Bảo vệ di sản có nguy cơ mai một

28/07/2016 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Từ kết quả kiểm kê, các di sản thuộc 6 loại hình di sản văn hoá phi vật thể (VHPVT) đã được đề xuất nghiên cứu để thực hiện các biện pháp bảo vệ thí điểm nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cho vấn đề bảo vệ di sản VHPVT ở Hà Nội.

* Kiểm kê để bảo vệ kịp thời di sản

Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng và Đến Sóc - một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhiều di sản có nguy cơ mai một

Các di sản được lựa chọn dựa trên tiêu chí đang có nguy cơ mai một cao; đang có nguy cơ bị biến đổi do tác động của vấn đề đô thị hóa hay của nền kinh tế thị trường.

Lễ hội truyền thống là loại hình có con số thống kê di sản lớn nhất với 1.206/1.793 di sản VHPVT, chiếm 67,6%. Lễ hội truyền thống ở Hà Nội rất phong phú, đa dạng từ quy trình thực hành các nghi lễ đến các lễ vật, trò diễn dân gian.

Tuy nhiên, quá trình kiểm kê cũng đã phát hiện ra sự thay đổi hoặc biến dạng, giảm giá trị của lễ hội do môi trường sống thay đổi, do vấn đề quản lý, tổ chức, nhận thức của người quản lý và của cả chủ thể văn hoá.

Tri thức dân gian có 106 di sản thuộc 20 quận huyện đã được kiểm kê đưa vào danh mục (chiếm 5,9%). Trong đó có nhiều tri thức về y học dân gian, cách chữa bệnh bằng thuốc nam và chữa mẹo. Tuy nhiên, tri thức dân gian của Hà Nội đang bị mai một rất nhiều, rất nhanh bởi quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá thành phố. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tư liệu hoá, trao truyền khẩn cấp một số di sản cần được đặt ra sau khi tiến hành kiểm kê di sản.

Nghệ thuật trình diễn dân gian có 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, chiếm 4,5%. Di sản VHPVT nghệ thuật trình diễn của Hà Nội cũng đang có nguy cơ mai một cao vì còn rất ít người thực hành.

Nghề thủ công truyền thống có 175 nghề được thống kê với nhiều ngành nghề đa dạng chiếm 9,7%. Nghề thủ công truyền thống là loại hình di sản đặc biệt của Hà Nội, vừa nhiều về số lượng vừa phong phú về giá trị. Nhiều di sản là tiềm năng văn hoá và kinh tế của đất nước, xứng đáng được bảo vệ ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển cần được cụ thể hơn, thực tiễn hơn và trực tiếp hơn cho chủ thể chính là những nghệ nhân, người dân làng nghề.

Quá trình kiểm kê cũng phát hiện ra nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một hẳn hoặc đã và đang bị biến đổi nghiêm trọng. Vấn đề di sản bị mai một hay biến đổi một phần do tác động khách quan của quá trình phát triển xã hội, nhưng một phần lớn hơn là do tác động của con người, hoặc của chính chủ thể văn hóa hoặc của những người quản lý văn hóa... Dù là nguyên nhân nào thì đây cũng là một nguy cơ lớn đối với các di sản VHPVT mà Hà Nội cần quan tâm và sớm có những giải pháp để bảo vệ kịp thời.

Chính vì vậy, từ kết quả kiểm kê, các chuyên gia đã đề nghị thí điểm bảo vệ 6 di sản VHPVT thuộc 6 loại hình, đó là: Tiếng lóng Đa Chất, Phú Xuyên (ngữ văn dân gian); hát Trống quân ở Khánh Hà, Thường Tín; Hát Môn, Phúc Thọ và Phúc Lâm, Phú Xuyên (nghệ thuật trình diễn dân gian); bơi chải và Hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, Chương Mỹ (nghệ thuật trình diễn); tập quán xã hội và Nghệ thuật trình diễn: Hát và Múa Ải Lao, phường Phúc Lợi, quận Long Biên (lễ hội truyền thống); nghề Rèn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông (nghề thủ công truyền thống); chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao ở xã Ba Vì, Ba Vì (tri thức dân gian).

Hiện nay, các di sản được đề nghị đã được tổ chức nghiên cứu, phỏng vấn, triển khai chuyên đề nghiên cứu, xây dựng phim tư liệu và tổ chức lớp truyền dạy hát Trống quân tại huyện Thường Tín và Phúc Thọ.

Xây dựng lộ trình đề cử vào di sản phi vật thể quốc gia

Từ kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT), các chuyên gia đã kiến nghị Hà Nội cần xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học đề cử di sản vào danh mục di sản VHPVT quốc gia trong 5 năm từ 2016 - 2020. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình cho việc lập hồ sơ khoa học đề cử di sản vào danh mục di sản VHPVT đại diện nhân loại hoặc di sản cần bảo vệ khẩn cấp. 

Việc định hướng xây dựng các hồ sơ quốc gia này nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng và nhà quản lý văn hóa về di sản, không làm di sản bị biến dạng, thực hành đúng giá trị của di sản, tránh làm sai lệch di sản; Tạo cơ hội quảng bá di sản trong cộng đồng, giao lưu, đối thoại và tăng cường sự hiểu biết gắn kết các cộng đồng.

Các di sản trong diện ưu tiên bảo vệ được lựa chọn theo tiêu chí là di sản đại diện đang thực hành thường xuyên, song có nguy cơ bị thay đổi, sai lệch nếu không được bảo vệ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến di sản, sẽ làm thay đổi di sản và được cộng đồng mong muốn bảo vệ.

Việc xây dựng lộ trình cho các di sản cũng hướng vào mục đích khuyến khích cộng đồng bảo vệ tốt hơn các di sản VHPVT, đặc biệt với các di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Từ đó, nâng cao nhận thức cho những người quản lý văn hóa ở địa phương, để cộng đồng và nhất là những người quản lý văn hóa cơ sở hiểu đúng về di sản văn hóa của mình.

Riêng đối với một số di sản đang có nguy cơ mất hẳn như tranh hàng Trống, nghề làm giấy sắc phong, giấy tiến vua… Hà Nội cần có đề xuất lên Trung ương để có chính sách đặc thù ưu tiên bảo vệ như là một di sản của quốc gia.

Gia Hân

Top