Hỗ trợ cho người dân tại bãi rác Nam Sơn trước Tết Âm lịch

30/10/2020 6:47 PM

(Chinhphu.vn) - Hôm nay (30/10), tại cuộc đối thoại với người dân huyện Sóc Sơn liên quan đến bãi rác Nam Sơn, lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm ngay trong việc chẫm chễ thực hiện chính sách, ai không làm sẽ bị xử lý... để những vướng mắc của người dân được giải quyết nhanh chóng, bảo đảm tốt nhất đời sống nhân dân theo đúng quy định của pháp luật, cơ bản giải quyết xong trước Tết Âm lịch về phương án hỗ trợ đền bù cho người dân.

* Lãnh đạo TP. Hà Nội đối thoại người dân liên quan bãi rác Nam Sơn

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: Gia Huy

Chiều 30/10, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy Hà Nội với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) liên quan đến vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

“Bất cập trong chính sách đền bù”

14 ý kiến của người dân tại hội nghị đều liên quan đến giá đền bù giải phóng mặt bằng và vấn đề ảnh hưởng của bãi rác đến môi trường sống.

Bất cập trong chính sách đền bù là điểm được nhiều người dân nêu tại buổi đối thoại. Ông Nguyễn Văn Thắng, xã Bắc Sơn bày tỏ không bằng lòng với giá đền bù giải phóng mặt bằng. Gia đình ông có đất thổ cư, theo vận động đã đồng thuận lấy tiền theo diện đất trợ giá nhưng giá đến bù 10.500/m2 là không thỏa đáng.

Dù bày tỏ phấn khởi trước những giải pháp hỗ trợ người dân trong thời gian qua, song ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn vẫn cho rằng mức hỗ trợ người dân còn quá thấp so với những thiệt hại của người dân trong 21 năm qua. Theo ông Hùng ít nhất phải có giá bồi thường 10.000/người/ngày.

“Chúng tôi mong muốn được di dân nhanh chóng. Con cháu chúng tôi sống ngay “núi” rác rất khổ sở. Đã khảo sát điều tra xong 3 năm nay thì cần lập, phê duyệt phương án đền bù ngay cho người dân. Cứ kiểm tra đi kiểm tra lại đến bao giờ”, ông chia sẻ.

Về đất tái định cư, ông Hùng kiến nghị dùng chính sách đặc thù “đất đổi đất cho dân”, đề nghị đổi theo định mức không vượt quá 240m2/hộ, còn đâu quy đổi thành tiền cho dân. Ngoài ra, giải quyết gấp việc hỗ trợ tiền gạo ăn những người mất ruộng theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Quyết, công dân thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn nêu ý kiến về hỗ trợ tái định cư cho người dân bị mất đất, giữa chính sách và thực tế rất bất cập, có hộ gia đình ở 3 đời nay với nhiều thế hệ sinh sống nhưng chỉ được một suất tái định cư; về vùng di dân 500m tính từ khu LHXLCT Sóc Sơn giá đất còn thấp, không thể đi chỗ khác sinh sống... Người dân nêu bất cập về hỗ trợ ảnh hưởng môi trường, năm 2014 được hỗ trợ khi cos bãi lên cao được hỗ trợ 900 đồng/ngày/nhân khẩu, hỗ trợ này không thể đủ canh tác đất nông nghiệp.

Ông Hoàng Văn Đức, xã Nam Sơn nêu, năm 2016 khi người dân đối thoại với người dân xã Nam Sơn, Chủ tịch Thành phố hứa năm 2018 giải quyết xong các vấn đề liên quan đến bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết.

Người dân cũng chia sẻ, mặc dù nhận thức được việc chặn xe rác là vi phạm pháp luật nhưng người dân cho biết chỉ chặn những xe gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy đề nghị Thành phố có kế hoạch phân rác từ gốc, giảm độc hại ra môi trường cho người dân.

Người dân nêu ý kiến cho rằng, chính sách đền bù quá chênh lệch, khi đất ở, đất liền kề cùng chung một giá và nêu ý kiến người dân chỉ mong khi đi tái định cư không được hơn thì cũng được bằng số đất cũ. Người dân đề nghị một số hộ ngoài thửa đất ở không có chỗ ở nữa cho người dân đổi đất tái định cư với giá như nhau; các hộ tự tìm đất ở thì đền bù theo đúng quy định; các công trình xây dựng trên đất liền kề hợp pháp thì đền bù 100% theo giá nhà nước quy định.

Bà Hoàng Thị Mai, xã Hồng Kỳ nêu nguyên nhân người dân bức xúc nhiều năm qua nên chặn xe rác 15 lần từ năm 2009 đến nay là do giá đề bù chưa thỏa đáng, quan trọng nhất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi người dân đã được cấp sổ như thế nào thì trả người dân như thế đó.

Bà Mai nêu đất vườn liền kề sử dụng lâu năm nếu chỉ trả 78.000 đồng/m2, thêm các loại hỗ trợ là 500.000 đồng/m2 thì người dân không thể làm nhà, nếu làm được nhà thì không thể có đất. Còn về tái định cư, bà Mai đề nghị Thành phố khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ cho người dân vào khu tái định cư.

Tại hội nghị, người dân cũng kiến nghị Thành phố kiên quyết không đền bù cho các hộ lợi dụng chính sách đền bù.

Người dân huyện Sóc Sơn nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Cử 30 cán bộ xuống làm việc cùng huyện về chính sách đền bù

Tiếp thu 14 ý kiến của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhắc lại: “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Thành phố là vận dụng tối đa cho bà con. Với chính sách, cơ chế còn bất cập Thành phố sẽ khắc phục ngay; những vấn đề vượt thẩm quyền, Thành phố sẽ báo cáo Trung ương để khắc phục sớm nhất”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong công khai, minh bạch quy trình xử lý rác để người dân biết; hằng ngày tổ chức quan trắc, kiểm tra, đề xuất giải pháp biện pháp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người sống người dân.

Thông tin đến người dân, ông Hùng cho biết trong cuộc họp Thường trực Thành ủy sáng nay (30/10), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị phải thực hiện khẩn trương các phần việc. Ai không làm sẽ bị xử lý nghiêm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu huyện Sóc Sơn tổng hợp các chính sách hỗ trợ người dân của Thành phố, công khai minh bạch để người dân biết. Thành phố vận dụng cơ chế chính sách rất đầy đủ cho người dân. Việc tái định cư, Thành phố sẽ bảo đảm người dân đều có đất để ở. Thành phố cũng điều chỉnh chính sách hỗ trợ thêm cho bà con ngoài hạn mức đất ở, đất nông nghiệp được hỗ trợ thêm 500.000 đồng… Dù ít nhưng với diện tích lớn là ngân sách phải chi trả cả nghìn tỷ. Thành phố rất quan tâm đời sống của bà con nhưng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.

Khẳng định hộ dân nào có “sổ đỏ” đều sẽ được đền bù, Phó Chủ tịch UBDN TP. Hà Nội cho biết Thành phố đang thanh tra hơn 178 “sổ đỏ” ở khu vực 3 xã. Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ có có 3 “sổ đỏ” hợp pháp, hơn 100 “sổ đỏ” không hề có hồ sơ… Tuy nhiên Thành phố vẫn xem xét đền bù, các trường hợp không có “sổ đỏ” được xem xét để cấp hạn mức đất đền bù làm sao bảo đảm công bằng với mọi người dân.

“Một số trường hợp nhận đền bù rồi nhưng sau kiểm tra “sổ đỏ” không đúng, Thành phố cũng chỉ yêu cầu tự khắc phục, trả lại tiền số đất không đúng”, Phó Chủ tịch UBND TP nói thêm. Liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ di dân trong bán kính 500m, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết khi kiểm đếm và tính toán, có 1 số hộ dân, tiền đền bù đất ở, không đủ để nhận được suất đất tái định cư. Với các trường hợp này, Thành phố sẽ hỗ trợ để bảo đảm người dân được nhận đất tái định cư.

Với các trường hợp có “sổ đỏ” vượt quá diện tích hạn mức theo luật định, trước mắt, Thành phố sẽ đền bù cho người dân theo “sổ đỏ”. Tuy nhiên, Thành phố cũng đề nghị người dân tự rà soát, xem xét lại, bởi sau đó, các trường hợp này sẽ được các cơ quan chức năng rà soát lại. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Phó Chủ tịch Thành phố cũng khẳng định, nhân dân mong muốn tái định cư ở đâu Thành phố sẽ ưu tiên bằng được cho bà con và yêu cầu huyện Sóc Sơn cần rút kinh nghiệm, phải thống nhất với nhân dân về vị trí tái định cư báo cáo Thành phố phê duyệt theo đúng nguyện vọng của người dân.

Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu: “Ngay tuần sau, Sở Tài nguyên và Môi trường cử 30 cán bộ xuống cùng huyện để lập phương án đền bù hỗ trợ nhanh nhất. Cơ bản giải quyết xong trước Tết Âm lịch để bảo đảm đời sống của người dân”…

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong muốn người dân chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền để thực hiện nhanh nhất các chính sách hỗ trợ cho người dân.

Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ huyện Sóc Sơn có trách nhiệm phải rút kinh nghiệm ngay trong việc chẫm chễ thực hiện chính sách cho nhân dân; tuyên truyền đến với người dân chưa đầy đủ; thậm chí có cán bộ, đảng viên cơ sở chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Thành phố.

“Sớm đưa bà con ra khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 500m là chủ trương rất nhân văn, vừa là mong muốn của người dân vừa là mục đích của chính quyền nhưng thực hiện còn chậm là chưa được. Thành phố đã có tổ công tác, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các phần việc như Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu”, Phó Bí thư Thảnh ủy nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, nhiều người dân nhận thức việc chặn xe rác là vi phạm pháp luật và chính quyền không mong muốn việc này. Phó Bí thư Thành ủy bày tỏ: “Huyện Sóc Sơn là huyện có bề dày truyền thống; 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đều là xã anh hùng...Mong rằng người dân nếu có gì chưa thỏa mãn thì bày tỏ qua các con đường đối thoại, văn bản kiến nghị, không để tái diễn việc chặn xe rác để các thế lực thù địch lợi dụng”.

* Ngay sau cuộc đối thoại, ông Phạm Xuân Sơn, hộ dân có nhà nhà cách khu xử lý rác 100 m phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi hiểu chặn xe rác là sai pháp luật. Chúng tôi cũng mong nhân dân thông cảm khi rác ùn ứ. Tôi cảm thấy rất yên tâm trước những trả lời của lãnh đạo Thành phố để đẩy nhanh tiến độ. Như thế này, chắc chắn người dân sẽ được sớm di dời ra khỏi khu ảnh hưởng bởi khu xử lý rác”.

Trao đổi bên lề hội nghị đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết Thành phố đã xử lý hơn 50 xe chở rác làm rơi nước ra đường.

Về ý kiến rằng tại sao Hà Nội không chọn lựa công nghệ xử lý rác tiên tiến hơn, Phó Bí thư Thành ủy thông tin, Thành phố đã triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện ở khu xử lý rác Nam Sơn với công suất 4000 tấn/ngày đêm và một số dự án đốt rác phát điện ở các khu vực khác. Dự kiến đến năm 2025 Hà Nội sẽ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, không dùng cách thức chôn lấp.

Phó Bí thư Thành ủy cũng nêu rõ, không có chuyện cùng một dự án có 2 chính sách bồi thường mà theo từng giai đoạn của dự án, việc đền bù phải tuân theo những chính sách mới có hiệu lực.

Gia Huy

Top