Xử lý nước thải nông thôn còn nhiều nan giải

24/11/2020 12:26 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù hiện nay môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tuy nhiên, vấn đề xử lý nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt tại khu vực nông thôn vẫn chưa triệt để và còn nhiều nan giải.

Để bảo vệ môi trường, chăn nuôi cần thực hiện theo quy trình khép kín và xả thải đúng quy trình. Ảnh: Thiện Tâm.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của người dân trong 10 năm xây dựng nông thôn mới đã tạo diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Đặc biệt, công tác giữ gìn cảnh quan môi trường đã được quan tâm, vì vậy môi trường khu vực nông thôn đã chuyển biến rõ nét, bắt đầu từ xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề vệ sinh tại các cụm công nghiệp, làng nghề đến xây rãnh thoát nước, nắp đậy trong khu dân cư, xây dựng nơi xử lý và chứa rác, chất thải cũng như xây dựng và quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung bảo đảm tiêu chuẩn.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi của khu vực nông thôn kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Đây là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ và hiệu quả, bền vững.

Hiện nay, ngành chăn nuôi Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu, 139,6 nghìn con bò; đàn lợn có 1.760 con, đàn gia cầm 38 triệu con. Chăn nuôi trâu bò chủ yếu là nuôi bán công nghiệp, tận dụng thức ăn tự nhiên nên việc gây ô nhiễm không nhiều, chăn nuôi gà chủ yếu dùng đệm lót sinh học nên cơ bản không gây ô nhiễm nguồn nước. Trong chăn nuôi, ô nhiễm nước thải chủ yếu xuất phát từ sản xuất chăn nuôi lợn.

Theo tính toán của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày, như vậy đối với Hà Nội cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường. Phần lớn các trang trại chăn nuôi lợn đang áp dụng các quy trình chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước để làm mát, vệ sinh chuồng trại; chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn xả thẳng ra môi trường hoặc qua hệ thống hầm khí sinh học (biogas), một số ít cơ sở có hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả ra môi trường. Mặc dù các hầm khí sinh học (biogas) được xây dựng theo đúng quy chuẩn nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con thì chất lượng nước xả thải cơ bản đáp ứng theo quy định. Đối với chăn nuôi từ 100 con trở lên, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lớn, tập trung từ hàng nghìn con trở lên đang gây quá tải cho hệ thống xử lý biogas chất lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Về vấn đề nước thải sinh hoạt, theo ông Chu Phú Mỹ, trên địa bàn Thành phố có 6 trạm/nhà máy xử lý nước thải, trong đó có 5 trạm/nhà máy nằm trong khu vực nội đô và một nhà máy nằm ở khu vực ngoại thành. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải của Thành phố mới đạt 276.300 m3/ngày đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường. Nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư đô thị, ven đô và nông thôn đều chưa được xử lý đúng cách, nước thải từ các khu vệ sinh mới chỉ được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại, chất lượng chưa đạt yêu cầu xả ra môi trường, là nguyên nhân gây ô nhiễm, lây lan bệnh tật. Chưa kể dòng nước thải sinh hoạt từ nhà bếp, tắm, giặt… thường không được xử lý triệt để, góp phần làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Với số lượng chăn nuôi ở Hà Nội hiện nay, tổng lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia súc khoảng trên 2,5 triệu tấn/năm, lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia cầm khoảng hơn 600 nghìn tấn/năm. Nhìn chung ô nhiễm chất thải rắn trong chăn nuôi ở Hà Nội tuy chưa phải là vấn đề nghiêm trọng do hiện nay các cơ sở chăn nuôi đang sử dụng các biện pháp như ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; công nghệ ủ phân sinh học, sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi trùn quế, ấu trùng, ruồi lính đen… tạo ra nguồn phân bón chất lượng cao phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở trang trại và người dân xử lý ủ phân chưa đúng quy trình hoặc sử dụng phân tươi để bón trực tiếp cho cây trồng không những tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cây trồng phát triển, không những ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông sản mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước, chất lượng không khí, đó cũng là những tác nhân góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, khối lượng vận chuyển rác thải sinh hoạt của toàn Thành phố về các khu xử lý rác thải tập trung khoảng 6,5 nghìn tấn/ngày. Trong đó rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn 18 huyện, thị xã khoảng 2.424 tấn/ngày. Thực tế rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình chưa được phân loại xử lý tại nguồn. Trong đó rác thải hữu cơ là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường; rác thải sinh hoạt chưa được xử lý chuyển đi chôn lấp tại các bãi rác tập trung nên đã chuyển từ điểm ô nhiễm nhỏ sang khu ô nhiễm lớn; gây quá tải cho các bãi rác tập trung và gánh nặng cho công nghệ xử lý hiện nay, bên cạnh đó còn gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với nhân dân các vùng lân cận khu xử lý. Do vậy việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng; việc xử lý, tái tạo chất thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ là nguồn tài nguyên vô cùng lớn, giúp cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn của nền nông nghiệp sạch, hữu cơ của Thủ đô. Ngoài ra, việc tận dụng rác thải tái chế bằng công nghệ thân thiện với môi trường góp phần tạo ra sản phẩm hữu ích, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Chính vì vậy, theo ông Chu Phú Mỹ, để giải quyết ô nhiễm nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt cần phải có lộ trình, cách làm triệt để và giải quyết một cách thấu đáo, đồng bộ tình trạng ô nhiễm này. Trong đó, đối với chăn nuôi cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom cơ bản chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường.

Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom, phân loại cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Đồng thời hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt từ nhà bếp, tắm, giặt… trước khi xả thải ra môi trường. Đặc biệt, xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái, tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn. Đa dạng hóa và tăng mật độ các mô hình trồng cây xanh ven đường, trồng hoa tại các khu vực công cộng, nhất là các khoảng đất trống có nguy cơ hình thành các điểm tập kết rác.

Thiện Tâm

Top