Xây dựng giải pháp từ xa để chống thất nghiệp

11/01/2021 4:38 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song năm 2020, toàn TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 180.500 lao động. Đồng thời, xây dựng giải pháp từ xa để chống thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.

Xây dựng hệ thống kết nối cung-cầu đào tạo trong toàn hệ thống (nhà trường – doanh nghiệp – Học sinh, sinh viên). Ảnh minh họa

Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội trong Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng 11/1, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, năm 2020, TP. Hà Nội cũng như cả nước chịu sự tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 gây ra. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động dẫn đến người lao động bị thiếu việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân.

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai các chính sách về lao động, người có công và xã hội trên địa bàn Thành phố. Song, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành LĐTB&XH, các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành vẫn đạt tích cực, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đã đề ra. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 215.000 lượt người, đạt 102,4% kế hoạch.

Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 180.500 lao động,  đạt 116% kế hoạch. Đồng thời đưa gần 2.600 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Giải quyết việc làm cho 7.400 lao động qua hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hơn 13.900 lao động được tuyển dụng thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 115.000 lao động…

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp để giải quyết việc làm, Phó Chủ tịch Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, TP. Hà Nội tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc gắn kết, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội để làm rõ các lợi ích từ việc cộng tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đối với chất lượng lao động qua đào tạo cũng như giải quyết việc làm sau đào tạo.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động một cách chính xác khoa học và đầy đủ nhằm gắn kết đào tạo và sử dụng lao động, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động…để các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp có được số liệu tổng quan về nhu cầu của doanh nghiệp trước mắt và lâu dài.

TP. Hà Nội áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống (nhà trường – doanh nghiệp – Học sinh, sinh viên) để giải quyết được cung - cầu lao động; sử dụng Quỹ chống thất nghiệp để đào tạo cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hoặc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động. Đây là giải pháp từ xa để chống thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới chương trình đào tạo, hướng đến nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, tăng cường thực hành, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm; đa dạng hóa hình thức, nội dung phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Về giải pháp thị trường lao động, TP. Hà Nội đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên được tổ chức theo hướng Sàn Trung tâm, Sàn vệ tinh và Điểm vệ tinh. Song song với đó là tăng cường thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ lao động đăng tin tìm việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng thông qua website: vieclamhanoi.net; tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm…

Bích Phương

Top