Xây dựng Hà Đông thành thành phố phía Đông của Hà Nội

21/11/2020 12:58 PM

(Chinhphu.vn) - Quận Hà Đông cần đổi mới, quyết liệt và có khát vọng phát triển, xây dựng Hà Đông thành cực tăng trưởng của Thủ đô, là thành phố phía Đông của Hà Nội với đầy đủ mô hình trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: Gia Huy

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc với quận Hà Đông sáng 21/11 về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu vấn đề Hà Đông có thể trở thành cực tăng trưởng của Thủ đô hay không bởi quận có đặc điểm đất rộng, người đông, tiềm năng và lợi thế đều có đầy đủ. Nếu so sánh với một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình thì Hà Đông có nhiều ưu và lợi thế vì là thủ phủ của tỉnh Hà Tây trước đây.

Theo Bí thư quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân, đến nay quận đã hoàn thiện, ban hành 6 chương trình, đề án của Quận uỷ giai đoạn 2020 - 2025 và đang tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với việc triển khai thực hiện chương trình hành động và 6 chương trình, đề án của Quận uỷ, các cấp uỷ trực thuộc đã nghiên cứu, cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình bằng các chương trình, đề án, kế hoạch công tác cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị.

Đối với thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, theo Bí thư quận, giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt trên 291.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2015. Giá trị hàng xuất khẩu năm 2020 ước đạt trên 122 triệu USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ, đạt 98,12% so với kế hoạch, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mắc, hàng mây tre đan, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm đồ chơi.

Cơ cấu kinh tế quận Hà Đông đã chuyển dịch theo hướng tích cực và cơ bản phù hợp với xu hướng phát triển chung của Thành phố, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp, nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng thương mại-dịch vụ-du lịch.

Trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quận Hà Đông cho biết còn một số khoản thu ngân sách quan trọng chưa đạt kế hoạch giao (thu ngoài quốc doanh, thuê đất, vảo vệ môi trường). Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp, phát sinh mới 20 công trình vi phạm năm 2020. Còn tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp tại một số phương; khó khăn trao trong giao đất dịch vụ...

Nguyên nhân của tồn tại là do tốc độ đô thị hóa của Hà Đông tăng nhanh, nhiều khu đô thị, chung cư, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, số công trình xây dựng năm sau cao hơn so với năm trước, dân số tăng nhanh, gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an ninh trật tự.

Trong chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, quận Hà Đông đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu là 12,7%, trong đó dịch vụ tăng 16,24%; công nghiệp-xây dựng 8,98%; nông nghiệp-thủy sản 0,5%. Đồng thời đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá để phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận, đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng Hà Đông chưa phát triển tốt kinh tế đô thị, dẫn đến nguồn thu hạn chế, trong khi các dự án đô thị hàng chục năm nay triển khai chậm. Vì vậy, giai đoạn tới, quận cần có chương trình thúc đẩy kinh tế đô thị. Riêng năm 2020, tiếp tục rà soát đôn đốc thúc đẩy các chỉ tiêu, đảm bảo tính khả thi trong xây dựng kế hoạch 2021-2025.

Hà Đông từ đầu năm 2020 đến nay thành lập mới được 2.300 doanh nghiệp, hiện tại địa bàn quận có trên 20.800 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 6,8% doanh nghiệp của Thành phố. Sở KH&ĐT mong muốn quận tiếp tục thúc đẩy pht triển doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư công, tập trung lực lượng hỗ trợ các nhà đầu tư, hỗ trợ và thúc đẩy nguồn thu từ lực lượng doanh nghiệp hùng hậu trên địa bàn.

Bí thư quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: Gia Huy

Hà Đông phải trở thành cực tăng trưởng của Hà Nội

Tại buổi làm việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao những đóng góp tích cực của quận Hà Đông cho Thành phố về các mặt phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường công tác xây dựng Đảng; phân công, phân nhiệm sau Đại hội Đảng bộ quận và Thành phố; ban hành sớm được 6 chương trình công tác và đang triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu do tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Đông còn nhiếu vấn đề liên quan công tác quản lý đô thị; kinh tế chưa có đột phá lớn; thu hút đầu tư còn nặng đề đầu tư bất động sản; quản lý trật tự đô thị còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình cán bộ chưa kịp thời dẫn đến một số vụ việc phức tạp tại cơ sở; còn vấn đề trong khâu đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Quản lý trật tự xây dựng còn phức tạp, còn một số vụ việc kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm...

Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị quận Hà Đông tăng cường hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng, nhận thức hơn nữa vai trò đặc biệt của Hà Đông với Thủ đô cả về phát triển kinh tế-xã hội, chỉnh trang đô thị, an ninh quốc phòng, xây dựng đảng, hệ thống chính trị.

Nhấn mạnh Hà Đông là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, vùng đất danh hương với nhiều bậc hiền tài; truyền thống Đảng bộ vẻ vang; vị trí địa lý có lợi thế sát với trung tâm, đất rộng, người đông..., Bí thư Thành ủy nêu đây là những nguồn lực để quận phát triển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị quận Hà Đông phát triển theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh quận Hà Đông cần chủ động hơn nữa, tích cực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, quyết liệt và có khát vọng phát triển hơn nữa, xây dựng Hà Đông thành thành phố phía Đông của Hà Nội, phát triển đô thị bền vững, đóng góp về GDP, việc làm cho Hà Nội.

"Quận Hà Đông cần có khát vọng trở thành cực tăng trưởng của Hà Nội, có đầy đủ trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng của Thành phố", Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quận cần chủ động lập quy hoạch, điều chỉnh lại quy hoạch để tăng cường kết nối với trục trung tâm, các huyện phía Nam, tăng cường kết nối vùng với các tỉnh phía Bắc.

Gia Huy

Top