Xây dựng nông thôn mới tại huyện khó khăn: Cần cơ chế đặc thù

12/12/2019 2:55 PM

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh những địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội có tỷ lệ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì vẫn còn một số huyện gặp nhiều khó khăn, thách thức trong huy động nguồn vốn đầu tư. Do vậy, nhằm tạo động lực, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương này, đòi hỏi Thành phố cần có những chính sách ưu tiên hay cơ chế đặc thù hỗ trợ.

Tiêu chí về trường học chưa đạt tại một số huyện khó khăn. Ảnh: Thành Nam

Ba Vì là huyện có diện tích rộng nhất thành phố, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung, do đó việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, kết quả nổi bật trong phát triển nông nghiệp của huyện là đã dồn điền đổi thửa được 5.735,1 ha, đạt 123,3% so với kế hoạch thành phố giao. Huyện có 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là chăn nuôi bò sữa (xã Vân Hòa) và tưới phun mưa cho chè, cam (xã Khánh Thượng); có 11 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất các sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Gần 10 năm qua, huyện đã huy động được hơn 2.123 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 15/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã đang trình thành phố xem xét, đánh giá để công nhận trong năm 2019.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, ông Tiến thẳng thắn thừa nhận, việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại huyện Ba Vì còn nhiều khó khăn: Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm so với kế hoạch đặt ra; huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; việc thực hiện Chương trình 02 ở các xã miền núi còn chậm và khó khăn; nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới từ ngân sách còn hạn chế và chưa huy động và thu hút được nhiều đơn vị tham gia.... 

Tương tự, tại huyện Ứng Hòa, thu nhập bình quân trên địa bàn năm 2018 mới đạt 37,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung mới đạt 32%; các tiêu chí về hạ tầng nói chung vẫn ở mức thấp... Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi sản xuất còn manh mún, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; chưa kể bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ gia đình.

Tại huyện Mỹ Đức - địa phương nằm xa trung tâm, trong những năm qua, việc triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân của huyện vốn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện, việc huy động nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn thấp, đóng góp của nhân dân và xã hội hoá còn ít, quy mô sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa còn nhỏ, chưa có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất…

Hiện Mỹ Đức mới có 11/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn. Nếu “về đích” đúng hẹn, huyện vẫn còn 8/21 xã phải tiếp tục đầu tư. Ngoài huyện Ba Vì, Mỹ Đức, các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên cũng còn nhiều xã chưa hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới.

Ưu tiên bố trí vốn cho các huyện còn khó khăn

Để tạo nguồn lực cho các địa phương còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, hằng năm khi phân bổ vốn đầu tư cho các quận, huyện, thị xã, thành phố Hà Nội đều ưu tiên, tăng mức hỗ trợ cho các huyện khó khăn. Đối với các xã vùng đồng bào dân tộc, thành phố có kế hoạch hỗ trợ riêng... Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lực ấy chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt ra.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu để Thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn khó khăn; đồng thời đẩy mạnh chương trình nội thành hỗ trợ ngoại thành trong xây dựng nông thôn mới, tiếp thêm nguồn lực giúp các xã, huyện khó khăn về đích.

Mới đây, kiểm tra thực tế việc xây dựng nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ và Ba Vì, bà Ngô Thị Thành Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” khẳng định, Thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các huyện khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, kêu gọi các quận nội thành tiếp tục hỗ trợ các huyện ngoại thành đầu tư những công trình cụ thể như trường học, nhà văn hóa...

Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã, đang và tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các huyện khó khăn để thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ của Thành phố, các địa phương cũng cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, để huy động được nhiều nguồn lực; đồng thời cần tính toán để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Được biết, giai đoạn năm 2021-2025, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của TP. Hà Nội là 89 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Thành phố hỗ trợ trực tiếp khoảng 20 nghìn tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách khoảng 12 nghìn tỷ đồng, vốn từ các chương trình lồng ghép của Thành phố khoảng 25 nghìn tỷ đồng…

Thành Nam

Top