Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng Việt

07/06/2019 2:11 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm không thua kém hàng ngoại nhập, từ đó xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.

Chất lượng, mẫu mã hàng Việt đang thua kém hàng ngoại nhập - Ảnh: Bích Phương

Mặc dù hàng Việt đã chiếm tỷ lệ 80-90% tại các kênh phân phối hiện đại, 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống, tuy nhiên báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty Nielsen cho thấy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang có dấu hiệu chững lại khi chất lượng, mẫu mã hàng Việt thua kém hàng ngoại nhập. Nhiều người dân phản ánh, sản phẩm Việt có uy tín, chất lượng cao khi xuất khẩu nhưng cùng nhãn hiệu đó dành cho thị trường nội địa, chất lượng lại thua hàng ngoại nhập.

Do đó, để chinh phục người tiêu dùng Việt, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển từ lượng sang chất, chú trọng đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, quá trình xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản cho thấy người Nhật chỉ tin dùng và tự hào khi dùng hàng Nhật Bản. Đây là mô hình mà doanh nghiệp Việt nên học hỏi và triển khai theo hướng hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng chia sẻ, doanh nghiệp dành khoản vốn đầu tư công nghệ, cải tiến phương thức làm việc, thay đổi mẫu mã để sản phẩm đạt tiêu chí tốt, bền, đẹp. Nhờ mở rộng nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp Việt Tiệp đã sản xuất nhiều sản phẩm mới lạ như khóa vân tay, khóa thần tài. Hiện trên 90% sản phẩm tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, doanh thu tăng mạnh từng năm.

Trên chặng đường chinh phục người tiêu dùng, Công ty Điện cơ Thống Nhất đã liên tục thay đổi mẫu mã quạt điện, từ chiếc quạt thô sơ, đến nay sau nhiều lần cải tiến, sản phẩm đã có nhiều mẫu mã đẹp, ít tốn điện, có chức năng điều khiển từ xa như quạt Nhật Bản. Quan trọng hơn cả, giá bán sản phẩm chỉ bằng 1/2 - 1/3 sản phẩm nhập khẩu...

Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp Việt chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực yếu, khó đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ thiết thực hơn, bởi có những vấn đề không chỉ mang tính khách quan, mà phát sinh từ thể chế, cơ chế, chính sách.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với hệ thống phân phối.

Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp Việt với người tiêu dùng, dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề mở rộng sản xuất...

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, để tạo được thành công cho sản phẩm của mình, các nhà sản xuất phải chinh phục người tiêu dùng bằng gu thẩm mỹ, sự độc đáo và giá thành hợp lý.

Ngoài ra, để kích thích người tiêu dùng trong nước quan tâm và sử dụng hàng hóa nội địa nhiều hơn, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hóa… của dân tộc. Chỉ bằng con đường đầu tư sản phẩm mới, doanh nghiệp mới có thể chinh phục người tiêu dùng Việt.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, thông qua công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát huy thế mạnh của các hội, hiệp hội trong việc liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập...

Bích Phương

Top