Thống nhất, đồng bộ Luật Thủ đô (sửa đổi) với các quy hoạch để phát triển thủ đô hiện đại, bền vững

28/11/2023 5:15 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần kết nối chặt chẽ, triển khai đồng bộ, thống nhất, cùng nguồn lực đầu tư tương xứng.

Thống nhất, đồng bộ Luật Thủ đô (sửa đổi) với các quy hoạch để phát triển thủ đô hiện đại, bền vững- Ảnh 1.

Hà Nội cần bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch trên địa bàn Thủ đô. Ảnh minh họa

Tại Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" do thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức mới đây, đại diện Bộ Tư pháp đã có nhiều phân tích về quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 với thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng như xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) gắn với yêu cầu lập và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn hiện nay.

Bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch trên địa bàn Thủ đô

Theo Bộ Tư pháp, cùng với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Thủ đô năm 2012 đã thiết lập cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong đó lấy Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-UBND ngày 26/7/2011) làm trung tâm, định hướng phát triển Thủ đô.

Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012 bước đầu giúp Hà Nội thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung Thủ đô.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021 giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, đánh giá, lập nhiệm vụ và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, thành phố đã giao Viện Quy hoạch xây dựng lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Đến nay, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, tiếp tục là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Đồng thời, đây là cơ sở để quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách phát triển Thủ đô Hà Nội và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống nhất về quy hoạch xây dựng, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia.

Đồng thời với việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được lập trên tinh thần thể hiện rõ quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư.

Tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Theo Bộ Tư pháp, để việc nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đồng bộ, hiệu quả với xây dựng, thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, dự thảo Luật phải đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là phải tạo được cơ chế đặc thù để xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Bên cạnh đó, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, đối với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội và quy trình, thủ tục, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cần bảo đảm sự thống nhất. Trong đó, các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; thể chế hóa các nội dung của quy hoạch thành các quy định pháp luật; bảo đảm các quy định của pháp luật phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Mặt khác, với vị thế là Thủ đô - đô thị đặc biệt, khi xây dựng Quy hoạch Thủ đô phải đặt trong tổng thể mối quan hệ với Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô và các luật khác có liên quan, như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Theo đó, dự thảo Luật tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội, xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch nhằm thực hiện chủ trương: "tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng" mà Nghị quyết số 15-NQ/TW đã nêu.

Cụ thể, thứ nhất, về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Thứ hai, về phát triển văn hóa, thể thao; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế; an sinh xã hội Thủ đô.

Thứ ba, về thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Nghị quyết số 15-NQ/TW và dự kiến điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã xác định mô hình phát triển đô thị cho Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.

Ngoài 20 đô thị được xác định tại Quy hoạch chung Thủ đô thì thành phố Hà Nội sẽ hình thành thêm 2 thành phố trực thuộc. Định hướng này đòi hỏi thành phố phải có giải pháp cụ thể để có nguồn lực tài chính phát triển hệ thống vận tải hành khách đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh và xe buýt thường. Do vậy, dự thảo Luật quy định về thực hiện các dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) nhằm mục tiêu huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.

Việc cho phép thực hiện các dự án TOD là nhằm phát triển các đô thị vệ tinh, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố.

Quy định này cũng phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Theo đó, dự thảo Luật quy định dự án TOD là một dự án tổng thể đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị dọc tuyến và là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án TOD dựa trên các điều kiện về ngân sách, diện tích đất có thể đấu giá để thực hiện tái thiết đô thị, đầu tư phát triển đô thị mới, xây dựng theo quy hoạch đô thị được phê duyệt và phát triển đường sắt đô thị.

UBND thành phố Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được từ đấu giá các quyền này được đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đặc thù khác được quy định tại dự thảo Luật đều quy định việc thực hiện phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch hoặc được quy định trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt như: xây dựng khu công nghệ cao (khoản 1, Điều 26), việc bảo đảm tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch, quy định về cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc sử dụng đất bãi sông đều phải bảo đảm quy hoạch (Điều 30), quản lý nhà ở (Điều 31)...

Các quy định đưa vào trong dự thảo Luật nhằm tạo sự chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định các định mức tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, phù hợp với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô, nhất là trong bối cảnh Thủ đô cần đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật với những công nghệ mới, hiện đại, nếu áp dụng theo các quy định hiện hành thì sẽ không thể đầu tư để xây dựng được những công trình mang tính đặc thù, trở thành biểu tượng của Thủ đô.

Sau khi được thông qua, quá trình thi hành Luật cũng như các quy hoạch nêu trên cần được tiến hành đồng bộ, thống nhất, không thể tách rời, đầu tư nguồn lực tương xứng để bảo đảm thực hiện hiệu quả.

Việc lập quy hoạch đóng vai trò quan trọng, là căn cứ khoa học và công cụ quan trọng để các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách. Quy hoạch là căn cứ để hoạch định chính sách, ban hành thể chế; thể chế là cơ sở pháp lý để thể chế hóa các nội dung của quy hoạch thành các quy định pháp luật; bảo đảm các quy định của pháp luật phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch chung Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần được xây dựng thống nhất, kết nối chặt chẽ với nhau; đồng thời, quá trình triển khai thi hành Luật cũng như các quy hoạch nêu trên cần được tiến hành đồng bộ, thống nhất, không thể tách rời, đầu tư nguồn lực tương xứng mới có thể bảo đảm thực hiện có hiệu quả.

Thùy Chi

Top