Sửa đổi Luật Thủ đô: Ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông kết nối

22/11/2023 10:02 AM

(Chinhphu.vn) - Theo dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Điều này cho thấy, tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Thủ đô Hà Nội.

Sửa đổi Luật Thủ đô: Ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông kết nối- Ảnh 1.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định mới về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Ảnh: VGP/Thành Nam

Tạo cơ hội phát triển xứng tầm

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, việc xây dựng luật không nằm ngoài tổng thể hệ thống pháp luật.

Mới đây, tại tọa đàm "Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển", TS Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế; Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô năm 2012 đã thực hiện được hơn 10 năm, trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô, thời gian vừa qua Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục…

Tuy nhiên, sau 10 năm đất nước đã có những hướng phát triển mới, Thủ đô chúng ta cũng có những yêu cầu mới, xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế, những vấn đề về xã hội, về khoa học giáo dục về y tế…

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị khẳng định vị trí, vai trò chiến lược quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước;

Là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin tưởng, mong muốn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết số 15-NQ/TW đã cụ thể hóa, xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng. Do đó, cần xây dựng một Thủ đô Hà Nội đáp ứng được mong mỏi của người dân Thủ đô, đáp ứng được mong mỏi của người dân cả nước vì Thủ đô là trái tim của cả nước. Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Thủ đô, nó không chỉ phục vụ cho nền kinh tế Thủ đô mà nó còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước.

Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô, một cách nhanh và bền vững đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.

Đồng quan điểm cho rằng cần thiết sửa Luật Thủ đô, TS. Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm, một văn bản pháp luật nào đó được đưa ra cần có thời gian, nó cần được đánh giá, xem xét xem còn thích hợp hay không. Khi không còn phù hợp thì tất yếu phải sửa đổi. Sửa ít hay sửa nhiều thì chính sự phù hợp của văn bản đó so với yêu cầu của thực tiễn.

"Luật Thủ đô lần này chúng ta hay nói là Luật Thủ đô sửa đổi, nhưng với chuyên môn cá nhân tôi, thì tôi cho rằng có thể được nói đây là luật "mới". Bởi lẽ, có một chế định mà 2 văn bản trước đây chúng ta chưa đề cập đến, nhưng lần này Luật Thủ đô đã đưa vào, đó là quy định về việc tổ chức chính quyền tại TP. Hà Nội", TS. Nguyễn Ngọc Bích nhấn mạnh.

Giải pháp tổng thể trong quy hoạch, phát triển giao thông

Đặc biệt quan tâm đến vai trò của đường sắt đô thị đối với giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc phân cấp để Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư với các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) là một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Theo thống kê, Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô. Do đó, lần sửa đổi này, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định mới về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Ông Hiếu cho biết, trong quá trình nghiên cứu, làm việc và thảo luận với các chuyên gia về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng tôi đã đưa ra một định nghĩa về TOD mang bản sắc của Thủ đô đó là, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một giải pháp tổng thể về phát triển đô thị làm cơ sở cho quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông đường sắt đô thị làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng.

Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa…

Đơn cử như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ngay khi được đưa vào khai thác đã thể hiện được tính ưu việt vốn có của một phương thức vận tải nhanh, khối lớn, hiện đại, góp phần giảm mật độ và sức ép giao thông trên dọc hành lang tuyến. Bên cạnh đó, đường sắt đô thị cũng là giải pháp dài lâu cho các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường...

Có thể thấy, đối với Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, việc vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả mà còn giải toả được những điểm nóng về giao thông, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Việc Dự thảo Luật ghi nhận một cách tương đối đầy đủ về cơ sở pháp lý cho việc vận hành mô hình TOD cho thấy được tầm nhìn chiến lược và rất tiến bộ trong việc quyết tâm triển khai và áp dụng mô hình TOD ở Thủ đô Hà Nội.

Diệu Anh

Top