Vì sao giá thịt lợn tại các chợ vẫn chưa giảm?

02/04/2020 9:14 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi Thủ tướng chỉ đạo phải giảm giá thịt lợn, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm giá lợn hơi. Tuy nhiên, giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi. Dự kiến, trong vài ba ngày tới, người tiêu dùng sẽ được mua thịt lợn với giá cả hợp lý.

Giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi. Ảnh: Thùy Linh

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù giá lợn hơi xuất chuồng đã giảm mạnh so với tuần trước nhưng tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn bán lẻ vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt. Điển hình như tại chợ Hoàng Mai, chợ Kim Liên,... giá thịt lợn trong sáng nay (2/4) như thịt lợn ba rọi vẫn ở mức 160.000 đồng/kg, thịt nạc vai giá bán 170.000 đồng/kg, mông sấn ở mức 140.000 – 150.000 đồng/kg, móng giò 120.000 đồng/kg, sườn, nạc vai 150.000 đồng/kg, sụn 200.000 đồng/kg... Tùy từng chợ có thể dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg mỗi loại.

Lý do giá thịt lợn tại các chợ chưa thể giảm được các tiểu thương giải thích là do các lò mổ vẫn chưa giảm giá, thịt lợn mảnh họ nhập vẫn ở mức giá cũ từ 110.000-120.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương bán thịt tại chợ Hoàng Mai cho biết, do dịch Covid- 19, nhiều người dân lo lắng, mua tích trữ nên chủ lò giết mổ thịt lợn vẫn bán với giá cao. “Thời điểm chiều 31/3 có tăng giá vì người dân đổ xô đi mua nhiều, các sạp đều gọi thêm hàng khiến lò mổ nhiều khi không mổ kịp nên họ tăng giá nên tôi phải tăng giá theo. Nhưng đến hôm qua và hôm nay, lượng người mua ít hẳn, thậm chí không có, lò mổ họ vẫn giao với giá như bình thường thì tôi chưa giảm ngày được”, chị Hòa nói.

Còn tại các siêu thị như Vinmart , thịt lợn nhãn hiệu Meat 3G như nạc vai có giá hơn 180.000 đồng/kg, ba rọi 236.900 đồng/kg; thịt lợn của C.P có giá: Thịt ba rọi 60.500 đồng/gói 300g; nạc thăn 47.500 đồng/gói 300g. Tại hệ thống siêu thị BigC thịt nạc xay 165.000 đồng/kg, móng giò 131.000 đồng/kg, ba chỉ 171.000 đồng/kg, tai,...

Giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi

Mặc dù 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn cam kết đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ 1/4, thế nhưng trên thị trường giá bán vẫn tăng. Lý giải về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù các doanh nghiệp thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi. Tuy nhiên, giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi, các cơ sở giết mổ có thể vẫn còn tồn kho một số lượng lợn hơi. Ngoài ra, do thực trạng chăn nuôi của Việt Nam còn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trên cả nước trong khi nguồn cung thịt lợn tại một số địa phương chưa hồi phục, còn thiếu.

Đồng thời, một số thông tin chưa chính xác được lan truyền trên các mạng xã hội những ngày qua, nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân nên đã xuất hiện tình trạng mua tích trữ thực phẩm của người dân, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Do đó, giá thịt lợn thành phẩm vẫn có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ cục bộ tại một số nơi.

Tuy nhiên, khẳng định rằng trong hệ thống các siêu thị, giá tất cả các sản phẩm thịt lợn vẫn ổn định, không tăng giá.

Qua theo dõi giá cả thị trường thịt lợn những năm qua, tỷ lệ giá thịt lợn thành phẩm và giá lợn hơi thường giao động trong khoảng 1,7-1,9 lần. Do giá lợn hơi vẫn ở mức cao nên giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường sẽ có mức cao tương đương.

Biện pháp căn bản và lâu dài để ổn định thị trường thịt lợn là tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Việc tăng nguồn cung cần được thực hiện song song 2 nội dung là tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học, đồng thời nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và cụ thể nhằm góp phần ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn. Cụ thể, theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn để có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp điều hành kịp thời. Tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Đồng thời chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an ninh xã hội...

Điều đáng quan ngại là giá lợn tại cửa chuồng đã bán ở mức dễ chịu hơn nhưng do chưa quản lý tốt khâu lưu thông, phân phối, giết mổ của tư thương nên người tiêu dùng vẫn có thể bị thiệt khi giá thịt lớn bán tại chợ vẫn ở mức cao. Do đó cần kiểm soát lại khâu trung gian lò mổ để "kéo" giá thịt lợn xuống. Nếu không, khi đến tay người tiêu dùng vẫn ở giá cao.

Thùy Linh

Top