Những giải pháp căn bản giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội

18/11/2019 1:41 PM

(Chinhphu.vn) - Chia sẻ những phân tích về chất lượng không khí của Hà Nội trong thời gian gần đây và giải pháp cần thiết cho việc cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TS Lê Ngọc Thuấn - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, cần giảm thiểu bụi từ các công trường xây dựng, hạn chế phương tiện cá nhân và mọi người dân cần trang bị kiến thức và phòng tránh các tác hại của không khí đến sức khỏe.

* Thủ tướng: Hà Nội cần tìm giải pháp cụ thể xử lý ô nhiễm không khí

* Giảm ô nhiễm: Cần những giải pháp bền vững

* Giải pháp cải thiện ô nhiễm đô thị tại Hà Nội

Báo Điện tử Chính phủ xin gửi đến độc giả chia sẻ của TS Lê Ngọc Thuấn.

Lo ngại ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Trong những ngày đầu tháng 11, chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội liên tục được cảnh báo ở mức xấu. Trong khoảng thời gian từ ngày 5-12/11 hàm lượng bụi PM2.5 trung bình 24h đều vượt ngưỡng cho phép, vào ngày 12/11 giá trị chỉ số chất lượng không khí (AQI)vượt mức 300, ở mức nguy hại đối với sức khỏe.

Diễn biến hàm lượng bụi PM2.5 tại các điểm quan trắc tại thành phố Hà Nội, Nguồn: TCMT

Tuy nhiên, nồng độ PM2.5 thường chỉ tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm. Chỉ số AQI tại các trạm Hoàn Kiếm, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Sứ quán Mỹ thường đạt giá trị cao trong khoảng thời gian từ 0h đến 6h sáng, cá biệt sáng 12/11, các trạm này đều vượt ngưỡng 300, riêng 556 Phạm Văn cừ đạt 364. Chỉ sô AQI giảm dần xuống dưới mức nguy hại sau 7h sáng khi mặt trời đã lên cao.

Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí

Nhận định ban đầu, nguyên nhân chính về việc ô niễm không khí tại Hà Nội tăng cao trong một số ngày tháng 9 (15/09 đến 17/09, 23/09 đến 29/09) và những ngày đầu tháng 11 (08/11 đến 12/11) do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nóng (mùa hè) sang mùa lạnh (mùa thu) hoặc từ mùa lạnh (mùa đông) sang mùa nóng (mùa xuân) nên gây ra hiện tượng nghịch nhiệt, đây là nguyên nhân hoàn toàn mang tính tự nhiên. Thông thường, càng lên cao nhiệt độ sẽ giảm, tức ở trên cao sẽ mát hơn dưới gần mặt đất. Tuy nhiên, ở một vài thời điểm, nhiệt độ của lớp khí quyển bên trên cao hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng này xảy ra ở tất cả các mùa trong năm nhưng tần suất nhiều hơn vào thời điểm giao mùa và từ nửa đêm đến 6h sáng. Khi không khí nóng hình thành ở phía trên không khí lạnh sẽ làm gián đoạn sự đối lưu của khí quyển, khiến bụi và chất ô nhiễm không thoát ra ngoài được mà bị giữ lại ở tầng không khí thấp phía dưới hình thành một lớp sương mù rất có hại cho sức khỏe. Sau 7h, khi có ánh sáng mặt trời, lớp không khí gần mặt đất bị đốt nóng, không còn hiện tượng nghịch nhiệt nên các chất ô nhiễm thoát ra, phát tán theo các luồng đối lưu của không khí, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

Một nguyên nhân khác là do biến đổi khí hậu nên lượng mưa các tháng mùa thu trong năm 2019 ở Hà Nội rất thấp, Hà Nội liên tiếp nhiều ngày không có mưa cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm này.

Chỉ số AQI theo giờ các ngày từ 08/11 đến 12/11 (Nguồn http://vea.gov.vn)

Thêm vào đó, tại khu vực nội đô vẫn còn khoảng 117 cơ sở công nghiệp hoạt động, chưa được di dời như khu vực Thượng Đình (Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long; ở Trần Quý Cáp, quận Đống Đa là Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường; ở Minh Khai, Hai Bà Trưng là nhà máy Dệt kim Đông Xuân; ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm là Công ty Cao su Hà Nội … Các cơ sở hoạt động sản xuất cả ngày lẫn đêm nên lượng khí thải thải ra liên tục dẫn đến ô nhiễm, nhất là thời điểm từ đêm về sáng.

Thói quen đốt rơm rạ, khi thu hoạch mùa màng tại khu vực ngoại thành có thể phát sinh khói thải và bụi vào khu vực đô thị lúc cuối chiều cũng là một tác nhân làm chất lượng không khí tại Hà Nội suy giảm, nhất là trong khu vực nội thành.

Hoạt động xây dựng thường gia tăng vào mùa khô, chất thải và bùn đất và bụi dễ phát tán vào không khí. Các xe chở vật liệu xây dựng và đất thải thường được phép hoạt động sau 21h, có nhiều xe không được che chắn cẩn thận. Mật độ các phương tiện giao thông cao, đa phần là xe máy có hiệu quả đốt nhiên liệu thấp, cả ngàn xe bus cũ hoạt động trong nội đô có thể làm gia tăng bụi và khí thải cục bộ tại khu vực có mật độ giao thông lớn.

Làm gì để giảm thiểu tình trạng không khí bị ô nhiễm

Để phần phần nào hạn chế những tác hại của ô nhiễm không khí tại khu vực đô thị trong thời gian này, người dân nếu không có việc cần thiết thì không nên ra khỏi nhà vào giờ cao điểm, các khu vực tắc đường, sử dụng khẩu trang cũng làm giảm tác hại của bụi. Vào thời gian có sương mù, nên hạn chế các hoạt động vận động ngoài trời hoặc thể dục.

Thành phố Hà Nội cũng cần quản lý tốt các hoạt động xây dựng và vận chuyển chất thải xây dưng để không phát tán ra môi trường. Các hoạt động tưới cây và rửa đường cần được tính toán đảm bảo tần suất phù hợp. Có lộ trình giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, tăng dần các loại hình phương tiện công cộng để tăng hiệu quả giao thông, góp phần giảm ô nhiễm không khí tại khu vực nội đô.

Bổ sung thêm các trạm quan trắc môi trường không khí tại các khu vực đô thị, cập nhật và thông báo liên tục các số liệu về chất lượng không khí tới người dân, phát cảnh báo ngay khi có ô nhiễm không khí xảy ra.

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ và đẩy đủ về ô nhiễm không khí ở đô thị do các lý do tự nhiên và nhân tạo, từ đó có các hành động hạn chế tác hại đến sức khỏe.

TS Lê Ngọc Thuấn

Top