Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông: Sẽ khám sức khỏe miễn phí cho người dân trong bán kính 500m

05/09/2019 6:16 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 5/9, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở ngành Thành phố và một số đơn vị liên quan để bàn về các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của vụ cháy gây ra với môi trường và sức khỏe người dân.

* Bộ TN&MT cảnh báo nguy cơ ô nhiễm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

* Vụ cháy công ty Rạng Đông ảnh hưởng chất lượng không khí trong tuần như thế nào?

* Cháy Công ty Rạng Đông: Phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ trong bán kính khoảng 500 m

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Thùy Linh

Đầu buổi làm việc, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP thông tin về kết quả khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Do sau khi lửa tắt, nhiệt độ trong kho hàng còn nóng và các khung sắt lỏng lẻo nên từ ngày 3/9, lực lượng công an mới tiến hành khám nghiệm hiện trường và kết thúc vào 11h30 trưa nay (5/9). Tuy nhiên, hiện chưa thể giải phóng được hiện trường khu vực nhà xưởng và kho hàng xảy ra cháy. Kết quả, đến nay không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản theo tính toán của công ty là 150 tỷ đồng; việc xác định thiệt hại nhà dân đang được trưng cầu định giá.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây cháy vẫn đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, điểm cháy được xác định tại khu vực kho tầng 3. Nhận định ban đầu là khu vực này có một bóng đèn compact bật 24/24h, có thể trong tối 28/8 đã chập cháy, rơi xuống khu vực bên dưới chứa hộp giấy đóng hàng là nguyên nhân gây ra hỏa hoản.

Đại diện Công ty Rạng Đông cho biết khu vực cháy khoảng 6.000m2, là khu vực sản xuất các sản xuất sản phẩm truyền thống, hiện người tiêu dùng đã bắt đầu không sử dụng như đèn tròn, đèn huỳnh quang, đèn compact. Đèn led Công ty sản xuất ở khu vực khác.

Hóa chất sử dụng trong sản phẩm đèn tròn, đèn huỳnh quang, công ty đã thống kê lại. Vào sáng ngày 29/8, Công ty có báo cáo sơ bộ với Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. Cụ thể, theo sổ sách, sản phẩm đèn sợi đốt tròn khoảng 2 triệu sản phẩm; đèn compact: 1,6 triệu; đèn huỳnh quang khoảng 480 triệu. Về kho hóa chất nằm trong khu vực cháy, số lượng viên amalgan 4,5 triệu; thủy ngân lỏng 34,3 kg.

Ngày 4/9, Tổng cục Môi trường cùng cơ quan CSĐT mở niêm phong, kiểm kê toàn bộ, cho bê toàn bộ ra ngoài sân, hóa chất của Rạng Đông (chủ yếu có 2 loại thủy ngân lỏng và amalgan: 3 tủ bảo ôn (dưới 30 độ C) còn nguyên đai nguyên kiện, chưa bị hư hỏng. Tổng cục lập biên bản kiểm đếm số lượng. Bộ TN&MT và cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển vào kho mới để bảo quản.

Về các chất độc hại trong sản phẩm: Căn cứ theo số lượng sản phẩm hỏng trong khu vực đám cháy, bộ phận chuyên môn công ty nếu quy ra hàm lượng thủy ngân từ 15,1 - 15,6 kg. Các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học căn cứ vào các tài liệu sản xuất đèn huỳnh qunag trước đây thì quy ra lượng thủy ngân thất thoát là 27 kg. Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã thông tin là từ 15,1 - 27 kg.

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Sở TN&MT Thành phố, Chi cục Bảo vệ môi trường quận Thanh xuân, UBND quận, phường đã chỉ đạo Công ty khắc phục kịp thời. Thực hiện các yêu cầu mà Sở TN&MT đưa ra gồm 5 biện pháp khắc phục: Lắp đặt toàn bộ lưới mịn chắn rác để tránh thất thoát ra; xây khoanh toàn bộ khu vực cháy để chắn nước mặt thoát ra ngoài; che phủ toàn bộ khu vực chắn với nhà dân xung quanh công ty (ngày 4/9 đã hoàn thành); thuê công ty môi trường hút toàn bộ các phần trầm tích rác thải ở toàn bộ khu vực cháy của công ty; lắp toàn bộ hệ thống phun sương để tránh khi nhiệt độ ban ngày cao hạn chế toàn bộ hơi bốc lên - đang tiến hành lắp.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thùy Linh

Bên cạnh đó, Công ty đang làm việc với một số cơ quan môi trường mà Bộ TN&MT có gợi ý để sau khi cơ quan CSĐT xong, giải tỏa khu vực cháy thì công ty sẽ thu gom toàn bộ phần rác thải đóng và vận chuyển đến công ty môi trường có chức năng xử lý rác thải độc hại. Sau đó sẽ tiến hành xử lý trên mặt nền của công ty.

Tại cuộc họp cũng đã có sự tham dự của đại diện người dân. Bác Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, phường Thanh Xuân Trung cho biết, khi xảy ra cháy, lực lượng cảnh sát PCCC đã có mặt kịp thời; các đơn vị liên quan đến sơ tán người dân nhanh chóng (có khoảng 20 nhà liền kề sát công ty đã sơ tán ra ngoài). Sau khi vụ cháy khống chế được, hiện sức khỏe người dân vẫn bình thường. Đại diện hơn 300 hộ dân chỉ mong muốn nhanh có kết luận của bên khoa học để tránh hoang mang cho người dân về chỉ số chất hóa học từ nhà máy gây hại cho sức khỏe và môi trường.

Bí thư Chi bộ phường Hạ Đình cũng cho biết, qua sự cố này, hiện chưa có người dân nào bị nằm viện do ô nhiễm từ vụ cháy này, cuộc sống vẫn ổn định. Tuy nhiên, người dân mong muốn rằng, lãnh đạo các cấp, cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục, xác định nguyên nhân để thông tin cho người dân, bảo vệ sức khỏe cho người dân, tránh những luồng thông tin trái chiều gây hoang mang cho người dân.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, việc đánh giá hấp thụ thủy ngân trong môi trường không khí chỉ có trung tâm thực hiện. Trung tâm hiện có 10 thiết bị để thu được hơi thủy ngân. “Thiết bị quan trắc này phải đặt ở hiện trường 24 giờ mới thu đủ mẫu. Chúng tôi đã cố gắng nhanh nhất để có kết quả thông tin cho người dân”, ông Thức nói.

Thông tin thêm về lượng thủy ngân, ông Thức cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, lượng thủy ngân ở hiện trường ở mức khuyến cáo đề phòng rủi ro. “Người dân cũng hỏi chúng tôi nhiều về việc có phải di dời không? Tôi xin khẳng định là không phải di dời”.

Cần tiếp tục quan trắc môi trường, công khai minh bạch tới người dân

Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, có thể sơ bộ nhận định nguyên nhân cháy là do quá trình quản lý bảo quản nguyên vật liệu, sản phẩm trong nhà máy.

Trong quá trình khắc phục hậu quả vụ cháy, Thành phố đã mời các đơn vị chuyên môn quan trắc chất lượng không khí, ảnh hưởng đối với môi trường đất và nước. Đối chiếu với quy chuẩn, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo để hạn chế tác động, ảnh hưởng của vụ cháy; khuyến cáo các biện pháp khắc phục hậu quả để hạn chế tác động đối với môi trường, sức khỏe nhân dân... Chủ tịch UBND Thành phố cảm ơn chỉ đạo của Chính phủ; sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ngành đối với Thành phố để đưa ra khuyến cáo đối với người dân.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao CATP Hà Nội khẩn trương trưng cầu các cơ quan giám định, sớm kết luận nguyên nhân xảy ra vụ cháy; chỉ đạo Cơ quan điều tra thu thập tài liệu liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hóa chất, quy trình bảo quản, tiêu chuẩn sử dụng trong sản xuất; xác định chính xác số thủy ngân trong sản phẩm đã bị cháy để công bố công khai, minh bạch.

Ngoài ra, cần trưng cầu giám định chất lượng không khí; trưng cầu độc lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và đưa ra giải pháp khoa học làm căn cứ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý các vụ việc tương tự.

Đối với Sở TN&MT, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tiếp tục quan trắc không khí, chất lượng môi trường đất, nước mặt để xác định ô nhiễm, công khai minh bạch tới nhân dân và cơ quan thông tin đại chúng.

Để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân, Chủ tịch TP giao Sở Y tế, quận Thanh Xuân triển khai ngay việc ứng trực khám, kiểm tra sức khỏe miễn phí nếu người dân có nhu cầu (có thể đưa lên viện trên nếu cần) trong vòng bán kính 500 m vùng bị ảnh hưởng từ vụ cháy. UBND quận Thanh Xuân và 2 phường Thanh Xuân Trung và Hạ Đình tiếp tục tuyên truyền với nhân dân về việc Thành phố luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm trong việc xử lý vụ việc.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông cần cử đại diện thăm hỏi, động viên, cảm ơn chính quyền và nhân dân địa phương; huy động cán bộ chuyên môn cung cấp tư liệu cho Cơ quan điều tra để xác định rõ nguồn gốc, số lượng hóa chất đã nhập, quy trình bảo quản; khẩn trương thu gom rác sau cháy để xử lý; chịu trách nhiệm mời các cơ quan chuyên môn xử lý ô nhiễm trong khu vực nhà máy và xung quanh, có sự hỗ trợ của thành phố; có phương án di dời nhà xưởng ra khỏi địa bàn dân cư.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nêu rõ những vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa Bộ và Thành phố để làm sao hiệu quả nhất, không để mỗi nơi phát ngôn một kiểu gây hiểu lầm, phản cảm... Trước mắt, cần định hình lại, xây dựng các tiêu chuẩn và có thiết bị, máy móc phù hợp, có thông số chính xác để đưa ra khuyến cáo đúng đắn với người dân.

Thùy Linh

Top