Giải quyết sớm 2 vấn đề được người dân quan tâm về môi trường

23/05/2020 6:05 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu giải quyết 2 vấn đề lớn liên quan môi trường được người dân, dư luận quan tâm là ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí, đặc biệt là từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí, giảm được bụi mịn trên địa bàn.

Hà Nội kiến nghị sớm có cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Gia Huy

Nghiên cứu để Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù

Tại buổi làm việc với TP. Hà Nội sáng 23/5, đại biểu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo Hà Nội về việc tổ chức buổi làm việc để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường bởi nhiều vấn đề không chỉ là vướng mắc của thành phố Hà Nội mà còn là vướng mắc chung, được các bộ, ngành, địa phương quan tâm nhiều năm qua.

Cụ thể vấn đề khu vực bãi ven đê sông Hồng, Bộ cũng đã có nghiên cứu, sẽ sớm có phương án tháo gỡ cho Thành phố. Tuy nhiên, sông Hồng còn có bất cập nữa là các hồ thủy điện và tình trạng khai thác cát nên mực nước sông Hồng hạ thấp rất nhanh, nhất là đoạn qua Hà Nội dẫn đến cảnh quan càng bị ảnh hưởng. Bộ xin tiếp thu và sẽ có nghiên cứu, sớm thông báo với Thành phố.

Đối với hệ thống sông Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đã có kế hoạch trung hạn 2021-2025, nâng cấp hệ thống này để nâng cao năng lực cung ứng cho sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm. Về vấn đề sông Nhuệ-Đáy, Bộ đã có dự án nạo vét giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 Bộ cũng đã có kế hoạch. Tới đây, Bộ xin phép sẽ làm việc cụ thể với Thành phố để lên phương án chi tiết, tháo gỡ một số khó khăn, nhất là việc giải phóng mặt bằng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nêu một số khó khăn của Hà Nội và mong nhận được sự chia sẻ của các bộ ngành. Nêu ví dụ đối với những lĩnh vực đặc thù như công tác xử lý rác thải trên Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện chỉ có 2 đơn vị chuyên ngành đang thực hiện; công việc duy trì vườn hoa cây cây cảnh trong công viên Thống nhất, chăm sóc các loại thú ở Công viên Thủ Lệ hiện rất khó có thể tổ chức đấu thầu vì không phải đơn vị nào cũng có thể đảm đương được các công việc này tham gia thầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy là địa bàn có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng Hà Nội đã xử lý chống dịch hiệu quả, chứng tỏ khả năng lãnh đạo điều hành của lãnh đạo Hà Nội.

Qua báo cáo của Hà Nội và nắm bắt thực tế, Bộ TN&MT nhận thấy môi trường Hà Nội đang phải đối mặt với các vấn đề về chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, xử lý nước thải và chất lượng không khí Hà Nội. Đối với quản lý đất đai, Hà Nội có nhiều loại hình đất đai, trong khi đó lại là nơi có sự phát triển đa ngành nghề, nhất là các ngành nghề sử dụng dịch vụ đất thực sự đa dạng cho thấy Hà Nội đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Bộ trưởng cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo Bộ dự hội nghị lưu tâm về đề nghị cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù khi giải phóng mặt bằng như TP Hồ Chí Minh. Còn một số kiến nghị khác của Hà Nội liên quan đến quy định của pháp luật thì cần phải tiếp tục nghiêm cứu kỹ để đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhận định, những vấn đề đặt ra trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội cũng chính là trách nhiệm của Bộ cần phải nghiên cứu, giải quyết và Bộ sẽ có tham mưu, tư vấn, hỗ trợ cho Hà Nội nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiệu quả trong thời gian tới.

Cần tạo chuyển biến về quản lý tài nguyên, môi trường

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành thông báo chung, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Thành phố và Bộ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc.

"Mỗi vấn đề đặt ra phải được phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả trong quá trình giải quyết; trên cơ sở đó phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn Thành phố", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Nêu 2 vấn đề ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm nhất hiện nay là ùn tắc giao thông và ô nhiễm bụi mịn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí, tinh thần là phải quyết liệt, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí.

Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường của Hà Nội thời gian tới, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải...

Dừng hoạt động các cơ sở ô nhiễm không khắc phục được

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở TN&MT và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giao thời hạn khắc phục; sau thời hạn mà không khắc phục được thì cho dừng hoạt động.

Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo để bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các bệnh viện còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, Bí thư Thành ủy chỉ đạo kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở TN&MT đi vào làm việc ngay, nhằm phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố.

Đối với các dự án có vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, Bí thư Thành ủy giao UBND Thành phố phải rà soát lại từng dự án gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Gia Huy

Top