‘Cầu nối’ đưa hàng Việt đến với công nhân

16/09/2019 4:00 PM

(Chinhphu.vn) – “Cầu nối” đưa hàng Việt về nông thôn là những mô hình bán hàng Việt được tổ chức thường xuyên tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn Thủ đô. Với lượng hàng hóa dồi dào, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng… Điểm bán hàng Việt đã thực sự trở thành nơi đáng tin cậy để những công nhân tại KCN, KCX được tiếp cận, mua sắm các mặt hàng chất lượng do Việt Nam sản xuất.

Công nhân KCN Thăng Long mua hàng tại điểm bán hàng Việt đặt tại khu nhà ở Kim Chung. Ảnh: Bích Phương

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2009-2019, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị, địa phương, Ban Quản lý các KCN, KCX, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, 29 tuần hàng Việt, 254 phiên chợ Việt và khoảng 3.200 chuyến bán hàng lưu động... Đồng thời, cung ứng hàng hóa vào bếp ăn tập thể của các KCN KCX, cụm công nghiệp, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Sơn Tây, Phúc Thọ,... bằng nhiều hình thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, công nhân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc tổ chức các điểm bán hàng Việt tại các KCN, KCX và các chương trình bán hàng giảm giá đã mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Điều thấy rõ nhất là đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Hàng hóa đưa về khu vực này chủ yếu là hàng thiết yếu, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, đặc biệt các doanh nghiệp phân phối như: Big C, Hapro, Co.opmart… còn triển khai nhiều chương trình giảm giá, tặng quà nên hầu hết chương trình thu hút rất đông công nhân đến mua sắm.

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn, để đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng các huyện ngoại thành và công nhân các KCN, thời gian vừa qua, bên cạnh việc tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt Hapro đã đưa vào hoạt động 2 siêu thị Hapromart bày bán khoảng 10.000 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu tại khu nhà ở Kim Chung dành cho công nhân trong KCN Thăng Long.

Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân KCN Thăng Long chia sẻ, trước đây khi chưa có siêu thị Hapromart tại KCN, mỗi khi nghe có bán hàng Việt tại các KCN là chị đều đến mua, bởi hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá rẻ hơn thị trường, đồng thời có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kể từ khi thành lập mô hình “Điểm bán hàng Việt”, người dân nhận diện và biết đến nhiều hơn các hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho đội ngũ công nhân, người lao động. Sản lượng tiêu thụ hàng hóa, doanh thu của doanh nghiệp cũng theo đó tăng đáng kể.

Cần tăng kết nối giữa doanh nghiệp và các KCN, KCX

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sau khi triển khai các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt tại KCN phản ánh, một số quận, huyện và Ban quản lý KCN truyền thông về hàng Việt chỉ mang tính phong trào, làm chiếu lệ nên tác động và sức lan tỏa không đạt kết quả như mong muốn.

Chính vì vậy, để chương trình cung ứng hàng Việt vào KCN đạt được hiệu quả cho cả doanh nghiệp, người lao động, đòi hỏi công đoàn cơ sở và Ban quản lý các KCN cần đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp trong công tác truyền thông chương trình hàng Việt tới người lao động, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được mặt bằng cố định để bố trí bán hàng; đưa hàng Việt vào các bữa ăn của công nhân, lao động...

Bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, khoa học công nghệ, vay vốn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... Từ đó, đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tìm thị trường, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường…

Cùng với đó, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ ở khu vực ngoại thành; phối hợp với các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu công nghiệp tạo điều kiện bố trí, giới thiệu địa điểm phát triển mạng lưới bán lẻ cố định...

Sở cũng sẽ tham mưu để Thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi, duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.

Bích Phương

Top