Chăn nuôi bò thịt: Hiệu quả kinh tế cao

03/09/2019 2:17 PM

(Chinhphu.vn) - Với nhiều điều kiện và lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc nhai lại- chủ yếu là bò thịt, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng được 40-45% lượng thịt bò cho người tiêu dùng Thủ đô.

* Hiệu quả cao từ phát triển đàn bò lai F1 BBB

* Hướng Hà Nội thành hạt nhân phát triển chăn nuôi bò của khu vực

* Gần 17 tỷ đồng cho phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

Theo Sở NN&PTNT, tuy là Thủ đô, song Hà Nội là một trong những tỉnh, thành có chăn nuôi phát triển đứng đầu cả nước. Nhưng hiện nay, chăn nuôi của thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ, còn lại phải nhập từ các tỉnh bạn và nhập khẩu.

Riêng với sản phẩm thịt bò, sản lượng sản xuất ra của thành phố là10 nghìn tấn/năm, đáp ứng gần 20% nhu cầu thịt bò và ước tính nhu cầu thịt bò sẽ tăng trong thời gian tới. Cộng với điều kiện tự nhiên đa dạng với 150 nghìn ha đất đồi gò, 125 nghìn ha đất bãi phù sa, đất ven sông, 35 nghìn ha đất đồng bằng… đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi nói chung, gia súc nhai lại nói riêng.

Từ thực trạng trên, Hà Nội đã định hướng phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng; truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng tỷ lệ sản xuất thịt bò, dự kiến đáp ứng 40-45% đến năm 2025.

Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai thành công nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đến nay, dự án đã lai tạo và sản xuất được gần 100 nghìn bê lai F1BBB, mang lại giá trị thu nhập tăng thêm cho các hộ chăn nuôi hàng trăm tỷ đồng. Dự án đã được nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, học tập.

Bên cạnh đó, chăn nuôi bò thịt của thành phố cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Hiện nay, Hà Nội đã quy hoạch được 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm, chiếm 10% tổng đàn bò thịt toàn thành phố. Các huyện có đàn bò nhiều là Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mê Linh… Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt trên 80%, tổng số bê sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo hàng năm khoảng 60 nghìn con. Cơ cấu giống đa dạng với nhiều giống bò chất lượng cao. Đồng thời, Thành phố đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý theo dõi bò cái sinh sản và sản xuất được tinh bò chất lượng cao BBB, Brahman, Angus… cung cấp tinh cho Hà Nội và các tỉnh. Tổ chức thành công cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm bò Wagyu tập trung tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Trước đó, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản triển khai trên địa bàn 5 xã miền núi của 3 huyện Ba Vì, Mỹ Đức và Thạch Thất cho 90 hộ nghèo. Việc triển khai mô hình đã giúp người dân thay đổi nhận thức chăn nuôi sang hướng nắm bắt được quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh, phát hiện thời điểm động dục, phát hiện thời điểm phối giống phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bò. Các hộ đã tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi cho 1 con bê lên 10-12 triệu đồng/con, đặc biệt những con bê cái tốt giữ để nâng quy mô chăn nuôi của hộ. Mô hình đã góp phần tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo ở những xã miền núi khó khăn, thay đổi cách tổ chức sản xuất với chi phí sản xuất thấp nhưng tạo ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững ở những hộ nghèo xã miền núi

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì tình hình chăn nuôi bò thịt của thành phố vẫn đang phải đương đầu với những khó khăn và thách thức do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tiếp cận, nhận thức rõ lợi ích của công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống. Chưa tạo được những vùng sản xuất giống gia súc tập trung công nghệ cao cũng như chưa xây dựng được thương hiệu giống của các vùng.

Vì vậy, thời gian tới, theo Sở NN&PTNT, Hà Nội cần phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất giống, nâng cao năng suất chất lượng giống; tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt năng suất chất lượng cao; lấy doanh nghiệp làm đầu tàu liên kết với hộ chăn nuôi, gia trang, trang trại, Hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết, khép kín, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc…

Thiện Tâm

Top