Xử phạt vi phạm ATTP cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ

29/06/2016 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 6 tháng thực hiện thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn Hà Nội, kết quả cho thấy số lượng cơ sở được thanh, kiểm tra tuy ít hơn so với 6 tháng cùng kỳ trước thực hiện thí điểm nhưng tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý hành chính cao hơn (21,2% so với 17,6%), số tiền phạt cao hơn gấp 2 lần.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tú Mai

Sáng nay, ( 29/6), Sở Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua UBND TP Hà Nội đã lựa chọn 5 quận, huyện và 10 xã phường/ xã, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP theo tiêu chí đa dạng về vị trí địa lý (2 quận nội thành cũ, 2 huyện ngoại thành phía Tây, Đông Thành phố và 1 quận mới thành lập) gồm: quận Đống Đa, quận Ba Đình, huyện Đông Anh, huyện Thường Tín, quận Nam Từ Liêm. Tổng số cơ sở trên địa bàn 5 quận, huyện và 10 phường/ xã, thị trấn hơn 12, 5 nghìn cơ sở, trong đó cơ 464 cơ sở sản xuất thực phẩm; 3.019 cơ sở kinh doanh thực phẩm với 1953 cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống… Cụ thể, nhà hàng 975 cơ sở, bếp ăn tập thể 1009 cơ sở, quầy hàng và cửa hàng ăn uống 4257 cơ sở, thức ăn đường phố 1628 cơ sở; 522 cơ sở giết mổ; 78 chợ; 34 siêu thị và 490 cơ sở khác.

Trong 6 tháng thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành, Thành phố đã tổ chức 65 đoàn thanh, kiểm tra 2563/12.506 cơ sở. Số cơ sở thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn là 1.816 cơ sở, số cơ sở vi phạm là 747, trong đó 543 cơ sở đã bị xử lý (21,2%), với tổng số tiền phạt hơn 750 triệu đồng (227 cơ sở bị phạt tiền).

Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc có nhưng hết hiệu lực; khám sức khỏe định kỳ cho các cơ sở, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, điều kiện vệ sinh thực tế không đạt. Số lượng cơ sở được thanh tra, kiểm tra sau 6 tháng  thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành tuy ít hơn so với 6 tháng cùng kỳ trước thực hiện thí điểm nhưng tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý hành chính cao hơn (21,2% so với 17,6%), số tiền phạt cao hơn gấp 2 lần.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đánh giá cao ngành Y tế trong việc thực hiện thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn gặp không ít khó khăn do số cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã/phường/thị trấn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra do đây là lần đầu triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại tuyến quận/phường, quy trình của cuộc thanh tra đòi hỏi chặt chẽ, phức tạp mất nhiều thời gian hơn nên số cơ sở được thanh tra ít…

Trước những tồn tại này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đề nghị ngành Y tế sau kết thúc 6 tháng thí điểm cần tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh ATTP và nghiêm túc thực hiện theo kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về đảm bảo ATTP. Đồng thời, Phó Chủ tịch cũng cho biết, Thành ủy sẽ có thông tri chỉ đạo nhằm vào cuộc sâu hơn, kỹ hơn trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP và UBND sẽ ra thông báo cụ thể đến quận, huyện, thị xã để triển khai tốt hơn công tác thanh, kiểm tra ATTP.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị ngành Y tế, sau đợt này cần phải công khai những cơ sở vi phạm ATTP cũng như thông tin các điểm bán hàng an toàn tại website của Sở Y tế, các website Sở liên quan và trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Đồng thời giao UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ban Quản lý các chợ công khai giấy phép và chứng nhận tại nơi bán hàng; dẹp các chợ cóc, hàng quán vỉa hè; quản lý tốt thức ăn đường phố. Nhất là, có chế tài xử lý mạnh hơn, nhanh hơn các trường hợp vi phạm ATTP. Mặt khác cần khuyến khích, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh ATTP.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành Y tế tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác thí điểm cũng như thanh tra đột xuất và thanh tra độc lập về ATTP, đặc biệt cần mạnh dạn chịu trách nhiệm trước người dân. Bộ Y tế sẽ giao trực tiếp cho các địa phương ở các quận, huyện, thị xã đào tạo cán bộ thực hiện công tác thanh, kiểm tra.

Tú Mai

Top