên để nhắc nhở các sai phạm. Mới đây, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đoạn qua địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), theo phản ánh của công dân diễn biến rất phức tạp.

Theo Báo cáo số 199/BC-UBND ngày 7/5 của UBND quận Hà Đông, ngày 22/4, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về việc giải quyết đơn thư của công dân phản ánh tình trạng xâm phạm nghiêm trọng đê sông Đáy (đoạn qua địa bàn phường Yên Nghĩa) kéo dài nhiều năm chưa được xử lý. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo các phòng: Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường; UBND phường Yên Nghĩa kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ngày 29/4, UBND phường Yên Nghĩa đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương bạn tổ chức giải tỏa các vi phạm về đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng, trồng rau trong phạm vi hành lang bảo vệ đê Tả Đáy; cắm biển đề nghị người dân không vứt rác thải, đổ phế liệu xây dựng. Chính quyền địa phương cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều; giao Công an phường chủ trì, phối hợp với các lực lượng tuần tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, đến nay toàn bộ các vi phạm thuộc hành lang bảo vệ đê Tả Đáy đoạn qua địa bàn phường Yên Nghĩa đã được xử lý, giải tỏa triệt để.

Hà Nội có hệ thống sông ngòi hồ đập với hai hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy. Ngoài ra còn có hệ thống các sông nội địa như sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà… Bên cạnh đó, hệ thống đê điều của TP Hà Nội là hệ thống lớn, với 626,5 km đê được phân cấp và 132,8 km đê chưa phân cấp. Hệ thống đê điều của thành phố cũng đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã… Hệ thống đê điều trải dài như trên đòi hỏi sự thường xuyên kiểm soát từ chính quyền địa phương mới có thể an toàn, đặc biệt trong mùa mưa bão sắp tới.

Đủ khả năng chống lũ

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ, các đơn vị chức năng TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra trước mùa mưa lũ năm 2020, cho thấy, hiện các tuyến đê đã đảm bảo đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế và phấn đấu chống được lũ cao hơn.

Qua kiểm tra, đánh giá và quá trình theo dõi, quản lý cũng như thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa lũ trên các tuyến đê thành phố, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã xác định 4 trọng điểm, 12 điểm xung yếu đê điều trong mùa mưa bão năm nay.

Cụ thể, trọng điểm số 1 (cống Cẩm Đình tại K1 700 đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ): Sự cố mạch đùn, mạch sủi dưới cống Cẩm Đình là nghiêm trọng, xuất hiện ở cả thượng và hạ lưu cống khi có chênh lệch mực nước. Bộ NN&PTNT, UBND thành phố đã cho triển khai dự án xử lý cấp bách, hiện nay đã cơ bản thi công xong, khắc phục sự cố. Tuy nhiên, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến và lập phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn chống lũ của tuyến đê Vân Cốc.

Trọng điểm số 2 là khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu, tương ứng K0 000 - K2 000 đê Tả Đuống (huyện Đông Anh). Đây là khu vực đê sát sông, mái kè cũng là mái đê; trong khu vực còn có cống lấy nước Long Tửu là công trình liên tỉnh Hà Nội - Bắc Ninh, được xây dựng từ lâu (năm 1962), đáy cống thấp.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của chế độ thủy lực phức tạp khu vực cửa vào sông Đuống, dòng chủ lưu chảy áp sát bờ tả, mái kè cũng là mái đê; đáy sông liên tục bị bào xói, xuất hiện nhiều hố xói sâu. Những năm gần đây, liên tục xảy ra sự cố đê, kè tại khu vực này, mặc dù hai bờ đã được gia cố kè hộ chân. Mùa mưa lũ năm 2020 khu vực này cần được đặc biệt quan tâm và xây dựng phương án bảo vệ; đồng thời, phải tổ chức theo dõi chặt chẽ, kịp thời ứng cứu, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoạn đê này.

Trọng điểm số 3 là công trình cống Liên Mạc, tương ứng K53 450 đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm). Đây là một trong những cống lớn, xây dựng lâu (năm 1938), đáy cống ở cao trình thấp, tường ngực bị thấm. Vì vậy, khu vực này cần được quan tâm và xây dựng phương án bảo vệ; đồng thời phải tổ chức theo dõi chặt chẽ, kịp thời ứng cứu, đảm bảo an toàn cho khu vực này.

Trọng điểm số 4 tương ứng từ K22 500 đến K26 000 đê Hữu Cầu. Vị trí từ K22 678 đến K23 178 kè Hiệu Chân, hiện đang được xử lý cấp bách khắc phục sự cố cần được xây dựng phương án bảo vệ; đồng thời, phải tổ chức theo dõi chặt chẽ, kịp thời ứng cứu, đảm bảo an toàn cho khu vực này. Đáng ngại, khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, tương ứng K24 950 - K25 300 đê Hữu Cầu trong phạm vi chiều dài khoảng 100m tuyến đê có 3 cống qua đê, trong đó, 2 cống có cao trình đáy thấp, những năm trước, đã có hiện tượng nứt ngang đê tại khu vực này, tuy đã được xử lý, song cần theo dõi chặt chẽ khi có lũ cao. Vì vậy, năm 2020, cần quan tâm theo dõi chặt chẽ và xây dựng phương án đối với khu vực này, nhằm đảm bảo trong trường hợp xảy ra lũ lớn trên sông Cầu.

Năm 2020, ngoài 4 trọng điểm trên các tuyến đê xác định còn 12 điểm xung yếu. Đối với những điểm xung yếu được thống kê, vào mùa lũ cần tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng xử lý nếu có tình huống bất lợi xảy ra.

An Khuê

Top