Xác định CNTT là đòn bẩy cải cách hành chính

12/10/2016 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là đòn bẩy phục vụ cải cách hành chính, đến nay công tác ứng dụng CNTT của TP. Hà Nội đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng Chính quyền điện tử cơ bản đã hình thành, góp phần làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

TP.Hà Nội khai trương hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường. Ảnh: Gia Huy

Hình thành nền tảng cơ bản của Chính quyền điện tử

Luật CNTT được ban hành năm 2006, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và có ảnh hưởng rộng tại Hà Nội chỉ bắt đầu từ năm 2008 khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của Hà Nội đứng đầu cả nước năm 2007; trong khi đó, tỉnh Hà Tây (cũ) chỉ xếp hạng thứ 43 và có nhiều huyện gần như “trắng” về cơ sở hạ tầng, ứng dụng cũng như nguồn nhân lực CNTT.

Qua gần 10 năm Luật CNTT ban hành, đến nay, các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô như  Mạng tin học diện rộng Thành phố (WAN) đã kết nối đến 100% các Sở, ngành, UBND Quận/Huyện và UBND Xã/Phường/Thị trấn; Trung tâm dữ liệu Thành phố, Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố đã được hình thành. Hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị cũng bước đầu hoàn thiện để triển khai ứng dụng CNTT, phục vụ tác nghiệp, điều hành hoạt động của đơn vị.

Các ứng dụng dùng chung đã được triển khai đến 100% các Sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Các đơn vị đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử. Thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% công chức và viên chức để trao đổi, giải quyết công việc; tỷ lệ chuyển nhận văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố dưới dạng điện tử đạt 100%; hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai tại các sở, ngành và UBND các quận,huyện.

Thành phố đã triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó có những cơ sở dữ liệu quan trọng như cơ sở dữ liệu dân cư đã hoàn thành. Một số lĩnh vực thiết yếu được quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT như: Đầu tư, tài chính, quản lý đô thị, giao thông, giáo dục..., hỗ trợ có hiệu quả cho bảo hiểm, thuế, hải quan,tòa án đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ công dân, doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của Thành phố đã tăng từ vị trí thứ 10 (năm 2012) lên vị trí thứ 3 (năm 2014, 2015) và theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, mức độ ứng dụng CNTT của Thành phố đã tăng từ thứ 19 (năm 2011) lên vị trí thứ 2 (năm 2013, 2014).

Ứng dụng CNTT phục vụ công dân, doanh nghiệp

Đến hết năm 2015, Thành phố đã triển khai được 10/10 nhóm dịch vụ công cơ bản với 295 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, trong đó có những dịch vụ công đạt hiệu quả cao như: Cấp hộ chiếu phổ thông, hải quan điện tử, nộp thuế điện tử, cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh... 

Đến tháng 6/2016, Hà Nội triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố Hà Nội (http://egov.hanoi.gov.vn/). Thực hiện công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, chuyển nhận văn bản trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Thành phố cũng đã khai trương Cổng điện tử và phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016 - 2017, đồng thời chính thức áp dụng tuyển sinh trực tuyến đầu cấp tới các trường học trên toàn địa bàn. Song song với đó là hoàn thành việc triển khai thí điểm khai thác Cơ sở dữ liệu dân cư, các dịch vụ công mức độ 3, trước mắt đối với một số dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử). Trên cơ sở đó sẽ triển khai đến tất cả các xã/phường trong năm 2016.

Trong lĩnh vực thuế, Thành phố đẩy mạnh ứng dụng thuế điện tử, hình thành Cổng giao tiếp điện từ giữa Cơ quan thuế -Người nộp thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế và đẩy mạnh kê khai thuế qua mạng (đã có trên 107 nghìn doanh nghiệp tham gia, hàng tháng tỷ lệ kê khai nộp thuế), triển khai nộp thuế điện tử (có trên 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thành công) và thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế...

Hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng trên 110 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng tích cực xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm, phát triển thương mại điện tử trong kinh doanh; ước tính khoảng 70 nghìn tên miền đang sử dụng để duy trì các Website ứng dụng.

Đánh giá của TP. Hà Nội cho thấy, nhận thức về ứng dụng CNTT của lãnh đạo, công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã có sự chuyển biến rõ rệt, tác động tích cực đến việc tổ chức, triển khai ứng dụng CNTT, thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại các đơn vị và trong toàn Thành phố.

Tuy nhiên, một số ứng dụng CNTT mới chỉ triển khai theo chiều rộng, chưa thực sự phát huy hiệu quả trong quản lý điều hành và cải cách hành chính. Một số ứng dụng của các ngành được triển khai qua nhiều giai đoạn, không được nâng cấp, còn rời rạc, chưa có tính tổng thể và chưa có sự liên kết, trao đổi chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp CNTT của Hà Nội thời gian qua còn rất thấp so với các địa phương khác trong cả nước, chưa tương xứng với vai trò và lợi thế của Thủ đô và nếu không có các giải pháp, triển khai quyết liệt ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số Hà Nội sẽ tụt hậu.

Mặc dù vẫn còn nhiền tồn tại, hạn chế và cả thách thức trong quá trình ứng dụng và phát triển CNTT do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song, những hiệu quả khi thực hiện ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của Thành phố mang lại là không hề nhỏ trong quá trình phát triển. Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử và phát triển ngành kinh tế tri thức của Thành phố.

Gia Huy

Top