Việc nhập sáp thôn, tổ dân phố: Sẽ tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng

19/11/2019 3:04 PM

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố “Về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019” dự kiến sẽ sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tại 4 quận, huyện: Mê Linh, Phúc Thọ, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm.

Việc nhập sáp thôn, tổ dân phố sẽ tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng

Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố (gồm 2.519 thôn và 5.145 tổ dân phố). Sau khi UBND Thành phố ban hành Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố, có 22/30 quận huyện đã hoàn thiện các quy trình từ cơ sở, xây dựng hồ sơ báo cáo UBND Thành phố để trình HĐND Thành phố thông qua. Tổng số thôn, tổ dân phố còn lại sau khi thực hiện sáp nhập là 5.146 (giảm 2.824 thôn, tổ dân phố).

Báo cáo của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, theo khảo sát, đại bộ phận nhân dân đồng tình với chủ trương của Thành phố, tuy nhiên, còn băn khoăn về việc phải thay đổi các loại giấy tờ tùy thân; về sắp xếp, sử dụng các cơ sở vật chất, nhà văn hóa; việc sáp nhập sẽ làm tăng quy mô thôn, tổ dân phố, dẫn đến áp lực đặt ra đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cũng tăng lên... Ngoài ra, một số thôn có sự tách biệt về địa lý hoặc có sự khác nhau về tôn giáo; việc đặt tên thôn, tổ dân phố sau sáp nhập cũng là một khó khăn.

Do đó, Ủy ban MTTQ Thành phố kiến nghị trong quá trình sáp nhập, đổi tên các thôn, tổ dân phố cần phải rà soát cụ thể, nhất là những nơi có khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thành phố giải quyết; nên có định hướng về tên gọi các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập để lấy ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận; có chính sách quan tâm đến đội ngũ cán bộ, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp...

Về việc bố trí phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất với Thành phố bố trí phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố đối với tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn; đối với các thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên thì căn cứ vào hoạt động thực tiễn của địa phương có thể xem xét, bố trí thêm 1 phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố.

Phản biện về Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố, các thành viên MTTQ Thành phố và nhiều chuyên gia cho rằng, việc sáp nhập, sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố là một việc lớn, tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân, do vậy, quá trình thực hiện phải được xem xét kỹ lưỡng, triển khai thận trọng, đặt vấn đề ổn định lên trên hết, đặc biệt trong năm 2020 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp và nhiều sự kiện chính trị quan trọng, cũng như bối cảnh Thành phố đang chuẩn bị triển khai Đề án thí điểm quản lý theo  mô hình chính quyền đô thị.

Do đó, trong quá trình thực hiện phải tính đến các yếu tố, đặc điểm về văn hóa, tôn giáo của từng cộng đồng. Bởi thực tế, hiện nay, nhiều thôn lên tổ dân phố, nhiều xã lên phường nhưng vẫn sống và làm việc theo văn hóa làng xã. Ngoài ra, một số thôn, tổ dân phố hiện đã thiếu các thiết chế sinh hoạt cộng đồng, sau sáp nhập quy mô tăng lên thì vấn đề này lại càng khó khăn hơn.

Ngoài ra, cùng với sáp nhập thì phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành từ chính quyền cơ sở, qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động; có quy chế hoạt động, phân định rõ nhiệm vụ giữa thôn, tổ dân phố với chính quyền cấp xã, cấp huyện để không dồn việc xuống cấp dưới; chỉ đạo đồng bộ các ngành trong hỗ trợ đổi giấy tờ tùy thân cho người dân. Đối với những thôn có trên 1.200 hộ, những tổ dân phố trên 1.000 hộ thì phải tiến hành chia tách để đảm bảo hoạt động.

Về các vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND Thành phố là việc triển khai phải thận trọng, chắc chắn, có lộ trình, không nóng vội, đồng thời, yêu cầu các quận, huyện rà soát lại một lần nữa, nắm chắc tình hình, nếu có vấn đề phát sinh thì giải quyết kịp thời. Phó Chủ tịch Thành phố nêu rõ, xu hướng chung là việc quản lý địa bàn dân cư phải đổi mới, hướng đến vận động, tự nguyện, tự quản.

Vĩnh Hoàng

Top