‘Luồng gió mới’ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

25/08/2020 10:54 AM

(Chinhphu.vn) – Trước tác động của làn sóng thứ hai của dịch Covid-19, có thể các chỉ tiêu kinh tế năm nay khó đạt và còn có một số hạn chế; song việc ban hành những kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ là nguồn động viên, “luồng gió mới” hỗ trợ và thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ảnh minh họa

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực lên toàn diện các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hàng loạt doanh nghiệp bị “đứt gãy” về chuỗi nguồn cung nguyên liệu và cầu sản phẩm. Nặng nề nhất là các doanh nghiệp trong ngành dệt may, giày da, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, nhóm doanh nghiệp ngành du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất do lượng khách giảm sâu. Bên cạnh đó, 60% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc Hiệp hội phụ thuộc từ 35%-45% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thậm chí có doanh nghiệp ngành may mặc như Tổng Công ty May 10 -CTCP nhập 65%-70% nguyên phụ liệu từ vùng có dịch, do vậy nguyên liệu dự trữ chỉ sản xuất được đến hết tháng 3.

Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do có nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng bị ảnh hưởng lớn. Ví dụ, Công ty Cổ phần Sunhouse không thể xuất khẩu đi Mỹ 2 container mỗi tháng như kế hoạch do thiếu linh kiện, phụ tùng…

Chưa khi nào doanh nghiệp, trong đó có DNNVV lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, ngoài nỗ lực của bản thân, cộng đồng DNNVV rất cần ở cơ chế, chính sách hỗ trợ sát thực để vực dậy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động... góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng

Minh chứng rõ nhất cho việc TP. Hà Nội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV là mới đây, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Ông Mạc Quốc Anh cho biết, Kế hoạch với nhiều nội dung thúc đẩy DNNVV phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV phát triển; hỗ trợ DNNVV tham gia thành công cụm liên kết, chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu…

Kế hoạch được triển khai sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV, phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm tăng thêm từ 10% (khoảng 30.000 doanh nghiệp). Hỗ trợ DNNVV thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tạo thêm 150.000 việc làm mới cho người lao động.

Để đạt được các mục tiêu trên, các DNNVV sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực... Đáng chú ý, Thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí cho các DNNVV kết nối với doanh nghiệp quốc tế, tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh...

Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng đã ban hành chương trình hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu các đơn vị quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác cho thành phố. Tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và vốn năm 2019 chuyển sang.

Có thể nói, nhiệm vụ và những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có DNNVV của TP. Hà Nội là những vấn đề doanh nghiệp đang rất cần trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, các nội dung hỗ trợ DNNVV như hơi thở của chính các doanh nghiệp, là “luồng gió mới” hỗ trợ và thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, cũng như để hoàn thành kế hoạch của Thành phố.

Thùy Linh-Minh Trang

Top