Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn

08/07/2020 4:12 PM

(Chinhphu.vn) - Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của quốc gia, đồng thời cũng là cơ hội để chị em khẳng định vị thế và thiên chức của mình.

* Bài 1: Có việc làm ổn định là cách giảm nghèo bền vững nhất cho người khuyết tật

* Bài 2: Tạo cơ chế cho doanh nghiệp hỗ trợ người khuyết tật

* Bài 3: Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em

Chị Nguyễn Thị Huyền, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là một trong những hội viên phụ nữ được hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo thành công. Ảnh Nhật Thy

Bình đẳng giới liên quan mật thiết đến đói nghèo

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bình đẳng giới có mối quan hệ mật thiết với nạn đói nghèo. Bất bình đẳng giới vừa là nguyên nhân của tình trạng đói nghèo, lạc hậu, vừa là rào cản chính đối với phát triển bền vững.

Một trong những mục tiêu tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là đạt được bình đẳng giới, vừa tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều này khẳng định: Trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, nhằm thay đổi tiến trình của thế kỷ XXI và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực đối với phụ nữ.

Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế- xã hội xuất phát từ phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Phụ nữ Việt Nam ít được tiếp cận các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so với nam giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội gán cho người phụ nữ địa vị thấp hơn và đặt gánh nặng làm công việc nhà không lương lên vai người phụ nữ, nhưng vẫn mong muốn họ tham gia sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và nền kinh tế thị trường.

Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2007 đã thể hiện rõ quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nam và nữ, đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta về bình đẳng giới. So với nhiều nước có cùng trình độ phát triển, hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới được thế giới đánh giá là tiến bộ và đạt hiệu quả lớn của chính sách xã hội, trong đó có chính sách xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 đã đề cập đến đối tượng của Chương trình là người nghèo, hộ nghèo (theo chuẩn nghèo hiện hành) và đặc biệt ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số. Điều này đã chứng tỏ có sự quan tâm của Nhà nước đến vấn đề giới trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Phụ nữ nông thôn tại Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những người nghèo nhất

Theo báo cáo năm 2016 của Tổng cục Thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 16,3% GDP của Việt Nam, nhưng có tới 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi 63,4% phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp, so với 57,5% của nam giới.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam nhận xét, rõ ràng là phụ nữ nông thôn đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Không có phụ nữ và trẻ em gái nông thôn, các cộng đồng nông thôn sẽ không thể hoạt động tốt.

Tuy nhiên, theo bà Elisa Fernandez Saenz mặc cho những nỗ lực to lớn của Chính phủ, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, phụ nữ nông thôn tại Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những người nghèo nhất, thiếu sự tiếp cận đến các hỗ trợ, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thiết yếu khác. Đồng thời, họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Là một trong những chương trình lớn nhất của cả nước, trong 10 năm qua, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới đã thay đổi cảnh quan, cải tạo cơ sở hạ tầng và kinh tế nông thôn. Với tác động sâu rộng đến các cộng đồng nông thôn, chương trình ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của phụ nữ và nam giới tại khu vực nông thôn và vấn đề bình đẳng giới ở khu vực nông thôn.

Năm 2019, UN Women phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) thực hiện một nghiên cứu đánh giá việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới (MTQG NTM ) trong 10 năm qua dưới góc độ giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng bình đẳng giới được đưa vào Chương trình MTQG NTM theo Quyết định 1980/2016 như một tiêu chí “chuyên đề hẹp”. Điều này thể hiện cách tiếp cận “từng phần” thay vì nên được coi như một vấn đề mang tính xuyên suốt. Kết quả là, vấn đề giới đã không được cân nhắc trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn lại, chẳng hạn như nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, tiếp cận các dịch vụ công (giáo dục và y tế) hoặc bảo vệ môi trường. Đáng chú ý là cách tiếp cận này không phù hợp với Luật Bình đẳng giới (cụ thể, Điều 12 đến Điều 18 giải quyết vấn đề bình đẳng giới như một nội dung mang tính xuyên suốt).

Bên cạnh đó, theo bà Elisa Fernandez Saenz, hiện vẫn thiếu ngân sách đáp ứng giới trong Chương trình MTQG NTM cũng như năng lực phù hợp cho công tác lồng ghép giới trong Chương trình MTQG NTM; vẫn còn hạn chế trong cách tiếp cận nâng cao năng lực. Bình đẳng giới không phải là một vấn đề được quan tâm trong cơ cấu và nguồn nhân lực tổng thể của bộ máy quản lý công tác xây dựng NTM.

Đại diện UN Women cũng chỉ ra rằng, còn tồn tại dai dẳng các định kiến giới về vai trò của phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ. Thiếu cơ chế để Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia vào công tác xây dựng, thực hiện và giám sát Chương trình MTQG NTM. Công tác điều phối giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ VHTT&DL, cũng như các cơ quan chính phủ khác trong thực hiện bình đẳng giới còn hạn chế. Thiếu cơ chế giám sát có trách nhiệm giới trong Chương trình MTQG NTM.

Nâng cao vai trò của Hội LHPNVN

Như đại diện Un Women đã nói ở trên, mặc dù còn tồn tại những định kiến giới, thực tế những năm qua, các cấp Hội LHPNVN đã có những đóng góp quan trọng trong hỗ trợ giảm nghèo cho phụ nữ.

Để góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội LHPNVN đã phát huy vai trò kết nối, khai thác nguồn lực, có nhiều sáng tạo giúp hội viên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Báo cáo kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đến cuối tháng 1/2020 cho thấy, riêng hoạt động cho vay ủy thác, Hội LHPNVN có trên 2,5 triệu thành viên tham gia, với số dư hơn 80.435 tỷ đồng, đứng đầu cả về số thành viên và dư nợ trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay của Ngân hàng CSXH. Điều đó cho thấy, chị em đã có nguồn tích lũy phục vụ nhu cầu tài chính gia đình cũng như tái đầu tư phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Huyền, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, Hà Nam là một trong những phụ nữ được Hội LHPNVN xã giới thiệu vay vốn từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội và giảm nghèo thành công. Trước đây, gia đình chị Huyền chủ yếu làm nông nghiệp, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhờ tham gia các cuộc tư vấn của Hội phụ nữ xã, chị Huyền biết đến nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội và nghĩ đến việc vay vốn để phát triển mô hình vườn-ao-chuồng. Khi làm ao thả cá, chị được cán bộ hội phụ nữ tư vấn, hướng dẫn về cách lập kế hoạch, chị được vay 50 triệu đồng, sau đó tăng lên 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Với số vốn vay được, chị Huyền mua thêm gà, vịt để chăn nuôi và trồng thêm chuối, ổi. Hiện tại, mô hình vườn-ao-chuồng với diện tích gần 4 ha đã mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng 1 năm cho gia đình chị. Hiện chị Huyền đã trả hết nợ, cuộc sống đã khấm khá hơn, xây nhà, cưới vợ cho hai con trai.

Hội Phụ nữ huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cũng có nhiều cách làm sáng tạo nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh doanh. Hội LHPN huyện đã tổ chức 22 buổi tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cho 3.000 người là cán bộ Hội chuyên trách cấp cơ sở, hội viên phụ nữ nòng cốt, doanh nghiệp nữ mới thành lập, thành viên hợp tác xã...

Hội cũng phối hợp với Ngân hàng tiết kiệm Đức tổ chức khóa tập huấn “ý nghĩa các con số của bạn”, “những trò chơi kinh doanh nhỏ cho phụ nữ” cho 30 học viên là chủ các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ để các chị định hướng, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với khả năng của mình; Phối hợp với Trường Đại học Sao Đỏ tổ chức lớp tập huấn kiến thức kỹ năng quản lý chợ, 3 lớp tập huấn kinh doanh quy mô hộ gia đình cho 350 học viên là các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện; Phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn “Hướng dẫn các hộ kinh doanh quản lý tài chính và thực hành tiết kiệm” cho 54 học viên là các hộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn huyện; Vận động khai thác nguồn lực tổ chức 6 lớp tập huấn hỗ trợ kiến thức về khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh cho phụ nữ.

Bên cạnh đó, phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức chương trình khởi nghiệp cho hàng trăm phụ nữ, cũng như hỗ trợ thành lập 4 hợp tác xã nuôi trồng nông thủy sản; 3 mô hình lúa thảo dược…

Tăng cường bình đẳng giới trong Chương trình nông thôn mới

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của quốc gia, đồng thời cũng là cơ hội để chị em khẳng định vị thế và thiên chức của mình.

Việc đưa bình đẳng giới vào một chuyên đề hẹp trong một chỉ tiêu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự hạn chế đáp ứng giới trong việc thực hiện Chương trình MTQG NTM các giai đoạn trước đây. Vì vậy, UN Women khuyến nghị, vấn đề giới cần phải được giải quyết như là một biến thể kinh tế - xã hội xuyên suốt trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình MTQG NTM.

Theo đó, bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dung của Chương trình MTQG NTM cũng như các tiêu chí xây dựng NTM, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan. Điều này có thể thực hiện bằng cách lồng ghép giới trong các hoạt động khác nhau của Chương trình MTQG đáp ứng với tiếng nói và nhu cầu của phụ nữ. Quá trình thực hiện Chương trình MTQG NTM sẽ trở nên nhạy cảm giới theo hướng cân nhắc sự khác biệt về nhu cầu của nam và nữ, khuôn mẫu giới, cũng như vai trò của họ trong công tác lập kế hoạch và triển khai các hoạt động của Chương trình MTQG NTM.

Nhật Thy - Giang Oanh

Top