Xây dựng Cầu Giấy trở thành vùng trọng điểm phát triển đô thị

13/04/2017 2:18 PM

(Chinhphu.vn) - Là một đô thị mới của trung tâm Hà Nội, quận Cầu Giấy cần xây dựng trở thành vùng trọng điểm phát triển đô thị, một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ hiện đại về tài chính, ngân hàng, tin học, viễn thông của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với quận ủy Cầu Giấy. Ảnh: Gia Huy

Cơ cấu kinh tế phát triển mạnh về dịch vụ

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải với quận uỷ Cầu Giấy sáng 13/4, theo Bí thư Cầu Giấy Lê Văn Luân, Cầu Giấy là quận có tốc độ đô thị hoá và phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực.

Từ một quận khi thành lập có hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, chắp nối, công tác quản lý đất đai nhiều bất cập, đến nay Cầu Giấy đang trở thành một đô thị theo hướng hiện đại, hạ tầng được khớp nối, kinh tế có sự phát triển nhanh, môi trường sống ngày càng trở nên tích cực.

Cơ cấu kinh tế của Cầu Giấy hiện là dịch vụ-thương mại-công nghiệp-xây dựng. Trong đó, cơ cấu dịch vụ của Cầu Giấy chiếm tỷ trọng trên 70,8% (nguồn thu ngân sách từ đất đai giảm dần và tăng thu ngân sách từ dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công nghệ cao), xây dựng chiếm tỷ trọng 29,2%. Thu nhập bình quân 1 người/tháng là 5,3 triệu đồng.

Cầu Giấy đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tập trung vào các ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám và công nghệ cao. Đặc biệt, Khu công nghệ thông tin tập trung của Quận là khu công nghiệp tập trung đầu tiên của Hà Nội do cấp quận đầu tư, quản lý thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của thế giới. Mỗi năm, Khu công nghệ thông tin đóng góp cho ngân sách từ 4-5 nghìn tỷ đồng, thu hút khoảng 10 nghìn lao động.

Thu ngân sách của Cầu Giấy năm 2016 vượt 131% dự toán được Thành phố giao với trên 6 nghìn tỷ đồng. Trong quý I/2017 quận đã thu ngân sách đạt trên 41% dự toán được giao với trên 2.400 tỷ đồng.

Cần rõ nét và đồng bộ hơn trong quản lý đô thị

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, từ bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển, Cầu Giấy cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, đặc biệt là công tác phòng, chống cháy, nổ; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường trở thành nền nếp.

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Cầu Giấy đã cấp được 94% số trường hợp đủ điều kiện, hiện còn trên 3 nghìn thửa đất chưa cấp quyền sử dụng đất. Bí thư Thành uỷ Hà Nội lưu ý những trường hợp còn lại là trường hợp khó đòi hỏi vai trò của phường, quận trong công tác hoà giải bởi nếu chính quyền không đứng ra giải quyết thì các hộ còn vướng mắc không thể nào tháo gỡ được. Những tồn tại này đỏi hỏi các cấp vào cuộc và nếu giải quyết xong thì sẽ bớt những mầm mống về khiếu kiện đất đai kéo dài.

Bí thư Thành ủy chỉ rõ, Cầu Giấy là quận có thế mạnh về số lượng doanh nghiệp với 15 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động chưa kể số lượng lớn số hộ kinh doanh cá thể, vì vậy quận phải tận dụng tiềm năng này, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Theo Bí thư Hà Nội, Thành phố đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý, môi trường xã hội bình đẳng cho doanh nghiệp.

Về quản lý đô thị, Cầu Giấy cần tập trung lập quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Tạo chuyển biến tích cực, rõ nét và đồng bộ trên lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Phát triển và từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hệ thống giao thông đô thị. Kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng các khu đô thị, các dự án với các khu dân cư cũ. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai III (đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long), các dự án trọng điểm Thành phố.

Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, Cầu Giấy còn tiềm năng rất lớn trong kêu gọi đầu tư, vì vậy quận cần chủ động cân đối nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành Thành phố đẩy mạnh đôn đốc, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực vào ô đất đã có, không để đất trống.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu Công nghệ thông tin tập trung, tạo điều kiện phát triển thành khu vực kinh tế mũi nhọn và tăng nguồn thu ngân sách cho Quận, thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng có sức cạnh tranh, hạn chế thấp nhất những tác động xấu đến môi trường.

Hiện nay, về thực hiện dịch vụ công hành chính mức độ 3, Cầu Giấy đã đạt được tỷ lệ 98% giải quyết TTHC cho người dân, tuy nhiên Bí thư Hà Nội cho rằng tỷ lệ này chủ yếu là do hướng dẫn tại các bộ phận Một cửa mà chưa có tỷ lệ người dân tự khai tại nhà. Bí thư Hà Nội lưu ý Cầu Giấy phải tập trung đẩy mạnh cho người dân tự khai tại nhà bởi Quận là địa bàn có dân trí cao. Tỷ lệ người dân tự khai dịch vụ công trực tuyến tại nhà có cao hay không chủ yếu là do công tác vận động, tuyên truyền ở cấp cơ sở.

Gia Huy

 

Top