Xác định mũi nhọn trong từng lĩnh vực phát triển

25/04/2016 4:19 PM

(Chinhphu.vn) – Xác định rõ bước đột phá trong xây dựng người Hà Nội; phân tích và tìm mũi nhọn trong từng lĩnh vực là chủ trương của TP. Hà Nội để phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Ảnh minh họa

Cần sớm có quy tắc ứng xử nơi công cộng

Chương trình 04 về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020 đang được Thành ủy Hà Nội hoàn thiện với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho giai đoạn mới.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được trông đợi khi Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, được coi là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Đề án Xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" được trao giải “Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2013 đã được giao Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội xây dựng và dự định thí điểm ngay trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa được ban hành, dự kiến thí điểm bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng chưa được triển khai.

Nhiều kỳ vọng được đặt ra khi Hà Nội hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử, bởi dự thảo Bộ khung quy tắc đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm đối tượng cụ thể: Cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng. Tiêu chí đưa ra với nhóm người dân nơi công cộng là: Chấp hành nội quy, quy định; Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự; Đoàn kết, chia sẻ; Bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; Ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 4 vừa được tổ chức, bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã nêu ý kiến, với những tiêu chí cụ thể của quy tắc ứng xử nơi công cộng, cần sớm ban hành quy chế để có căn cứ để thực hiện khâu đột phá này.

Bên cạnh việc ban hành quy tắc ứng xử nơi cộng cộng, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân thì cần ban hành những chế tài để xử lý những hành vi vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng để có chế tài răn đe hiệu quả hơn.

 

Về chương trình về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, phát triển văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội. Thời gian qua, sự nghiệp văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện, đạt nhiều kết quả.

Chính vì vậy, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo là Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng và trình nội dung “Bộ quy tắc ứng xử người Hà Nội” trên tinh thần đi dần dần vào những quy tắc ứng xử của từng bộ phận nhỏ trong đời sống xã hội.

Đầu tư khi xác định mũi nhọn

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, Chương trình 04 ở giai đoạn mới phải khắc phục được những bất cập như: Quản lý nhà nước về văn hóa - xã hội, trật tự, văn minh đô thị, khoa học công nghệ chưa trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội Thủ đô; vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bức xúc; việc đào tạo nguồn nhân lực cao chưa đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, tiến hành thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, lâu dài, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tập trung các nguồn lực ngân sách Nhà nước và xã hội hóa cho đầu tư, phát triển.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong lĩnh vực Y tế, UBND TP đã rà soát và xác định 3 lĩnh vực nổi trội của Y tế Thủ đô. Đó là, kỹ thuật về bệnh tim của Hà Nội được bệnh viện Trung ương đánh giá tương đương với Viện Tim của bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức; thứ 2 là kỹ thuật của bệnh viện Phụ sản Hà Nội và thứ 3 là kỹ thuật ghép tạng.

Tuy nhiên, để 3 lĩnh vực nổi trội này có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh của Hà Nội với các bệnh viện của Trung ương thì còn rất khó khăn bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về đội ngũ bác sỹ giỏi và nguồn hiến tạng.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, một trong những mũi nhọn của ngành Y tế mà Hà Nội đầu tư trong thời gian tới phối hợp với Pháp xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao tại Bệnh viên đa khoa Xanh Pôn. Hiện các thủ tục pháp lý đã hoàn thiện và dự kiến khởi công đầu tháng 5/2016, đến cuối năm Hà Nội sẽ có trung tâm kỹ thuật cao liên quan đến mổ nội soi với công nghệ mới nhất.

Trong kế hoạch năm 2016, Hà Nội sẽ hoàn thiện bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh; trong kế hoạch 2017, 2018 sẽ hoàn thành viện Đa khoa Thanh Nhàn, Phụ Sản. Trong kế hoạch 5 năm tới, Hà Nội đặt chỉ tiêu xây dựng 1-2 bệnh viện mang tầm cỡ khu vực và quốc tế với bệnh viện Nhi Hà Nội và bệnh viện Tim Hà Nội, phối hợp với tư vấn nước ngoài để xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu.

Trong lĩnh vực GD&ĐT, chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong 5 năm tới là có 70% số trường chuẩn Quốc gia; 95% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương; xây dựng thêm 20 trường công lập chất lượng cao; đào tạo nghề theo hướng tiếp cận mô hình giáo dục nghề nghiệp của khu vực và quốc tế…

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội hiện có gần 2.600 trường với hơn 9.000 lớp học và trên 1,7 triệu học sinh. Tính bình quân mỗi phòng học có nơi chỉ đạt 18 học sinh, nơi cao nhất 30 học sinh nhưng phân bố không đồng đều giữa các quận huyện, thị xã dẫn đến nơi một số huyện ngoại thành thì thừa trường, một số quận nội thành thì thiếu trường.

Vì vậy, hiện Thành phố đang rà soát lại toàn bộ hệ thống giáo dục, tiến tới xây dựng lại quy hoạch giáo dục Thủ đô. Thường trực Thành ủy đã giao Ban cán sự Uỷ ban Thành phố xây dựng quy hoạch lại các trường trong hệ thống giáo dục Thủ đô.

Ngay trong năm 2016, Hà Nội dự kiến triển khai xây dựng hoàn thành 26 trường học cho 13 huyện, thị xã. Đồng thời rà soát để xây dựng trường mầm non, tiểu học tại các quận nội thành còn thiếu phòng học, trường học.

Huy Anh

Top