‘Siết’ bán hàng đa cấp: Cần phối hợp chặt chẽ hơn

20/10/2017 10:32 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai công tác kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động bán hàng đa cấp, tạo những chuyển biến tích cực trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quản lý, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chức năng và người dân.

Một trong những công ty bị rút giấy phép bán hàng đa cấp. Ảnh: Internet

Hình thức vi phạm đa dạng, tinh vi

Các hình thức vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp rất đa dạng, tinh vi. Chẳng hạn như doanh nghiệp, người tham gia tư vấn sai, mập mờ, không rõ ràng để người dân hiểu sai bản chất và tự nguyện thực hiện hoặc tư vấn cho chính người thân quen của mình.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp biến tướng thành nhiều dạng kinh doanh đẩy nhiều người dân, nạn nhân vào chỗ điêu đứng như yêu cầu tham gia kinh doanh bất động sản, hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư, tiền ảo qua mạng,… gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh truyền miệng, được quảng cáo rầm rộ với lợi nhuận gấp hàng chục lần nên nhiều người hám lợi. Cùng với đó là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không chủ động tìm hiểu các quy định nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng hình thức bán hàng này để trục lợi, lừa đảo.

Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội, đã tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, chủ động thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân trên phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm quy định về bán hàng đa cấp.

Từ năm 2016 đến tháng 9/2017, đã có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, 14 doanh nghiệp xin chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động. Cũng trong thời gian này, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Sở Y tế, Cục Thuế, Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm 38 doanh nghiệp, 5 cơ sở kinh doanh và 1 người bán hàng đa cấp, với số tiền phạt hơn 3,3 tỷ đồng; chuyển các cơ quan chức năng xử lý 12 doanh nghiệp và đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra nhiều doanh nghiệp khác theo kế hoạch.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn 31 đơn vị đang hoạt động, giảm 8,8% so với cuối năm 2016, giảm 45,6% so với tổng số doanh nghiệp đã thông báo hoạt động. Số người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm từ 90.070 người (năm 2016) xuống còn 68.289 người.

Siết chặt quản lý kết hợp với tuyên truyền

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm, tuy nhiên, hiện các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp không được cấp Giấy đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn hoạt động trái phép.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số quy định tại các văn bản có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp chưa chặt chẽ, không phù hợp thực tế nên khó khăn cho công tác quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, ông Hải đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BCT. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi các văn bản về quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Hằng năm, phối hợp với Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh đối với các dấu hiệu lừa đảo người dân nhằm xử lý nghiêm minh, kịp thời để ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra…

Bên cạnh đó, để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo vào "bẫy" bán hàng đa cấp, ông Hải khuyên, người tham gia cần nhận thức rõ các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo của doanh nghiệp, như việc mời chào đầu tư, nộp tiền và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì; bán hàng đa cấp nhưng không có hàng; khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy… Thực chất, đây là những chiêu lừa đảo của doanh nghiệp không có hàng, muốn chiếm đoạt tài sản của người mua.

“Ngoài ra, còn có tình trạng thổi phồng công dụng sản phẩm; tư vấn mua số lượng hàng hóa vượt khả năng tiêu thụ để được lên cấp, nhận hoa hồng, tiền thưởng…”, ông Hải nhấn mạnh.

Vừa qua, để giúp hiểu rõ hơn về hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã phát hành 9.000 cuốn “Sổ tay nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp”, trong đó nêu rõ các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp; các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào hoạt động bán hàng bất chính… Sổ tay này được phát hành đến các địa phương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội... để giúp người dân, sinh viên nhận thức đầy đủ hơn về pháp luật đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Thùy Linh

Top