Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo-Hướng đi cần thiết

23/09/2020 4:08 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội còn nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch chưa được khai thác. Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo là hướng đi cần thiết cho các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh khó khăn sụt giảm vì dịch bệnh Covid-19.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Minh Anh

Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch tại buổi Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, sáng 23/9/2020.

Ngành Du lịch cần thích ứng với các biến đổi xã hội

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Tọa đàm nhằm kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý - tổ chức khoa  học - doanh nghiệp du lịch - điểm đến du lịch nhằm tập hợp các sáng kiến, giải pháp khoa học và thực tiễn, phục vụ phát triển du lịch Thủ đô thích ứng với dịch Covid-19 và các biến đổi thiên nhiên, xã hội khác.

Ông Trần Trung Hiếu cho biết, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội, cụ thể, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước (đạt 6,29 triệu lượt khách). Trong đó khách quốc tế đến Hà Nội giảm 75,6% (đạt 1,02 triệu lượt); khách du lịch nội địa giảm 65% (đạt 5,27 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% (tương đương giảm 43.699 tỷ đồng).

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid -19, ngành Du lịch mở ra những xu hướng mới cần có sự cơ cấu lại để thích ứng; du lịch an toàn trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách cùng với xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân. Nhiều nhu cầu du lịch mới được hình thành, đòi hỏi ngành Du lịch Thủ đô cần xây dựng được những sản phẩm du lịch phù hợp thị hiếu trong tương lai, vừa mang tính truyền thống, độc đáo, vừa mang tính khác biệt và có giá trị sáng tạo cao.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận chia sẻ xu hướng du lịch hậu Covid, phát triển sản phẩm du lịch như thế nào để thích ứng với giai đoạn hiện tại và trong tương lai? Làm thế nào để khai thác thế mạnh của điểm đến, hay sáng tạo các tour lữ hành…? Đồng thời các doanh nghiệp du lịch chia sẻ việc xây dựng sản phẩm du lịch để vượt khó do dịch bệnh từ đầu năm tới nay. Thực tế mới đã thúc đẩy các điểm đến tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn hơn để thu hút khách. Cùng với kết quả đáng ghi nhận, các doanh nghiệp cũng chia sẻ những trăn trở về việc tạo ra các sản phẩm độc đáo, hay tầm quan trọng của liên kết phối hợp trong phát triển du lịch.

Liên kết để các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học - Đại học Khoa học xã hội nhân văn, đây là thời điểm chúng ta phải nghĩ tới các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho ngành Du lịch do dịch Covid-19 gây nên, để sau khi mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại, Việt Nam luôn là điểm đến cởi mở, an toàn và thân thiện.

Song song với việc thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, chúng ta cũng cần tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, nhất là sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm và trải nghiệm, để kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách, đặc biệt phát triển kinh tế đêm. Giảm giá để kích cầu du lịch, nhưng dịch vụ vẫn phải bảo đảm. Ngoài ra công tác đào tạo để có nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Việt Nam sau khi hoạt động du lịch quốc tế trở lại bình thường cần được chú trọng. Việc xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện cũng cần được quan tâm trong bối cảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới đại dịch vẫn đang hoành hành dữ dội.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours cho rằng, cần xác định có 3 loại sản phẩm cho du khách đến Hà Nội: sản phẩm du lịch cho khách nước ngoài đến Hà Nội, sản phẩm du lịch cho người Hà Nội khám phá Hà Nội và sản phẩm du lịch cho người Hà Nội đi du lịch ngoài Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, trong đợt kích cầu du lịch tới đây, các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò quan trọng trong vai trò tạo ra một sản phẩm chất lượng độc đáo, có chiều sâu, có tính liên kết. Ngoài ra, cũng cần thay đổi tour truyền thống thành các gói dịch vụ nhỏ chia từ các tour khép kín trước đây. Ví dụ như công ty du lịch có thể cung cấp một trong các dịch vụ khách sạn, hoặc dịch vụ vận chuyển, hay trải nghiệm.

Ông Phùng Xuân Khánh – Giám đốc Công ty lữ hành Tiên Phong Travel. cho rằng, hiện nay một số doanh nghiệp muốn sáng tạo nhưng thiếu ý tưởng, việc xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo nhưng phải đáp ứng đại trà, chứ không chỉ là nhu cầu của một nhóm đối tượng. Bên cạnh đó cần có thông điệp thống nhất khi truyền thông về sản phẩm du lịch mới tạo được hiệu ứng và tác động tới nhu cầu khám phá trải nghiệm của du khách.

Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho biết, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra cho thấy rõ giá trị của du lịch nội địa. Do đó cần quan tâm tới tính bền vững của sản phẩm du lịch, làm sao để xây dựng sản phẩm độc đáo phù hợp với yêu cầu thu hút khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển đạt hiệu quả cao.

Các hoạt động của Bảo tàng Dân tộc Việt Nam thu hút đông đảo khách tham quan mọi lứa tuổi. Ảnh: Minh Anh

Bà An Thu Trà - Phó Trưởng phòng trưng bày truyền thông công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đưa ra định hướng xây dựng tour theo chủ đề và đã tạo ra nhiều tour du lịch hấp dẫn được triển khai trong thời gian dài. Thời gian qua, thông qua trao đổi, hợp tác với các công ty lữ hành, các sự kiện được tổ chức tại bảo tàng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan. Sau mỗi tour, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều có đánh giá trải nghiệm của khách để chọn lọc và duy trì những hoạt động hấp dẫn trong các tour du lịch. Trong thời gian tới, không chỉ thực hiện việc giảm giá vé cho trẻ dưới 6 tuổi, Bảo tàng cũng đang xây dựng sản phẩm công nghệ và dự kiên sớm khai trương phòng khám phá cho trẻ em. Đặc biệt chương trình Rằm Trung thu với nhiều hoạt động độc đáo hiện đang thu hút hàng nghìn khách đăng ký tham dự.

Theo Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong 4 yếu tố căn bản tạo nên chất lượng điểm đến gồm: điểm hấp dẫn, khả năng tiếp cận, các tiện nghi phục vụ khách và các hoạt động du lịch thì yếu tố hấp dẫn đứng hàng đầu trong quyết định lựa chọn của du khách. Các sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo sẽ tạo ra nhiều sự hấp dẫn của điểm đến.

Để xây dựng sản phẩm chất lượng cao thì cần nâng cao chất lượng điểm đến. Điều này đòi hỏi sự phối hợp liên kết giữa điểm đến, doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ cũng như các nhà quản lý, tạo động lực phục hồi tăng trưởng cho ngành du lịch Thủ đô.

Giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 khách du lịch đến Hà Nội đạt 21,83 triệu lượt; năm 2019 đạt 28,945 triệu lượt). Mức tăng bình quân đạt 10,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng cao, Tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 17,6%/năm giai đoạn 2016-2019.

Minh Anh

Top