Khẳng định giá trị ‘cốt lõi’ của văn hóa trong quy hoạch Thủ đô

09/12/2023 8:55 AM

(Chinhphu.vn) - Văn hóa không thể thiếu trong quy hoạch mỗi khu vực, mỗi lĩnh vực, mỗi công trình và quy hoạch của một địa phương, của cả quốc gia. Đặc biệt, đối với Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, thì vai trò của văn hóa trong quy hoạch lại càng có ý nghĩa to lớn.

Thiếu văn hóa là khiếm khuyết lớn trong quy hoạch Thủ đô

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng. Chính vì vậy, để tạo được động lực tăng trưởng mới, khai thác hết tiềm năng cho phát triển, quy hoạch cần phải dài hơi và đi trước một bước; phải coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội.

Khẳng định giá trị ‘cốt lõi’ của văn hóa trong quy hoạch Thủ đô- Ảnh 1.

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng. Ảnh minh họa

Theo GS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, quy hoạch là việc làm rất quan trọng đối với các bất kỳ quốc gia. Việc thiếu quy hoạch dẫn đến hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng... Tuy nhiên, có một vấn đề tưởng như ít liên quan đến quy hoạch, hoặc do hiểu lầm vì không có tên trong quy hoạch mà bị quên lãng, nhưng lại hết sức quan trọng, không thể không tính đến khi xây dựng quy hoạch, đó là văn hóa.

Thực chất, văn hóa liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Muốn văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì văn hóa nhất thiết phải có mặt ở mọi khâu của quá trình phát triển, trong đó có quy hoạch. Kinh nghiệm nhiều năm với nhiều công trình, chương trình cụ thể đã cho ta thấy rõ điều đó.

GS. Phùng Hữu Phú cho biết, hiện vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau về vị trí, vai trò của văn hóa trong quy hoạch, nhất là sau khi có quy định về việc không lập quy hoạch ngành văn hóa riêng biệt tại các địa phương. Tuy nhiên, tại Thủ đô Hà Nội, nếu chỉ đưa quy hoạch mạng lưới cơ sở của văn hóa vào quy hoạch chung thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn về xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã phải lên tiếng rằng "không đánh đổi văn hóa lấy phát triển kinh tế", điều đó cũng bắt nguồn từ thực tế là nhiều hoạt động kinh tế đã xâm hại nghiêm trọng đến môi trường, văn hóa, đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững. Xây dựng quy hoạch với nhiệm vụ "sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng"... ở Thủ đô thì nhất thiết không thể để tình trạng đó tái diễn.

Theo GS. Phùng Hữu Phú, muốn tình trạng đó không tái diễn thì yếu tố văn hóa nhất thiết phải được thể hiện rõ trong quy hoạch, thậm chí có mặt trong định hướng chiến lược xây dựng quy hoạch. Thực tế, "chốn kinh sư muôn đời" chứa đựng trong lòng nó tài nguyên đồ sộ về vật chất và tinh thần ngàn năm tụ lại. Mỗi mét đất, mỗi tên người có thể phải dùng tới khoa học liên ngành để giải mã thì mới có thể thấu hiểu và phát huy giá trị.

Kỳ vọng phát triển một Thủ đô "Văn hóa - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Theo GS. Phùng Hữu Phú, người dân kỳ vọng quy hoạch Hà Nội theo đúng định hướng "Văn hóa - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Kỳ vọng vì nhiều lý do, trong đó có lý do không gian địa lý và không gian văn hóa được mở rộng chưa từng có sau khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây. Đặc biệt, không gian văn hóa được mở rộng đáng kể với một vùng văn hóa giàu truyền thống và bản sắc.

Sự mở rộng về không gian địa lý và không gian văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm quy hoạch, mở ra dư địa phát triển đáng kỳ vọng. Người làm quy hoạch không bị bó trong không gian nội đô chật hẹp, mà có nhiều lựa chọn để tối ưu hóa các phương án của mình.

Mặt khác, khi quy hoạch được triển khai với không gian rộng mở thì sẽ tránh được áp lực điều chỉnh dự án có thể phá vỡ tầm nhìn tổng thể cả về thời gian và không gian của quy hoạch. Thuận lợi là rất lớn, nhưng vẫn có không ít thách thức.

Các văn kiện, Nghị quyết của Đảng đã khẳng định rất rõ về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng: "Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội", "văn hóa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy văn hóa - xã hội", "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Trên quan điểm ấy, Đảng đã nghiêm túc đánh giá những thành tựu đạt được và những khiếm khuyết cần khắc phục trong phát triển văn hóa. Một trong những khiếm khuyết đó là "quan tâm đến văn hóa chưa tương xứng với quan tâm chính trị và kinh tế" (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Nhận thức được điều đó, nhiều địa phương đã có nghị quyết, chương trình phát triển văn hóa nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là điều hết sức đúng đắn và thể hiện đúng vai trò tiên phong của văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố sáng tạo trong thời mở cửa, hội nhập. Hà Nội cũng đặt vấn đề tăng đầu tư cho văn hóa tới 2% GDP.

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa chỉ là một trong những vấn đề của văn hóa. Đầu tư 2% GDP cho văn hóa mới chỉ là chuyện ngân sách. Khi đặt văn hóa trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, vấn đề cốt tử là nhận thức về vị trí đứng đầu và vai trò tiên phong của văn hóa Thủ đô đối với văn hóa cả nước.

Vậy thì vị trí đứng đầu và vai trò tiên phong ấy là như thế nào? Nói vị trí đứng đầu về văn hóa của Hà Nội không phải là "tự phong", mà là yêu cầu có tính lịch sử. Vị trí ấy vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của Thủ đô. Vai trò đó là vai trò tiên phong, vai trò của người mở đường.

Theo GS. Phùng Hữu Phú, người tiên phong không nhất thiết phải là người giỏi nhất, có thành tích tốt nhất. Nhưng người tiên phong nhất thiết phải là người dũng cảm, người tự trọng với tinh thần trách nhiệm cao trước tập thể và sự nghiệp chung. Nhận thức như vậy thì việc xây dựng văn hóa Thủ đô Hà Nội không thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng mạng lưới văn hóa cơ sở, xây dựng các thiết chế văn hóa...

Với tâm thế: Trân trọng quá khứ - Trách nhiệm hiện tại - Khát vọng tương lai, trước tiên phải xây dựng con người Thủ đô Hà Nội hội tụ nét tinh túy của văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến, đồng thời chọn lọc tiếp nhận tinh hoa bốn phương để có người Hà Nội thanh lịch - văn minh - hiện đại. Người Hà Nội không phân biệt là người Hà Nội gốc hay nhập cư, nhất thiết đều phải phấn đấu, rèn luyện để là người thanh lịch - văn minh - hiện đại.

GS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, trong quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phải tiếp tục coi việc xây dựng con người Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ hàng đầu để hoạch định chương trình, lộ trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội.

Với nhận thức như vậy, việc xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tầm nhìn đến năm 2050 là tầm nhìn đến một mốc phát triển có tính lịch sử của dân tộc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm tuổi. Một thời điểm đặc biệt trong lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam.

Đối với Thủ đô Hà Nội, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định đặc thù được Quốc hội thông qua, việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực sự là một cơ hội phát triển hết sức thuận lợi. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm phải thấm sâu vào mọi khâu của quy hoạch, từ việc xây dựng quy hoạch đến việc triển khai thực hiện cũng như điều chỉnh quy hoạch (nếu có) trong thực tiễn cuộc sống. Với tinh thần ấy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lần này sẽ được xây dựng và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, vì một Thủ đô sáng tạo, phát triển bền vững.

Cơ hội "vàng" để Hà Nội hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu

Đánh giá về những giá trị văn hóa đã được khai thác trong quy hoạch Thủ đô, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của "một trung tâm lớn về văn hóa", chưa tạo ra được nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng mang "thương hiệu" Hà Nội. Nguyên nhân quan trọng nhất là thành phố chưa có một quy hoạch tổng thể cho sự phát triển.

Rất may mắn, thậm chí có thể gọi là "cơ hội" khi Hà Nội được làm 3 việc lớn vào cùng thời điểm: Lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, và sửa đổi Luật Thủ đô 2012. Đây sẽ là "thời cơ vàng" để thành phố cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu và đề xuất những cơ chế đặc thù, thực hiện những giải pháp phù hợp.

Lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thành phố cần tổ chức các không gian văn hóa và tạo sự kết nối, liên kết các không gian ấy trên cơ sở cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, để vừa giữ gìn di sản vừa tạo dựng những công trình kiến trúc mới, mang dấu ấn của thời đại.

Hiểu theo nghĩa chung nhất, không gian văn hóa là địa điểm, khu vực tập trung các giá trị văn hóa, nơi diễn ra các thực hành văn hóa hoặc liên quan đến văn hóa, gắn với một cộng đồng dân cư cụ thể. Như vậy, có thể coi cả Hà Nội là một không gian văn hóa lớn với những đặc trưng tiêu biểu, riêng có. Vì thế, Quy hoạch cần coi văn hóa đó là yếu tố được tính đến đầu tiên khi tổ chức các không gian, hạ tầng kỹ thuật không chỉ riêng trong lĩnh vực văn hóa mà của cả các ngành, lĩnh vực khác. Đây sẽ là điểm khác biệt của Quy hoạch Thủ đô so với quy hoạch các địa phương khác trong cả nước, nhưng phù hợp và cần thiết với thành phố Hà Nội.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cho rằng, Hà Nội cần quy hoạch, mở rộng các công viên đã có, xây dựng thêm những công viên mới và biến chúng thành công viên văn hóa bằng cách tổ chức, trình diễn các loại hình nghệ thuật công cộng, tổ chức các festival cộng đồng, tạo lập các phù điêu, tranh tường... để mỗi công viên trở thành một trung tâm sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại hệ thống bảo tàng theo hướng giảm đầu mối, tăng diện tích, mở rộng tính chất tổng hợp trong trưng bày; xây dựng trung tâm hội chợ và triển lãm đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập.

Ngoài ra, Hà Nội cần có một công trình/tổ hợp công trình nghệ thuật để có thể biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau; xây dựng trung tâm nghệ thuật biểu diễn có quy mô dành để biểu diễn và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Đặc biệt, cũng cần có thêm nơi biểu diễn âm nhạc và nghệ thuật đương đại. Bởi theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, một Thủ đô, với tầm nhìn và mục tiêu "phát triển ngang tầm với các thủ đô trong khu vực" và là "thành phố kết nối toàn cầu" thì không thể không có những thiết chế văn hóa này.

Thùy Chi

Top