‘Cầu nối’ đưa các đặc sản vùng miền đến với Thủ đô

22/11/2018 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng trong nước và vươn tới thị trường nước ngoài, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018 được đánh giá là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các địa phương tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Đặc sản vùng miền được kết nối với người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Thùy Linh

Cầu nối sản xuất với người tiêu dùng

Với hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước; có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với các tỉnh, thành trong cả nước; để hỗ trợ, quảng bá sản phẩm của các địa phương tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Trong thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó đặc biệt là Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam.

Sau 4 năm tổ chức thành công, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện đã trở thành sự kiện xúc tiến Thương mại thực sự có uy tín cao, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản với người tiêu dùng Hà Nội cũng như tham gia chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc công ty đổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam cho biết: Chúng tôi chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc. Thông qua hội chợ đặc sản vùng miền, chúng tôi đã kết nối được với gần 30 đại lý phân phối ở Hà Nội. Chúng tôi cũng đã thiết lập được một mạng lưới các khách hàng tiêu dùng thường xuyên các sản phẩm của các nhóm sản xuất. Chúng tôi mong muốn hội chợ được tổ chức thường xuyên hơn trong năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và bà con tiêu thụ sản phẩm của mình…

Mang đặc sản của Cần Thơ đến với Hội chợ, ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty MTV Phạm Nghĩa T&N chia sẻ, công ty ông đã 4 lần tham gia hội chợ và nhận thấy chất lượng hội chợ càng ngày càng được cải thiện, công ty cũng có ngày càng nhiều khách hàng mới hơn. “Thông qua hội chợ, công ty đã tìm được các nhà phân phối lớn nhằm đưa sản phẩm tốt nhất của công ty đến với người tiêu dùng Thủ đô”, ông Nghĩa vui mừng nói.

Có thể thấy, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam luôn là hội chợ có số lượng khách đến thăm quan và giao dịch đông kỷ lục. Người tiêu dùng Thủ đô đánh giá rất cao cách tổ chức cũng như các sản phẩm tại hội chợ. Chị Nguyễn Thị Hương (Cư dân Royal City, Hà Nội) chia sẻ, chị cùng gia đình đang sinh sống tại khu căn hộ Royal City. Năm nào cũng vậy, kể từ khi có Hội chợ này, chị đều dành thời gian đi thăm quan và mua sắm bởi chị thấy hội chợ giới thiệu rất nhiều món hàng đặc sản của Việt Nam và được biêt các đặc sản này có chỉ dẫn địa lý, được  bảo đảm về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Hội chợ không chỉ đưa đặc sản nhiều vùng đến với người tiêu dùng trong nước và vươn tới thị trường nước ngoài, mà đây còn là dịp để giới thiệu những nét văn hóa dân tộc, tô đậm những giá trị ẩm thực các vùng miền của Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước. Anh Chris (du khách Anh) chia sẻ “Tôi rất may mắn vì đã ở Hà Nội đúng dịp tổ chức hội chợ Đặc sản vùng miền. Chúng tôi đã dành nguyên một buổi chiều để tham quan hết tất cả các gian hàng đặc sản. Thật thú vị! Chúng tôi đã mang rất nhiều quà về nhà!”.

Độc đáo, lạ mắt với sản phẩm làng nghề

Ngoài việc được thưởng thức những đặc sản các địa phương tại Hội chợ, người dân Thủ đô và du khách đã được chiêm ngưỡng những kiệt tác sản phẩm làng nghề nổi tiếng, chắt lọc từ những tinh hoa của hơn 1.350 làng nghề Hà Nội; được xem những nghệ nhân làng nghề trình diễn các sản phẩm, kể các câu chuyện về sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội ở khu không gian Mây tre lá (nghệ nhân, làng nghề Phú Vinh, Ninh Sở, Phú Túc, Ứng Hòa, Chuông...); khu không gian Gốm sứ (nghệ nhân, làng nghề Bát Tràng, Giang Cao...); khu không gian Sừng (nghệ nhân, làng nghề Thụy Ứng...); khu không gian Lụa (nghệ nhân, làng nghề Vạn Phúc, Mỹ Đức…); khu không gian sơn mài (nghệ nhân, làng nghề Bối Khê, Duyên Thái, Phú Xuyên…).

Là một nghệ nhân ưu tú trong làng nghề mây tre đan Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty mây tre đan Việt Quang cho hay, tham gia triển lãm, công ty mang những đặc trưng nhất về kỹ thuật đan của làng nghề Phú Vinh và những thiết kế mới mà công ty đang chào bán giới thiệu đến bạn bè ở trong nước và quốc tế. “Đồng thời, thông qua triển lãm, chúng tôi hi vọng sẽ kết nối được làng nghề Phú Vinh với các làng nghề truyền thống khác và với các quốc gia đã có chương trình OVOP”, ông Tĩnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống Lược sừng Thuỵ Ứng cho biết: Hiện làng nghề có nhiều sản phẩm, trong đó, đặc trưng là như lược chải đầu với nhiều chủng loại xuất khẩu đến thị trường châu Âu, châu Á,… trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 60%. Không chỉ đơn giản là lược sừng, những sản phẩm trang sức, phụ kiện được làm từ sừng đang được hoàn thiện và đem đi giới thiệu tại OVOP sẽ đem đến sự ngạc nhiên cho khách tham quan.

“Lần đầu tiên tham gia, hi vọng thông qua triển lãm mang được sản phẩm đặc trưng của quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế, giao lưu học hỏi và tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư, mở rộng kênh phân phối”, ông Nguyễn Xuân Huy hi vọng.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) chia sẻ, trong triển lãm lần này Hà Nội lựa chọn 20 làng nghề tiêu biểu nhất tham gia với tiêu chí "làng nghề thực sự vào cuộc". Các làng nghề, các nghệ nhân, các doanh nghiệp tạo ra các không gian mà chính họ sắp đặt.

“Mục tiêu chúng tôi đặt ra, là nâng cao niềm tự hào của người sản xuất, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các tinh hoa, tinh túy làng nghề Hà Nội”, ông Lê Bá Ngọc nói.

Thùy Linh

Top