Xây dựng vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

06/09/2017 5:32 PM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng đề án vị trí việc làm gắn với khung năng lực được coi là cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của TP. Hà Nội, đến nay Hà Nội đã cơ bản phê duyệt xong đề án vị trí việc làm của các đơn vị và được xác định là nhiệm vụ then chốt các đơn vị triển khai trong thời gian tới.

* Tinh gọn, hiệu quả trong tinh giản biên chế

Ảnh minh họa

Khắc phục việc bố trí cán bộ không phù hợp vị trí việc làm

Từ năm 2014, Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức tại các cơ quan, đơn vị của TP. Hà Nội. Đề án được xác định là nhằm xác định danh mục các vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị, góp phần tính toán định mức biên chế một cách khoa học; làm căn cứ để tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, nâng ngạch, bổ nhiệm, đánh giá, quy hoạch cán bộ, công chức. Qua việc thực hiện cũng phát hiện những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để kịp thời điều chỉnh; khắc phục tình trạng bố trí, sử dụng công chức không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm.

Thông qua việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xác định rõ hơn các nhóm công việc, khối lượng và mức độ phức tạp của các nhóm công việc trọng cơ quan, đơn vị; đối chiếu đội ngũ công chức hiện có với yêu cầu của khung năng lực để có kế hoạch sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cho phù hợp.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, Đề án xây dựng vị trí việc làm theo khung năng lực là cơ sở căn bản, quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình triển khai, các đơn vị của Thành phố tiếp tục điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, phù hợp với quá trình cải cách hành chính Hà Nội đang thực hiện.

Hà Nội cũng đi trước một bước bởi ngoài bản mô tả khung năng lực còn xác định được số biên chế, số lượng và cơ cấu ngạch công chức của từng vị trí việc làm trong giai đoạn 2017-2021. Điều này giúp cho việc tuyển dụng từng vị trí, từng chuyên ngành đều có các tiêu chí rõ ràng, giảm dần tình trạng làm trái ngành, trái nghề.

Qua quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội đã giảm được 59 phòng, ban chuyên môn; thu gọn, sáp nhập 130 đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở và 27 Ban quản lý dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm biên chế 330 trường hợp. Bên cạnh việc hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy hành chính của các sở, ngành, quận huyện, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp từ 70 BQL giảm xuống còn 41 đơn vị.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố cơ bản sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực và phù hợp với thực tiễn, sau sắp xếp đã giảm từ 229 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 58%). Thành phố đã rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã từ 630 đơn vị xuống giảm còn 376 đơn vị (giảm 254 đơn vị).

Việc thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả của TP. Hà Nội đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội vào tháng 4/2017. Phó Thủ tướng cũng cho biết những kết quả, cách làm của Hà Nội sẽ là những kinh nghiệm để nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện đề án về xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của cả nước.

Sắp xếp đúng chức năng, vị trí không trùng lặp

Đến nay, TP. Hà Nội đã cơ bản phê duyệt xong đề án vị trí việc làm của các đơn vị và được xác định là nhiệm vụ then chốt các đơn vị triển khai trong thời gian tới. Theo ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, việc sắp xếp cơ cấu lại các phòng ban ở các đơn vị là cần thiết để bảo đảm đúng chức năng, vị trí và không trùng lặp. Điều quan trọng là sau sắp xếp các phòng, ban chuyên môn thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở cho biết, Sở thực hiện sắp xếp lại các đơn vị theo quy tắc các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng nhau thì sắp xếp lại, đến nay đã giảm được 7 phòng, ban, đơn vị, giảm được 7 cấp trưởng phòng và 12 cấp phó phòng… Đề án vị trí việc làm gắn với khung năng lực tại Sở NN&PTNT được xây dựng trên tiêu chí phân loại rõ từng danh mục vị trí cụ thể.

Năm 2017 Sở NN&PTNT đã trình và được Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm, theo lộ trình đến năm 2021. Theo đó, trước khi sắp xếp, Sở có 32 phòng, ban; phương án sắp xếp sẽ giảm 14 đầu mối, còn 18 phòng, ban và các đơn vị thuộc Sở.

Còn tại Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội, theo ông Đào Thái Phúc, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hệ thống Kho bạc Nhà nước Thành phố đã xây dựng đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước”. Đề án sẽ được thực hiện từ ngày 1/10/2017, theo đó bộ máy theo mô hình mới giảm 1 phòng còn 10 phòng; Kho bạc Nhà nước tại quận, huyện, thị xã giảm 50 tổ, số lượng lãnh đạo cấp tổ giảm 71 người.

Việc xây dựng đề án vị trí việc làm gắn với khung năng lực của TP. Hà Nội được Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, đây có thể coi là cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn Hà Nội, để bảo đảm mỗi vị trí việc làm đều có khung năng lực cụ thể. Đây cũng chính là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng là tiêu chí tuyển chọn đội ngũ công chức, viên chức trong tình hình mới.

Bài 3: "Cởi trói" cho đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính

Gia Huy

Top