Vượt qua khó khăn, bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân

04/08/2020 3:26 PM

(Chinhphu.vn) – Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã gây sụt giảm sản lượng, doanh thu của xe buýt của Thủ đô. Tuy nhiên, vượt qua tác động nặng nề của dịch bệnh, mạng lưới xe buýt Thủ đô vẫn thực hiện tốt sứ mệnh của mình – bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.

Xe buýt cần tháo gỡ khó khăn để phục hồi. Ảnh: Thành Nam

Thay đổi lớn về chất và lượng

Trong 5 năm qua, xe buýt Thủ đô đã có sự thay đổi lớn về chất và lượng. Mạng lưới tuyến liên tục được hợp lý hóa, mở rộng vùng phục vụ, với 127 tuyến buýt (trong đó 104 tuyến buýt có trợ giá) “phủ sóng” toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố.

Về mức độ bao phủ, nếu như năm 2015, mới có 310/584 phường, xã, thị trấn của Thủ đô có tuyến xe buýt kết nối (chiếm tỷ lệ 53,1%) thì đến năm 2019 là 452/584 phường, xã, thị trấn (chiếm 78,1%). Tính đến hết tháng 7/2020, đã có 63 tuyến xe buýt có trợ giá kết nối khu vực ngoại thành, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân tại đây. Cùng với đó, xe buýt đã tiếp cận tới 62/71 bệnh viện; 27/27 khu, cụm công nghiệp; 30/30 khu đô thị và kết nối tới 7/9 tỉnh lân cận.

Với quyết tâm của Thành phố, sự nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị chủ lực của Thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, đoàn phương tiện đã không ngừng được đầu tư, đổi mới. Trong 5 năm qua, các đơn vị đã đưa hơn 1.120 xe buýt mới vào hoạt động. Đến nay, Hà Nội không còn xe buýt niên hạn trên 10 năm. Cùng với đó, Transerco cũng đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành, gia tăng các tiện ích cho hành khách, như báo điểm dừng bằng âm thanh, đèn LED, wifi miễn phí, camera... Ngoài ra, số điểm dừng, nhà chờ cũng liên tục được cải tạo, sửa chữa và bổ sung giúp hành khách tiếp cận với xe buýt an toàn, thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 vừa qua và hiện đang bùng phát lại đã gây sụt giảm sản lượng xe buýt của Thủ đô. Đặc biệt, các tuyến buýt không trợ giá số 86, 68 và City tour có sản lượng, doanh thu giảm sâu so với kế hoạch. Đến nay, mới có tuyến số 86 và 68 hoạt động trở lại với mức độ hoạt động bằng khoảng 40% - 50% so với thời điểm trước dịch. Riêng tuyến xe buýt du lịch 2 tầng vẫn chưa thể hoạt động trở lại, do đối tượng hành khách chủ yếu là khách du lịch quốc tế vẫn chưa được nhập cảnh vào Việt Nam.

Không chỉ đối với Transerco, đó còn là thực trạng chung đáng lo ngại của toàn mạng lưới xe buýt tại Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thời gian giảm và ngừng hoạt động xe buýt nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã khiến sản lượng và doanh thu 6 tháng đầu năm của toàn mạng lưới giảm, tương ứng là trên 29% và trên 42%. Cùng với đó, hiện đã có trên 330.000 Thẻ miễn phí được cấp, các đối tượng sử dụng Thẻ miễn phí đã tăng trên 82 lần; lượng vé tháng cũng giảm gần 15%, doanh thu xe buýt giảm trên 10%.

Sớm tháo gỡ để duy trì hoạt động của mạng lưới xe buýt

Trong khi khó khăn còn chồng chất, nguy cơ phải tiếp tục ứng phó với đợt dịch bệnh Covid-19 mới lại đang treo lơ lửng bên cạnh các doanh nghiệp khai thác VTHK công cộng bằng xe buýt. Diễn biến phức tạp tại vùng dịch Đà Nẵng đang lan dần sang các địa phương khác, trong đó có Hà Nội. Hiện tất cả các tuyến xe buýt của Hà Nội đã được yêu cầu triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh như: Bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi lên xe…

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Ngô Xuân Phú cho biết, sau đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Transerco đã đề xuất được hỗ trợ tiền lương, trợ cấp cho người lao động. Nhưng do đơn vị không thuộc diện “ngừng hoàn toàn hoạt động” nên không được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đến nay toàn bộ khối lượng vận chuyển quý I/2020 của 46 tuyến đặt hàng, trước khi chuyển sang hình thức đấu thầu, vẫn chưa có cơ chế đặt hàng, dẫn đến Transerco chưa nhận được tạm ứng, thanh toán, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Đối với hệ thống VTHK công cộng, đặc biệt là xe buýt cũng cần phải nhanh chóng điều chỉnh các chính sách, cơ chế về trợ giá, giá vé để doanh nghiệp ổn định hoạt động. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đặc thù của VTHK công cộng là ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, giao thông và môi trường của các đô thị. Bởi vậy các doanh nghiệp khai thác VTHK bằng xe buýt cần được hỗ trợ thỏa đáng, đủ sức vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động trong cũng như sau đại dịch Covid-19, tránh gây thêm nhiều hệ luỵ cho những thành phố lớn, nơi xe buýt có vai trò cực kỳ quan trọng.

Hiện UBND TP. Hà Nội và Sở GTVT cũng đã kịp thời nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ để duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới xe buýt. Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đang phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát toàn mạng lưới về sản lượng hành khách, doanh thu để có cơ sở báo cáo Thành phố điều chỉnh kế hoạch về sản lượng, doanh thu, trợ giá cho năm 2020.

Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn nên dự kiến hết tháng 9 tới đây mới hoàn thành. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải sau tháng 9 mới được định hình, áp dụng vào thực tế.

Thành Nam

Top