Vị tết ở Tranh Khúc

15/01/2016 9:21 AM

(Chinhphu.vn) - Về làng Tranh Khúc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội dịp cuối năm nhà nào cũng thấy lá dong, gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn... Buổi chiều, khắp làng thơm phức mùi bánh. Khói bếp lãng đãng trong mưa phùn. Mới giữa tháng Chạp mà người xe đã tấp nập vào ra nhộn nhịp như Tết đã đến rất gần.

Làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Mỗi năm, Tranh Khúc cung cấp hàng vạn bánh cho thị trường.

Dịp Tết, nhu cầu của thị trường tăng cao. Nhà nhà đua nhau làm bánh, thời điểm cận Tết nhà nào cũng bận tối mặt tối mũi. Nếu ngày thường mỗi nhà chỉ làm 50-100 cái theo đơn đặt hàng thì dịp này tăng số lượng lên gấp 5, nhiều nhà cho ra lò gần 1.000 chiếc bánh mỗi ngày.

Nhiều hộ làm bánh chưng lâu năm trong làng cho biết, bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Đặc trưng của bánh chưng Tranh Khúc là gói bánh 8 góc. Người dân gói bánh bằng tay nhưng chiếc bánh vẫn vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp.

Người làng Tranh Khúc thường chọn gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu, còn đậu xanh, trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu thơm và ngậy. Thịt lợn mua ngay tại các lò mổ. Bánh chưng Tranh Khúc xưa luộc theo phương thức truyền thống bằng bếp củi và bếp than, nay nhiều gia đình đã sử dụng bếp điện, thuận tiện hơn. Bánh được luộc 6-10 tiếng, cứ cuối buổi chiều các hộ bắc bếp nổi lửa, gần sáng bánh được vớt ráo nước, ép, rồi mang đi khắp nơi.

Bánh chưng của làng có mặt ở khắp nơi, từ Hà Nội cho đến TP Hồ Chí Minh. Dịp Tết này, bánh chưng Tranh Khúc còn ra nước ngoài, phục vụ bà con kiều bào đón Tết. Người Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm, không bán lẻ mà giao cho các cửa hàng, siêu thị. Không khí trong làng sôi động, tấp nập.

Một mùa xuân nữa lại đến, trở về thưởng thức không khí gói bánh ở Tranh Khúc như một cuộc hành trình tìm về hương vị cổ xưa và truyền thống. Đây không chỉ là một trong những làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội, mà đó còn là nơi ta có thể tìm đến với món bánh dân gian từng xếp ngang hàng với các thứ "cao lương mĩ vị". Đó là thứ sản vật được Lang Liêu cung tiến lên Vua Hùng và đặc biệt trở thành biểu tượng cao đẹp tượng trưng cho "trời" và "đất". Thế nên, dù đã qua bao thế hệ, chiếc bánh chưng làng Tranh Khúc vẫn giữ y nguyên hương vị cổ xưa và khuôn mẫu truyền thống của dân tộc....

Bài và ảnh: Đỗ Hương

Top