Xây dựng vùng nhãn chín muộn hướng xuất khẩu bền vững

13/08/2018 2:12 PM

(Chinhphu.vn) - Để nâng cao giá trị, đẩy mạnh tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản hướng tới xuất khẩu bền vững. Trong số những trái cây đặc sản đó, phải nhắc đến nhãn chín muộn-một loại trái cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Nhãn chín muộn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thành Nam

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện toàn Thành phố có hơn 500 ha trồng nhãn chín muộn, tập trung tại 2 huyện: Hoài Đức và Quốc Oai. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, nhãn chín muộn Quốc Oai trồng chủ yếu tại xã Đại Thành. Để phát triển thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành và đẩy mạnh xuất khẩu, đến nay toàn bộ diện tích trồng lúa của xã đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là nhãn chín muộn.

Giống nhãn chín muộn (HTM1) được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận là giống cây ăn quả được chọn lọc và xuất xứ từ một cây nhãn “Tổ” trên 100 tuổi ở thôn Đại Tảo, đây là cây nhãn gốc để nhân giống ra các khu vực khác của xã Đại Thành. Hiện đã được đăng ký thương hiệu, mã vạch nhãn chín muộn Đại Thành. Bằng các biện pháp chiết cành và ghép cải tạo bằng mắt nhãn HTM1 vào các cây nhãn khác đã trồng trước đó, diện tích trồng nhãn chín muộn ở Đại Thành được mở rộng và phát triển nhanh

Là một trong số ít xã của Thành phố đã chuyển đổi toàn bộ đất nông nghiệp, diện tích hai lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, xã Đại Thành hiện có 160 ha trồng cây ăn quả, trong đó có 115 ha trồng nhãn chín muộn đã cho thu hoạch. Năm 2016, xã Đại Thành đã xuất khẩu sang Malaysia được 5 tấn nhãn.

Anh Nguyễn Văn Thành, không chỉ là một trong những hộ trồng nhãn chín muộn lâu năm tại Đại Thành, mà anh còn là người rất tâm huyết với cây nhãn và đã đứng ra làm thủ tục xây dựng thương hiệu nhãn chín muộn cho địa phương. Anh Thành cho biết, gia đình có khoảng 120 cây nhãn 15 năm tuổi và khoảng 100 cây 5-7 năm tuổi.

“Vườn nhãn gia đình được áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu hoạch hơn 15 tấn quả, giá bán bình quân tại vườn 40.000-45.000 đồng/kg. Hiện, nhãn chín muộn của gia đình chủ yếu tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn, các siêu thị lớn và rất ít bán lẻ”, anh Thành chia sẻ. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường hơn 2 vạn cây con, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.

Hướng tới xuất khẩu

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn Hà Nội có khoảng 500 ha trồng nhãn muộn, trong đó, tập trung chủ yếu ở Hoài Đức và Quốc Oai. Nhãn muộn Hà Nội chín muộn hơn vụ nhãn thông thường từ 1,5- 2 tháng, chín sau vụ nhãn muộn của Hưng Yên khoảng nửa tháng. Quả nhãn muộn Hà Nội to, cùi dày và giòn, ngọt thanh không quá sắc nên có giá trị kinh tế, giá bán cao.

Sản lượng bình quân của nhãn chín muộn đạt từ 8.000 đến 9.000 tấn/vụ. Năng suất bình quân 20 tấn/ha; cá biệt có diện tích đạt 50 tấn/ha, với giá bán buôn tại vườn trung bình 40.000 đồng/kg, hầu hết các vườn thu tiền tỷ/ha.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm xuất khẩu nhãn chín muộn Hà Nội tới các thị trường quốc tế tiềm năng.

Để đạt mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã quy hoạch vùng phát triển nhãn chín muộn đến năm 2020. Theo đó, nhãn chín muộn Hà Nội sẽ tập trung phát triển tại một số vùng ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai (xã Đại Thành) và huyện Hoài Đức (các xã: An Thượng, Đông La, Song Phương) với diện tích hơn 250ha; vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Chương Mỹ (các xã: Lam Điền, Thụy Hương) với diện tích quy hoạch 100ha.

Năm 2018 được đánh giá là năm có thời tiết thuận lợi cho cây nhãn ra hoa, kết quả, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm qua nhiều năm sản xuất, hiện toàn bộ diện tích nhãn trên địa bàn xã đã kết trái, tỷ lệ đậu quả cao, hứa hẹn năm nay sẽ là năm được mùa nhãn chín muộn với sản lượng dự kiến đạt 2.500 tấn.

Để hướng đến xuất khẩu rộng rãi tới nhiều thị trường trên thế giới, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Đại Thành đưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn Đại Thành thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 200ha; đồng thời, đầu tư hệ thống bảo quản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp… nhằm phát triển bền vững vùng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội.

Thành Nam

Top