Xác định các địa phương cần quan tâm hỗ trợ về an sinh xã hội

01/03/2024 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Qua đợt khảo sát của Thành ủy Hà Nội, các sở, ngành cần xác định nhóm các địa phương cần quan tâm hỗ trợ đặc biệt; nhóm cần hỗ trợ vay vốn; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ y tế; quan tâm điều kiện hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp tại các huyện vì đây là kinh tế chính của một số địa phương.

Xác định các địa phương cần quan tâm hỗ trợ về an sinh xã hội- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì làm việc tại huyện Thạch Thất - Ảnh: VGP/GH

Tiếp tục chương trình giám sát về Chương trình 08-CTr/TU, ngày 1/3, Đoàn giám sát của của Thành ủy Hà Nội đã giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” tại huyện Thạch Thất và Ứng Hòa.

Thạch Thất tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng trạm y tế, trường chuẩn quốc gia

Theo Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng, triển khai Chương trình 08-CTr/TU, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện đã chủ động kịp thời tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành 122 văn bản các loại để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, toàn huyện đã đạt 16/27 chỉ tiêu, còn lại các chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức năm 2025.

Cụ thể, về phát triển thị trường lao động, tạo việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ khi thực hiện Chương trình đến nay, huyện đã giải quyết việc làm mới cho trên 17.100 lao động.

Giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội đã giải quyết cho vay vốn được 443 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật; 91 gia đình vay vốn chi phí học tập; hỗ trợ vốn tạo việc làm cho 10.351 người lao động; góp phần xây, sửa 4.377 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện được tiếp cận vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các giải pháp, các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thực hiện đúng đủ, kịp thời. Huyện đã xây 41 nhà, sửa 20 nhà ở xuống cấp hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 4,6 tỷ đồng. Hiện nay, huyện còn 22 hộ nghèo (tỷ lệ 0,04%); 1.680 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,95%). Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo mỗi năm giảm 10%.

Về giải pháp mở rộng, bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; biện pháp khắc phục tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, chống lạm thu, trục lợi quỹ BHXH, BHYT đến hết năm 2023 huyện có 93,74% dân số tham gia BHYT (vượt 0,24% kế hoạch của huyện); có 26.686 người tham gia BHXH bắt buộc (vượt 0,2% kế hoạch của huyện); có 3.890 người tham gia BHXH tự nguyện (vượt 0,3% kế hoạch của huyện)...

Huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo và việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư nâng cao năng lực y tế, chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến, đa dạng hoá các dịch vụ khám chữa bệnh; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú, dịch vụ kỹ thuật, thuốc và vật tư y tế.

Công tác trợ giúp người khuyết tật, các đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, thực hiện kịp thời, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần giúp bản thân họ tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cuộc sống, tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn hoan nghênh huyện Thạch Thất đã đạt một số chỉ tiêu cao trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian tới cần rà soát, huyện cần tổng hợp các chỉ tiêu khó thực hiện; đánh giá nguyên nhân, nêu rõ giải pháp thực hiện, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Thành phố những khó khăn, vướng mắc, để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu. Đặc biệt, huyện cần xây dựng kế hoạch, phân công phân nhiệm từ nay đến cuối nhiệm kỳ để hoàn thành các chỉ tiêu đạt thấp như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hỏa táng, xây dựng trạm y tế, trường chuẩn quốc gia... Huyện cần có kế hoạch để giảm, tiến tới xoá hộ nghèo trên địa bàn, có giải pháp căn cơ để giảm tỷ lệ hộ cận nghèo.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, huyện cần đưa ra các giải pháp cụ thể, thực tế, hiệu quả. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, quán triệt, vận động tới các cấp ủy, chính quyền cơ sở, doanh nghiệp và người dân để nâng cao nhận thức; huy động sự tham gia, vào cuộc của toàn xã hội. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, huyện Thạch Thất có thế mạnh với nhiều làng nghề, cụm công nghiệp, nhưng chưa đồng bộ trong bảo bảo vệ môi trường. Vì thế, huyện cần rà soát, có giải pháp căn cơ để thực hiện vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt cho nhân dân.

Xác định các địa phương cần quan tâm hỗ trợ về an sinh xã hội- Ảnh 2.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì làm việc tại huyện Ứng Hòa - Ảnh: VGP/GH

Huyện Ứng Hòa: Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.

Tại huyện Ứng Hòa, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, đời sống nhân dân trên địa bàn tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trung bình toàn huyện các năm đều tăng: Năm 2021 đạt 54,7 triệu đồng/người/năm; năm 2022 đạt 61,2 triệu đồng/người/năm và năm 2023 tăng lên 68,2 triệu đồng/người/năm.

Tính đến cuối năm 2023, huyện đã đạt 13/27 chỉ tiêu thuộc Chương trình. Huyện được công nhận huyện nông thôn mới năm 2022; UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 3 xã: Hòa Xá, Hòa Phú, Đông Lỗ. Cùng với đó, huyện luôn quan tâm chỉ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ công tác y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo vượt kế hoạch Thành phố và huyện giao từ đầu năm (năm 2023, giảm được 44/46 hộ nghèo đạt 275% Kế hoạch HĐND huyện giao).

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện được bố trí 92 dự án thuộc 3 lĩnh vực: đầu tư xây dựng, cải tạo trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. Trong đó có 2 dự án cấp Thành phố quản lý, 90 dự án cấp huyện quản lý với tổng mức đầu tư dự kiến 2.970.075 triệu đồng.

Huyện Ứng Hòa hiện còn 3 chỉ tiêu khó hoàn thành theo kế hoạch, gồm: chỉ tiêu tỷ lệ hỏa táng 73-75% đến cuối năm 2025; chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân là 30 giường bệnh/vạn dân trở lên; chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân là 15 bác sĩ. Từ thực tế trên, huyện kiến nghị Thành phố quan tâm quy hoạch tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho huyện: Như mở rộng và phát triển đô thị; quy hoạch mới hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục chuyên nghiệp; phát triển không gian công viên cây xanh, du lịch, vui chơi giải trí gắn với trục sông Đáy và kết hợp các công trình di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, làng nghề…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các sở, ngành, qua đợt khảo sát, cần xác định nhóm các địa phương cần quan tâm hỗ trợ đặc biệt; nhóm cần hỗ trợ vay vốn; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở không hỗ trợ đại trà và cào bằng; quan tâm điều kiện hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp vì đây là nền kinh tế chính của một số địa phương.

Đối vưới huyện Ứng Hòa, Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong đánh giá, bên cạnh thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 08-CTr/TU, huyện còn xây dựng các đề án có tính chất căn cơ, bước đầu tận dụng được lợi thế của huyện, như xây dựng Đề án nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi...

Với những chỉ tiêu chưa đạt, trên cơ sở huyện đã nhận diện được những khó khăn, hạn chế, thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện phải quan tâm đến công tác quy hoạch, phải tính đến việc kết nối đường Vành đai 5 qua huyện Mỹ Đức và mạnh dạn đề xuất Thành phố những đề án lớn trong phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, phải xác định hạn chế lớn nhất tác động đến sự phát triển chính là ô nhiễm nguồn nước sông Đáy, từ đó, có đề xuất với Thành phố.

Đối với giáo dục đào tạo, huyện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ về đội ngũ giáo viên mà cả về đội ngũ cán bộ quản lý để tạo ra động lực. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng để tạo ra sự phát triển và có phương án liên kết hợp tác với những cơ sở giáo dục đầu ngành. Ngoài ra, phải sắp xếp hệ thống quy hoạch trường lớp và phải dự báo được sự gia tăng dân số để có sự chuẩn bị.

Ngoài ra, huyện cần đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức gắn với định hướng phát triển của huyện thời gian tới, trong đó, có Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và tuyển dụng các chuyên ngành lĩnh vực huyện cần; đề xuất các sở, ngành điều động cán bộ về hỗ trợ để giải quyết căn cơ những hạn chế của huyện. Lưu ý, trên địa bàn huyện vẫn còn 1.200 hộ cận nghèo, nên để việc giảm nghèo bền vững, Ứng Hòa cần có kế hoạch căn cơ, không thỏa mãn với kết quả đã đạt được.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, huyện cần tính toán đến các phương án gia tăng số lượng nhân lực được đào tạo nghề, có sự liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố.

Gia Huy


Top