Thị trường nội địa: Động lực tăng trưởng kinh tế Thủ đô

04/03/2024 2:48 PM

(Chinhphu.vn) - Dự báo trong năm 2024, cầu tiêu dùng vẫn là yếu tố có đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng bên cạnh sự lan tỏa của hoạt động đầu tư công, xuất khẩu. Do vậy, để kích cầu tiêu dùng nội địa, giải pháp thiết thực là việc triển khai các hoạt động, chương trình khuyến mại của Hà Nội.

Thị trường nội địa: Động lực tăng trưởng kinh tế Thủ đô- Ảnh 1.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa, giải pháp thiết thực là việc triển khai các hoạt động khuyến mại. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Khai thác lợi thế sân nhà

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP năm 2023.

Dự báo năm 2024, thương mại, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế, do đó cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa để từ đó lan tỏa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng. Các Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội đã tập hợp và lan tỏa sâu, rộng hơn ý nghĩa của hoạt động khuyến mại đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế.

Chương trình khuyến mại tập trung được thành phố Hà Nội tổ chức trong nhiều năm qua và sau mỗi năm số lượng doanh nghiệp tham gia lại đông hơn. Chương trình khuyến mại ngày càng phong phú và thúc đẩy mạnh mẽ việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam.

Trong năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp nhận hơn 12.000 thông báo đăng ký khuyến mại, với tổng giá trị ước tính hơn 25.000 tỷ đồng. Năm 2023, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia.

Các sự kiện trong khuôn khổ chương trình như "Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản"; "Ngày hội khuyến mại thời trang và làm đẹp"; "Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ"; "Sự kiện không dùng tiền mặt"; "Hà Nội đêm không ngủ"..., đã trở thành "đặc sản" được người tiêu dùng đón nhận. Chị Nguyễn Lan Hương (trú tại ngõ 25 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) nhận xét: "Với điều kiện kinh tế khó khăn, các chương trình khuyến mại lớn xuyên suốt trong năm đặc biệt ý nghĩa. Nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu cùng nguồn hàng tại siêu thị dồi dào, phong phú… đã hỗ trợ, san sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng".

Giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND về việc tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2024. Theo kế hoạch này, UBND Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai; phê duyệt danh sách doanh nghiệp tham gia cũng như chương trình, tỷ lệ khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2024...

Điểm đáng chú ý là Chương trình khuyến mại tập trung được gắn với triển khai hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình phát triển kinh tế của Thành phố. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thông qua việc tổ chức các sự kiện khuyến mại tập trung, Thành phố kỳ vọng thu hút, tạo điều kiện để người dân, du khách trong nước và quốc tế mua sắm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp...

Dự kiến, chương trình thu hút từ 1.000 đến 2.000 doanh nghiệp, là các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên cả nước. Thời gian triển khai trong tháng 5, tháng 7 và tháng 11-2024, trong đó nội dung chính gồm các hội chợ, ngày hội khuyến mại, "Tháng khuyến mại"; sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ"...

Việc tham gia Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội đã được nhiều hệ thống siêu thị, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP Đỗ Tuệ Tâm cho hay, để thực hiện tốt chương trình, đơn vị đã làm việc trước với các nhà cung cấp để có được mức giá và nguồn hàng tốt nhất. Bên cạnh mức giảm của nhà cung cấp, hệ thống siêu thị còn triển khai mức giảm riêng, vừa hỗ trợ người tiêu dùng, vừa tạo lợi thế cạnh tranh.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2024 được triển khai nhằm mục đích đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, du lịch thông qua việc tổ chức các sự kiện khuyến mại tập trung.

Bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, điểm mới của chương trình là phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng, thông minh, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, góp phần vào bình ổn giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Chương trình cũng góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô. Thực tế cho thấy, chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội năm 2023 đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%; giúp kiềm chế lạm phát bình quân tăng 2,04%...

Thùy Linh

Top