Bài 3: Để doanh nghiệp Thủ đô ‘bật dậy’, phục hồi sau dịch

15/05/2020 6:58 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, tạo sự ổn định tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và người lao động. Các doanh nghiệp trong khối đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và bảo đảm sản xuất, kinh doanh; đồng thời tìm hướng đi, đón cơ hội phục hồi.

* Bài 1: Hà Nội thực hiện nhiệm vụ "kép": Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

* Bài 2: Hà Nội phải vươn lên, làm gương về phát triển

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội Trịnh Huy Thành. Ảnh: VGP

Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có những trao đổi với Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội Trịnh Huy Thành xung quanh vấn đề này.

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến lên kinh tế toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, điều này đã đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Đồng chí có thể chia sẻ quyết tâm kiểm soát dịch bệnh của các doanh nghiệp trong Khối cũng như sáng kiến để tìm cách vượt qua khó khăn, đón cơ hội phục hồi?

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội: Năm 2019, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì được kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu ước đạt trên 200.000 tỷ đồng và nộp ngân sách ước đạt trên 17.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,2 triệu đồng và kết quả thực hiện công tác an sinh xã hội đạt gần 40 tỷ đồng.

Đứng trước khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong Khối đã chủ động, chấp hành nghiêm những quy định về phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát dịch không để lây lan và bảo đảm phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, ổn định đời sống người lao động.

Mặc dù có tổng số hơn 300.000 người lao động, nhưng đến nay, các doanh nghiệp trong Khối chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy, các đơn vị đã thực hiện rất nghiêm quy định và hướng dẫn phòng, chống dịch.

Là một doanh nghiệp điển hình trong Khối “vượt khó” vươn lên qua dịch COVID-19, Tổng Công ty May 10 cũng chịu nhiều tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra, khi tháng 4 doanh nghiệp thiếu hụt 30% đơn hàng, còn tháng 5 và tháng 6 thiếu hụt khoảng 60%. Tuy nhiên, Tổng Công ty đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi có hướng sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi sang may khẩu trang vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tính chung trong 1 tháng qua, Tổng Công ty đã sản xuất được 5 triệu chiếc khẩu trang vải, doanh thu đạt 35 tỷ đồng.

Song song với khẩu trang vải, Tổng Công ty cũng chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang y tế. Hiện tại, Tổng Công ty đã có đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế, dự kiến giao từ tháng 7/2020 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu Tổng Công ty trong năm nay). Ngoài ra còn có một số đối tác đặt mua 20 triệu khẩu trang vải giao trong 6 tuần và 1 đối tác đã nhận 2 triệu khẩu trang vải, tiếp tục đặt 6 triệu chiếc khẩu trang y tế…

Cũng là một doanh nghiệp trong Khối, trước những nguy cơ luôn thường trực của dịch COVID-19, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) vừa thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch vừa phải bảo đảm nhiệm vụ giữ sạch môi trường Thủ đô. Khi dịch bệnh mới xảy ra, nhiều công nhân thu gom rác thải tại các khu cách ly như Trúc Bạch, Bạch Mai,… cảm thấy lo lắng, hoang mang, sợ bị lây bệnh. Nắm được tình hình, Ban lãnh đạo Công ty đã họp và cử đoàn viên công đoàn xuống trực tiếp động viên, cùng làm và giải thích cho công nhân; kịp thời hướng dẫn cũng như chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân như khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn khi cần thiết.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Công ty đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động (quần áo, khẩu trang, găng tay, ủng, nước xúc miệng, dung dịch rửa tay diệt khuẩn..), công ty đã trích quỹ mua bảo hiểm bệnh viêm đường hô hấp cấp cho hơn 2.200 công nhân viên... Nhờ đó mà công nhân, người lao động yên tâm làm việc.

Thành phố vừa quyết liệt chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Vậy, Đảng ủy Khối đã làm gì để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “kép” này, thưa đồng chí?

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về phòng, chống dịch bệnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, xây dựng và ban hành hướng dẫn tuyên truyền đến các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị trong khối phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát dịch không để lây lan.

Đặc biệt, trong việc thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng ủy Khối hằng ngày cập nhật thông tin, thông qua công tác tuyên truyền đã tạo sự ổn định tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và người lao động. Các doanh nghiệp chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn cho người lao động và khách hàng.

Thực tế dù còn khó khăn, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, Đảng ủy Khối đã đề nghị các đơn vị phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, toàn Đảng bộ đã đóng góp hơn 45 tỷ đồng và hàng chục nghìn sản phẩm, hàng hóa, nước sát khuẩn, khẩu trang... Các đoàn thể trong Khối như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cũng tích cực tham gia tuyên truyền chống dịch, trong đó tuổi trẻ trong Khối hiến 500 đơn vị máu phục vụ công tác khám, chữa bệnh...

Nhiều doanh nghiệp trong khối đã chung tay góp sức ủng hộ kinh phí, sản xuất khẩu trang phát miễn phí để phòng chống dịch bệnh. Điển hình như: Tổng Công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam đã ủng hộ thiết bị dụng cụ y tế và tiền mặt đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với tổng kinh phí 5 tỷ đồng; Tổng Công ty May 10 và Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân tập trung nhân lực, nguyên vật liệu may hàng triệu khẩu trang hoạt tính đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội và tổ chức phát miễn phí 10.000 chiếc…

Đồng chí có những đánh giá như thế nào về những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ phía Thành phố?

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội: Tôi đánh giá cao những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ phía Thành phố, trong đó có việc Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trực tiếp 2 lần đối thoại với doanh nghiệp cùng với các chỉ đạo khác của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. Đặc biệt là cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội và cấp ủy đảng bộ 11 tổng công ty trực thuộc Thành ủy mới đây cho thấy, các doanh nghiệp không đơn độc, luôn được quan tâm, đồng hành và hỗ trợ.

Hiện nay, trong số 109 doanh nghiệp thuộc Khối, có 44 doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động; 34 doanh nghiệp bố trí 50% lao động làm việc hằng ngày; 20 đơn vị cho người lao động nghỉ có lương. Còn lại chỉ có 11 đơn vị, chủ yếu là các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, phải cho người lao động nghỉ không lương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục động viên các doanh nghiệp chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo để trước hết tự cứu mình. Đồng thời mong muốn,các doanh nghiệp và người lao động sẽ luôn nhận được sự quan tâm sát sao, cụ thể, thiết thực của Thành phố, nhất là giúp doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc như đã kiến nghị.

Tại buổi làm việc với Đảng bộ Khối doanh nghiệp và một số Tổng Công ty trên địa bàn Hà Nội, Bí thư Hà Nội đã nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cần đổi mới, tái cơ cấu mạnh mẽ toàn diện; cần thay đổi về quản trị, tư duy, tầm nhìn, chiến lược phát triển. Doanh nghiệp nào không có tư duy vượt lên thì sẽ bị để lại phía sau".

Nhóm PV

* Bài 4:Hướng đi nào cho du lịch Thủ đô sau tác động của dịch bệnh

Top