Hãy tự trang bị cho mình kiến thức về phòng chống cháy nổ

21/03/2016 9:45 AM

(Chinhphu.vn) - Vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, ngày 19/3 cho thấy một thực thế rằng, tai nạn do cháy nổ không chỉ xảy ra tại các cơ sở sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vật liệu cháy nổ mà ngay cả ở những đô thị, nơi đông dân cư vẫn có thể xảy ra.

* Hà Nội mời đơn vị đánh giá mức độ thiệt hại của vụ nổ ở Hà Đông

* Từ vụ nổ ở Hà Đông: Nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ cho người dân

* Kết luận ban đầu vụ nổ ở Hà Đông: Thu được nhiều vật liệu dạng bom

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ nổ ở Hà Đông

* Cấp cứu kịp thời nạn nhân trong vụ nổ ở Hà Đông

* Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tại hiện trường, thăm nạn nhân vụ nổ ở Hà Đông

* Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ tại Hà Đông

* Công an HN thông tin về vụ nổ tại Hà Đông

Những cơ sở thu mua phế liệu tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ. Ảnh: Diệu Anh

Vụ nổ kinh hoàng khiến 4 người thiệt mạng, không chỉ tạo ra cú sốc lớn cho những người dân sống quanh khu vực, người dân Hà Nội mà còn cho cả toàn xã hội. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do một người làm nghề thu gom đồng nát đã mang một vật liệu nổ ra vỉa hè và tiến hành cưa.

Không ai có thể nghĩ rằng, ngay giữa khu đô thị phồn hoa, hiện đại lại tồn tại cửa hàng thu mua phế liệu để có thể gây ra những cái chết thương tâm do người dân cưa vật liệu nổ để lấy phế liệu. Thực trạng này cho thấy người dân cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ và công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ cần được các cấp chính quyền tăng cường hơn nữa.

Hiểm họa từ những cơ sở thu mua phế liệu

Ngày 20/3, theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều hộ kinh doanh thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong khu đông dân cư chủ yếu trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), đường Lĩnh Nam, Đại Kim (quận Hoàng Mai), phố Khương Đình, Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân)… Đa số những cơ sở này đều mọc theo kiểu tự phát, không tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường, cũng như không trang bị cho mình những kiến thức, những thiết bị bảo hộ phòng chống cháy nổ cần thiết nhất.

Không ít người nghĩ rằng, nếu mình không tàng trữ, sử dụng, sản xuất vật liệu cháy nổ thì khó có thể gặp vấn đề bất trắc với loại vật liệu này. Nhưng thực tế tai nạn do cháy nổ không chỉ xảy ra tại các cơ sở sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vật liệu cháy nổ mà ngay cả ở những đô thị, nơi đông dân cư vẫn có thể xảy ra.

Theo quan sát của phóng viên, các cơ sở thu mua phế liệu thường được xây dựng với diện tích nhỏ, tạm bợ, bên trong ngổn ngang nhiều loại phế liệu như nồi cơm điện, vỏ chai các loại, can đựng dầu, thậm chí là cả những vỏ bình gas mini hay những thùng phi lớn... Các loại giấy tờ, túi ni-lông, bìa cát-tông có nguy cơ cháy rất cao, đặc biệt trong những ngày hè, thời tiết nắng nóng, chỉ cần sơ xuất vứt mẩu tàn thuốc lá gần cạnh là những những loại phế liệu này có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

Anh Nguyễn Văn Trung (chủ cơ sở chuyên thu mua các loại phế liệu tại đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) thấm thía từ vụ việc, cho đây thực sự là một bài học đắt giá không chỉ riêng với những người làm nghề thu mua và xử lý phế liệu cũ mà còn nâng cao hồi chuông cảnh báo về ý thức của người dân.

“Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà còn nhiều người dân khác không thể phân biệt được hết các loại đồ nào có thể là vật liệu nổ, đồ nào là an toàn. Chính vì thế, khi gặp phải một vật nghi ngờ là vật liệu nổ, tôi nghĩ phải báo cáo ngay chính quyền để kịp thời xử lý. Không thể vì một chút lợi trước mắt mà gây mối hiểm họa lớn như vậy”, anh Trung thẳng thắn chia sẻ.

Chi Nguyễn Thị Thủy (một người thu gom phế liệu trên đường Đại Kim, Hoàng Mai) cho biết: “Tôi làm nghề này mấy chục năm rồi. Thông thường khi người ta mang hàng đến, tôi đều kiểm tra kỹ, nếu có những bình gas mini hay những can dầu còn chất lỏng bên trong tôi sẽ đổ đi và không giám tự ý khoan cắt”.

“Tuy nhiên, nếu thu gom phế liệu mà có vật đáng nghi vấn thì tôi sẽ đem hỏi những người xung quanh hoặc không mua nữa, tôi nghĩ mình nên đề phòng thì tốt hơn”, chị Thủy nói thêm.

Mặc dù nói cần đề cao phòng cháy nổ, nhưng anh Trung cũng phải thừa nhận, cơ sở sản xuất của anh nhỏ lẻ nên cũng không trang bị thiết bị chữa cháy. “Đôi lúc mình cũng chủ quan không nghĩ cháy nổ sẽ đến với gia đình mình. Những tới đây tôi sẽ phải sắm những thiết bị đó”.

Không riêng những hộ kinh doanh phế liệu, tại nhiều khu vực tình trạng sang chiết gas trái phép cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Chị Lê thị Hà, một người thuê trọ trên đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình cho biết: “Tôi thấy việc sang chiết gas rất nguy hiểm, đôi khi có những chỗ sang chiết gas trái phép, họ thường mua những bình gas cũ về rồi tự ý chiết gas sang. Tôi thấy việc làm này rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận dễ gây cháy nổ lắm”.

Đa số người dân sinh sống gần những hộ kinh doanh, cơ sở thu mua phế liệu hay những cơ sở sang chiết gas,... đều cảm thất rất lo ngại về những nguy hiểm đang rình rập hàng ngày. Tuy nhiên, biết là vậy nhưng họ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm hay kiến thức về phòng chống cháy nổ.

Ảnh: Diệu Anh

Người dân cần tự nâng cao ý thức

Những tai nạn về bom mìn hay từ những vật liệu dễ gây nổ, người dân hoàn toàn có thể tránh được nếu người dân có ý thức đề phòng. Sự nhận thức không đầy đủ dẫn tới thiếu trách nhiệm, bất cẩn có thể dẫn đến hậu quả khôn lường không những cho bản thân mà còn cả những người xung quanh.

Bên cạnh những vụ cháy nổ như chập điện, nổ bình gas, ...thì những vụ việc chết người do cháy nổ đầu đạn, bom mìn vẫn luôn là vấn đề khiến cơ quan chức năng lo lắng và người dân hoang mang. Vụ tai nạn tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông cũng là một lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang mưu sinh kiếm sống bằng nghề thu gom sắt gỉ, hay những cơ sở đang sang chiết gas trái phép,... Hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.

Để người dân hiểu và nắm rõ những quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ, thiết nghĩ công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân càng phải quyết liệt hơn. Các cấp, chính quyền Thủ đô cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn giúp người dân phân biệt các vật liệu có thể gây nổ như bom, mìn, đạn,… sau chiến tranh; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm rõ các quy định về việc không cất giữ vũ khí, vật liệu nổ mà cần giao nộp, cho cơ quan chức năng để hạn chế những tai nạn rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Quan trọng hơn, các ban ngành chức năng của Hà Nội cần tăng cường quản lý vật liệu nổ, đặc biệt là vật liệu nổ trôi nổi trên thị trường, được mua bán tự do, trái phép.

Diệu Anh

Top