Tháo gỡ bất cập trong quản lý di sản cho Đường Lâm

12/05/2018 7:00 PM

(Chinhphu.vn) - Để tháo gỡ những bất cập xảy ra trong quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đang làm hồ sơ xin điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích làng cổ Đường Lâm và quyết tâm thực hiện dự án giãn dân làng cổ giai đoạn 1 trong năm 2018.

* Đường Lâm: Gỡ khó giữa bảo tồn và phát triển

Phó Chủ tịch Thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh. Ảnh: Hòa An

Phó Chủ tịch Thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc quản lý, bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm.

Ông có thể cho biết những khó khăn vướng mắc trong công tác bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Huy Khánh: Đường Lâm là làng cổ có người ở, nói cách khác là di tích có người sinh sống, đây là đặc thù khác so với các di tích khác bởi vừa phải bảo tồn di tích nhưng gắn với cuộc sống bình thường của người dân.

Vấn đề ở đây là với đặc thù là di tích sống, cuộc sống người dân vẫn diễn ra bình thường nên có rất nhiều mâu thuẫn. Ví dụ như trước kia khi xây dựng người dân không cần cấp phép thì nay mọi hoạt động xây dựng đều phải thực hiện theo đúng Luật di sản, Luật xây dựng và theo quy hoạch.

Chính vì vậy, thị xã Sơn Tây luôn xác định, với di tích có cuộc sống bình thường của người dân thì phải ứng xử một cách khoa học, bình đẳng để cuộc sống người dân vẫn diễn ra bình thường và phát huy được di tích.

Ông có thể cho biết, thị xã đã có những biện pháp gì để giúp người dân phát huy tốt giá trị di sản?

Ông Nguyễn Huy Khánh: Trong 12 năm từ khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, làng cổ Đường Lâm nhận được trên 369 tỷ kinh phí đầu tư từ Nhà nước hoàn thành xã chuẩn nông thôn mới. Trong đó đầu tư cho giáo dục là 78 tỷ đồng, các công trình hạ tầng giao thông 75 tỷ đồng, ngoài ra đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trên 134 tỷ đồng, kinh phí đầu tư công trình thủy lợi là trên 45 tỷ đồng… Bên cạnh đó, địa phương kêu gọi được 35 tỷ đồng từ nguồn tiền xã hội hóa giúp cải thiện cơ sở hạ tầng của Đường Lâm. Với sự đầu tư như vậy, cơ sở vật chất tại Đường Lâm đã rất khang trang so với thời gian trước đây.

Trạm Y tế xã Đường Lâm được bố trí vốn xây dựng 8 tỷ đồng. Ảnh: Hòa An

Tuy nhiên, ở đây bài toán đặt ra giữa việc bảo tồn và phát huy di tích, thị xã đã có những đề án để giới thiệu cho nhân dân những mô hình làm dịch vụ, những công việc làm du lịch cho nhân dân; có đề án phát triển kinh tế tạo ra sản phẩm phục vụ khách du lịch; tổ chức tour, tuyến cho khách du lịch đến nhà cổ; tập huấn cho các hộ dân làm dịch vụ du lịch... Đây là những nội dung chúng tôi đã thực hiện, tuy nhiên để làm được việc này các hộ cần có nhân lực và nguồn lực để làm được mà tại Đường Lâm không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện tổ chức dịch vụ cho khách du lịch.

Hiện nay Đường Lâm rất nhiều nhà cổ đang xuống cấp, có trường hợp hộ gia đình muốn tu bổ nhưng chưa trong diện tu bổ cũng có nhiều nhà không muốn tu bổ, thực trạng này do đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Khánh: Những nhà cổ Đường Lâm ngoài 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh thì nhà có giá trị đặc biệt có khoảng gần 100 nhà cổ… Về đầu tư để tu bổ, Thành phố có đề án phân ra lộ trình, trong quá trình này có sự sắp xếp ưu tiên với nhà cổ lâu năm, nhà cổ xuống cấp. Việc phân bổ kinh phí cũng theo quy định, mỗi năm chỉ đầu tư được hơn 10 nhà, còn lại để giai đoạn sau. Trong số này có nhiều nhà muốn tu bổ nhưng phải xếp theo thứ tự nên chưa đến lượt.

Nhưng bên cạnh đó có những nhà được trong danh sách nhưng lại không muốn tu bổ do chưa thống nhất một số hạng mục bởi tu bổ nhà cổ phải theo quy định của Luật di sản bảo tồn nguyên trạng di tích gốc. Chúng tôi thấy rằng những nội dung này còn cần tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân hiểu được bảo tồn theo đúng luật di sản, đây cũng là truyền thống gia đình, dòng họ cần bảo tồn.

Ngôi nhà cổ tại Đường Lâm được xây dựng năm 1762. Ảnh: Hòa An

 

Như vậy, trước mắt trong thời gian tới, để giải quyết vấn đề giữa bảo tồn và phát triển ở Đường Lâm, thị xã sẽ tập trung vào những việc gì thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Khánh: Thị xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm; thứ hai là tập trung vào công tác đầu tư để tạo cơ sở hạ tầng tốt hơn; thứ 3 là tập trung vào đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích làng cổ Đường Lâm thì mới giảm bớt mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Ngoài ra, tập trung nâng cao các sản phẩm du lịch, tour du lịch và công tác hướng dẫn du lịch.

Đặc biệt là tất cả công việc triển khai trên làng cổ đều phải bảo đảm minh bạch, dân chủ, người dân phải được tham gia để thấy được giá trị làng cổ nơi mình sinh sống.

Giải pháp khác thị xã quyết tâm thực hiện là triển khai dự án giãn dân, đây là mấu chốt nhất trong việc bảo tồn, đây cũng là việc lâu dài để công tác quản lý trật tự xây dựng trên làng cổ được tốt hơn. Quỹ đất cho khu đất giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ có diện tích 4,96 ha, tổng mức đầu tư trên 49 tỷ đồng. Quỹ đất dành cho giãn dân giải phóng xong mặt bằng, đang xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện phân lô, tới đây sẽ tổ chức giãn dân một số hộ sang khu giãn dân mới. Thị xã cũng đề xuất với Thành phố để tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi giãn giân từ làng cổ sang khu mới.

Thị xã cũng tập trung phát triển dịch vụ du lịch theo đề án phát triển kinh tế của xã, đa dạng hóa các sản phẩm để phục vụ du lịch. Có như vậy nhiều người dân Đường Lâm mới tham gia vào quá trình thực hiện, nâng cao đời sống trên mảnh đất của mình. Ngoài ra, tiếp tục thu hút đầu tư; quan tâm cải tạo môi trường; quy hoạch các điểm bán hàng...

Quan điểm của tôi là tại Đường Lâm, người dân phải trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát triển; người dân phải làm du lịch, tham gia các dự án phục vụ chính người dân thì sẽ giảm bớt mâu thuẫn và mới phát triển được.

Xin cảm ơn ông!

Hòa An (thực hiện)

Top