Vốn huy động của các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng

26/11/2020 8:00 AM

(Chinhphu.vn) – Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội, tính đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến đạt 3.957.300 tỷ đồng, tăng 12,91% so với 31/12/2019. Nguồn vốn bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và định hướng điều hành của NHNN, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2020 các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Các TCTD trên địa bàn triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến 31/12/2020, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn ước đạt 2.314.506 tỷ đồng, tăng 9,58% so với 31/12/2019. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 2.092.808 tỷ đồng chiếm 90,4% và tăng 10,62%, dư nợ ngắn hạn tăng 13,56%, dư nợ trung và dài hạn tăng 8,54%; dư nợ VND tăng 11,88%, dư nợ ngoại tệ tăng 0.57% so với 31/12/2019.

Trên địa bàn TP. Hà Nội chương trình tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 190.333 tỷ đồng, chiếm 9,09%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 110.228 tỷ đồng, chiếm 5,27%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 395.541 tỷ đồng, chiếm 18,9%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 52.006 tỷ đồng, chiếm 2,49%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 8.329 tỷ đồng, chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội đạt 9.836 tỷ đồng, chiếm 0,47%; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 549.520  tỷ đồng.

Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn và liên tục (ngày 17/3/2020; 13/5/2020 và 01/10/2020) với tổng mức giảm khoảng 1,5% đến 2%/năm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn; giảm 0,6% đến 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng qua đó có điều kiện hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn vay, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tại các Ngân hàng thương mại, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng theo các quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, kéo theo lãi suất các kỳ hạn từ trên 6 tháng, 12 tháng đồng loạt giảm. Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1% đến 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3% đến 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2% đến 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8% đến 6,9%/năm. Lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của TCTD giảm so với cuối năm 2019. Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5% đến 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 7,5% đến 9,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,5%/năm.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, năm nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, đã thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của NHNN.

 Minh Anh

Top