Doanh nghiệp Hà Nội kỳ vọng tăng trưởng trong quý II năm 2024

19/04/2024 4:12 PM

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp Hà Nội nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên trong quý II.

Doanh nghiệp Hà Nội kỳ vọng tăng trưởng trong quý II năm 2024- Ảnh 1.

Sản phầm Giầy thể thao xuất khẩu của công ty Giày Thượng Đình. Ảnh: VGP/Minh Anh

Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong quý I/2024

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Trong quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trung bình, mỗi tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; tuy nhiên, cũng có tới 73,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn nhiều so số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22,8% so với cùng kỳ, trung bình mỗi tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thiếu đơn hàng và "khát" vốn được xác định là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp buộc cắt giảm quy mô sản xuất hoặc rời bỏ thị trường. Cụ thể, với một doanh nghiệp như Công ty CP TopCare Việt Nam, làm trong lĩnh vực công nghệ - cung cấp tư vấn giải pháp, phần mềm và các thiết bị CNTT, văn phòng... thì quý I bao giờ cũng là quý đưa ra kết quả kinh doanh thấp nhất trong năm từ trước đến giờ, với tình hình ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam thì kết quả kinh doanh quý I chỉ đạt được khoảng 10% so với doanh thu cả năm.

Đại diện TopCare Việt Nam chia sẻ, khó khăn chính là do thói quen mua sắm các doanh nghiệp trong nước, cũng như đầu tư công của quý I bao giờ cũng thấp hơn, mặc dù đã có nhiều chương trình kích cầu để hàng hóa và các công việc khác được lưu thông nhưng gần như không có biến chuyển.

Doanh nghiệp Hà Nội kỳ vọng tăng trưởng trong quý II năm 2024- Ảnh 2.

TopCare Việt Nam với lĩnh vực công nghệ - cung cấp tư vấn giải pháp, phần mềm và các thiết bị CNTT. Ảnh: VGP/Minh Anh

Là thương hiệu được biết đến khá phổ biến tại thị trường tiêu thụ trong nước, tuy vậy trong quý I/2024, Công ty CP Giày Thượng Đình cũng gặp phải không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Tổng Giám đốc Công ty cho hay, do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm nên mức tiêu thụ trong nước thấp, số đơn hàng xuất khẩu gần như không có, việc làm và thu nhập của người lao động đều giảm.

Bên cạnh đó, nguồn tài chính của Công ty khó khăn do ít đơn hàng, các chi phí cao về thuế đất (10,6 tỷ đồng/năm ), bảo hiểm, vật tư… Phần lớn lao động tại Giày Thượng Đình trên 35 tuổi, cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Còn đối với Công ty CP Dược phẩm quốc tế CODY, ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng giám đốc công ty cho biết, kể từ sau đại dịch COVID-19 mọi người quan tâm hơn về sức khỏe và sức khỏe chủ động. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn đã làm cho mọi người phải cắt giảm chi tiêu và ưu tiên chi cho các khoản thiết yếu. Chính vì vậy, đối với mảng thực phẩm chức năng, Công ty cơ bản đang bán theo kênh OTC, chuỗi và chưa có kế hoạch sản xuất thêm thêm vì tình hình bán hàng gặp nhiều khó khăn, sức tiêu dùng giảm. Công ty sẽ chờ thời điểm phù hợp mới triển khai tiếp lĩnh vực này.

Sản phẩm Trà ướp sen Hồ Tây của CODY cũng đã khẳng định được thương hiệu trà ướp sen Cody Tea và được đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì, sử dụng tiện lợi; thức trà đặc sản của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay đã được nhiều cơ quan Trung ương, sở ban ngành, doanh nghiệp tin dùng và làm quà tặng, quà biếu. Tuy vậy, nguồn cung cấp sen Bách diệp của Hồ Tây bị hạn chế, và sen thu hoạch trong thời ngắn khoảng 2 tháng (tháng 6, 7)…

Doanh nghiệp Hà Nội kỳ vọng tăng trưởng trong quý II năm 2024- Ảnh 3.

Sản xuất trà sen tại Công ty CODY. Ảnh: VGP/Minh Anh

Dự báo hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn trong quý II

Báo cáo đánh giá về Kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2024 vừa được đưa ra mới đây nhận định, với kết quả tăng trưởng khá của quý I, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và trong tầm kiểm soát; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9-6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8-6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5% (theo kịch bản cơ sở) đạt mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5-7% (kịch bản tích cực).

Vì vật, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt tốc độ tăng trưởng khả quan hơn so với quý I/2024, bước sang quý II/2024, doanh nghiệp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, tăng cường năng lực quản trị, tài chính nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Giày Thượng Đình, dù phía trước còn khó khăn, nhưng nếu biết nắm bắt thời cơ và nỗ lực, nền kinh tế có thể tiếp tục tăng tốc, Giày Thượng Đình sẽ bố trí sản xuất hợp lý, đảm bảo tiến độ sản xuất và giao hàng; tập trung kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm; tích cực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, Công ty cũng sẽ tiếp tục khai thác thêm các kênh, hình thức bán hàng nội địa để tăng doanh thu; cân đối nguồn tài chính phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh; tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty; tìm kiếm thêm đối tác hợp tác kinh doanh hoặc kinh doanh lợi thế có sẵn tại Nhà máy trên Thượng đình và Nhà máy tại Hà Nam; thu hồi công nợ khó khăn, đặc biệt là các khoản nợ khó đòi…

Đối với mảng thực phẩm chức năng như của Công ty CP Dược phẩm quốc tế CODY, ông Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, sẽ xem xét tình hình cụ thể và chờ kinh tế bớt khó khăn mới tiếp tục đặt mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Thậm chí có thể chỉ tập trung vào 1-2 mảng hàng tiêu dùng thiết yếu.

Còn với mảng Trà ướp sen của CODY, tháng 3 vừa qua, Công ty đã liên kết để trồng gần 20 ha Sen bách diệp giống Hồ Tây theo tiêu chuẩn hữu cơ để chủ động nguồn đầu vào chất lượng của Công ty; nghiên cứu sâu một số sp từ sen để đa dạng sản phẩm, mẫu mã nhằm tăng cơ hội xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty đang mở rộng hệ thống phân phối, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm như tại Khu nhà sàn Bác Hồ; mở rộng mạng lưới phân phối tại sân bay; làm việc các chuỗi của hàng của Hàn Quốc... liên kết với các công ty lữ hành để làm các chương trình giới thiệu Trà ướp sen Hồ Tây để quảng bá sản phẩm đến với du khách quốc tế như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tại các điểm du lịch của Hà Nội.

Với quy mô là sản phẩm nông nghiệp, khó khăn đủ đường, tất cả mọi thứ đều do doanh nghiệp chủ động từ con giống, kỹ thuật, cơ chế khuyến khích, sản xuất và hiện không được hỗ trợ gì từ nhà nước... vì thế Công ty CODY cho rằng nếu tiếp cận được sự hỗ trợ phù hợp từ nhà nước với những vấn đề giống, kỹ thuật, vốn, khu vực trồng dược liệu (cây sen), Khu nhà máy chế biến các sản phẩm từ sen bên cạnh đó làm các chương trình du lịch trải nghiệm nhằm thu hút, quảng bá trà ướp sen thức uống đặc sản của người dân Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Đối với doanh nghiệp dược như Traphaco, đại diện lãnh đạo công ty cho biết, cảm thấy lạc quan hơn khi bộ phận phân tích tại Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset dự báo, ngành dược phẩm sẽ tiếp tục duy trì CAGR 6% trong giai đoạn 2023 - 2028. Riêng năm 2024, giá trị ngành dược phẩm được dự báo tăng trưởng 9,1%.

HĐQT Traphaco nhận định, năm 2024, kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp, thách thức lớn với ngành chăm sóc sức khoẻ là thu nhập suy giảm khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, Traphaco vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng, với doanh thu hợp nhất 2.485 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 303 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 7% và 6% so với năm trước.

Theo Bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Traphaco, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm của kinh tế nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt, các xu hướng mới đang mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp dám thay đổi chính mình, đại diện Trapaco cho biết, chính sách kênh bán lẻ năm 2024 có nhiều thay đổi để vừa thu hút khách hàng lớn vừa tạo cơ hội cho các khách hàng nhỏ có ưu thế về 1-2 nhóm sản phẩm đặc thù. Nhờ vậy, tính từ đầu năm đến nay, số lượng khách hàng mới tăng mạnh ở tất cả các miền (hơn 1.500 khách hàng ký mới, tăng 6% so với năm 2023), doanh thu tháng 1&2, quý I/2024 vượt đạt 1043% kế hoạch.

Với kênh ETC, Traphaco đặt mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2023. "Toàn kênh hệ thống điều trị ETC cả 3 miền đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về doanh thu ngay trong quý I/2024", lãnh đạo công ty cho biết và kỳ vọng, một loạt chính sách mới trong ngành y tế được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ y tế của người dân, qua đó đưa kênh ETC tăng trưởng mạnh.

Triển vọng ngành tích cực, năng lực cạnh tranh cốt lõi luôn được cải thiện với ý thức nâng tâm và tầm của một thương hiệu dược phẩm lớn, Traphaco được kỳ vọng sẽ nhanh chóng xác lập thêm nhiều dấu ấn quan trọng trong thời gian tới.

Với TopCare Việt Nam, việc ngân hàng hạ lãi suất xuống thấp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tốt hơn để tái đầu tư cũng như sử dụng cho mục đích dài hạn với mức lãi suất thấp, Công ty cũng sẽ tranh thủ sự "yên bình" của thị trường doanh nghiệp cũng chuẩn bị các nguồn vốn, nhân lực, đào tạo kỹ năng, học tập các kiến thức mới trên thị trường để chuẩn bị cho các công việc đang theo đuổi.

"Việc học tập và đào tạo nội bộ, cũng như tuyển mới nhân sự phù hợp cũng là vấn đề quan trọng trong việc hướng tới kế hoạch của quý II, III hay cả năm 2024...", đại diện Công ty CP TopCare Việt Nam chia sẻ.

Minh Anh


Top