'Cởi trói' cho đơn vị sự nghiệp từ tự chủ tài chính

07/09/2017 3:19 PM

(Chinhphu.vn) - Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của ngành Y tế Thủ đô, đến nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tự chủ được 95% về vấn đề kinh phí thường xuyên. Từ đó bệnh viện đã có điều kiện để nâng cao chuyên môn, đẩy mạnh các kỹ thuật chuyên sâu và đầu tư mũi nhọn…; thu hút được lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị.

* Tinh gọn, hiệu quả trong tinh giản biên chế

* Xây dựng vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Minh Nhung

Sự cần thiết của tự chủ tài chính

Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua thành phố Hà Nội đã và đang tích cực triển khai Kế hoạch số 97/KH-UBND làm cơ sở phân loại các đơn vị tự chủ và đẩy mạnh cơ chế tự chủ kinh phí thường xuyên, xã hội hóa. Đầu năm 2017, UBND Thành phố đã giao tự chủ tài chính cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nhưng trên thực tế, theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thì bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính từ 5 năm trước đây.

Cụ thể, mỗi năm nhà nước chi 20 tỷ đồng cho cả một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành như Phụ sản Hà Nội, với số giường thực kê là 600 giường, thì con số này không đủ để thực hiện chi phí thường xuyên. Đồng thời cũng không đủ để chi trả lương cho cán bộ, công nhân, viên chức ở mức lương tối thiểu. Trong kế hoạch, nhà nước cho chi phí kê 300 giường nhưng thực tế, bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện nhiều lên đến 600 giường và số giường này so với nhu cầu của bệnh nhân vẫn còn thiếu. Như vậy có thể thấy, việc thực hiện tự chủ về tài chính là một việc cần phải làm và đến lúc phải làm.

Chưa nói đến việc tự chủ có nhiều thuận lợi cho cơ sở khi việc chi thường xuyên gắn kết với yêu cầu của cán bộ bệnh viện. Vì mặc dù cán bộ do nhà nước đào tạo nhưng việc các y, bác sĩ quyết định làm ở đâu là do họ quyết định. Nếu không có cơ chế tự chủ, không cải thiện được cho đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức mà chỉ để nhà nước trả lương thì cán bộ sẽ dễ phát sinh nhiều hệ lụy. Thứ nhất, nếu họ vẫn làm ở bệnh viện chưa muốn chuyển công tác thì các y, bác sĩ dễ lấy tiền bệnh nhân để cải thiện đời sống, do đồng lương không đủ để chi trả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Thứ hai, là các y, bác sĩ sẽ bỏ bệnh viện để đi làm tư nhân, như vậy các bệnh viện nhà nước sẽ mất hết nguồn lực, không còn những bác sĩ tay nghề cao trong bệnh viện nữa. Như vậy, bệnh viện cũng sẽ không thể trụ được và teo tóp dần đi.

Chính vì vậy, việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đã tạo ra quyền để bệnh viện tạo cơ chế chi cho cán bộ, công nhân, viên chức. Ngoài ra, bệnh viện còn xây dựng được các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ ổn định tiền lương, quỹ hoạt động công đoàn…

Sự khác biệt trước và sau khi thực hiện Nghị quyết 39

Tuy mới chỉ là “cởi trói” một phần nhỏ nhưng cơ chế tự chủ kinh phí thường xuyên đã tạo ra không khí “dễ thở” hơn rất nhiều cho các y, bác sĩ cũng như bệnh viện. Theo Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Duy Ánh, không chỉ đời sống cán bộ được nâng cao, tạo tâm lý làm việc chuyên tâm, nghiêm túc và có động lực phấn đấu, đồng thời còn tạo điều kiện để nâng cao chuyên môn, Bệnh viện có điều kiện đầu tư các kỹ thuật cao, máy móc chuyên sâu, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác khám và điều trị cũng như thu hút bệnh nhân.

So sánh trước đây khi chưa có Nghị quyết 39, thì một việc rất nhỏ và đơn giản như sửa một nắp bệt hay cánh cửa nhà vệ sinh nhưng nếu không nằm trong quy hoạch, kinh phí ban đầu thì bệnh viện vẫn phải để như vậy. Khi cơ sở xuống cấp trầm trọng thì bệnh nhân không muốn đến, đó là chưa kể đến điều kiện làm việc của các y, bác sĩ cũng sẽ gây ra tâm lý chán nản. Vì vậy những vấn đề chi thường xuyên nho nhỏ nên để cho bệnh viện tự lo, tự làm nhưng trên nguyên tắc tài chính. Không phải được quyền chi tự chủ thường xuyên về tài chính mà chi vượt mức cho phép. Chi tự chủ nhưng phải nằm trong quy định và thuận tiện rất nhiều cho Bệnh viện liên quan đến vấn đề sửa chữa cơ sở hạ tầng, phòng ốc…

Đặc biệt, khi Nghị quyết 39 được ban hành và áp dụng thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tạo thuận lợi hết sức về mặt tự chủ liên doanh liên kết với bên ngoài trên cơ sở quyền lợi gắn sát sườn với nhân viên y tế, lãnh đạo Bệnh viện và Bệnh viện. Đây được xem là điểm nổi bật nhất của Nghị quyết 39 khi cho phép đơn vị công và tư phối hợp với nhau để giúp cơ sở phát triển mạnh và tốt hơn.

Nếu triển khai liên doanh, liên kết được thuận lợi thì bệnh viện sẽ có điều kiện để hy vọng có những cơ sở cao cấp phục vụ được yêu cầu của người dân đến, khám chữa bệnh. Đây cũng được đánh giá là điểm thay đổi đặc biệt nhất của Bệnh viện Phụ sản từ trước và sau khi có Nghị quyết 39 được ban hành. Chính nhờ vậy, hiện nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang xin chủ trương sẽ “bắt tay” với một đơn vị tư nhân (đơn vị này xây bệnh viện ở tiêu chuẩn cao, trong đó có giường bệnh theo chuẩn quốc tế). Mục đích của sự kết hợp này là nhằm thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị ở trong nước, không cần phải tốn kém khi ra nước ngoài. Đồng thời, nhờ sự phối hợp này Bệnh viện sẽ đưa được bệnh nhân đến điều trị trong môi trường chuẩn quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh cho biết, Bệnh viện sẽ cử cán bộ đi học đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như áp dụng các kỹ thuật cao, tiên tiến vào quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân.

Trước đây 5 năm khi chưa có Nghị quyết 39, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã căn cứ vào vào tình trạng thực tế, đặc biệt nhờ có Nghị định 43 của Chính phủ cho phép làm dịch vụ ở trong bệnh viện công nên Bệnh viện đã thu hút được một lượng lớn bệnh nhân đến khám, điều trị và từ đó doanh thu của Bệnh viện cũng tăng lên đáng kể, Bệnh viện đã tự chủ thực hiện được 95% vấn đề tài chính.

Cụ thể, thời điểm khi chưa có dịch vụ, doanh thu của Bệnh viện khoảng hơn 100 tỷ một năm. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ, nhân viên cũng ít và bệnh nhân đến khám, chữa bệnh không làm được các dịch vụ khác nhưng hiện nay Bệnh viện Phụ sản đã làm được rất nhiều dịch vụ về sản phụ khoa nên doanh thu tăng lên khá nhiều . Tính từ 2005, Bệnh viện thu tầm khoảng 200 tỷ nhưng đến năm 2017, Bệnh viện dự kiến doanh thu khoảng 800 tỷ.

Ngoài ra lượng bệnh nhân cũng tăng nhiều hơn so với thời gian trước, số ca đẻ có thể giảm đi so với nhiều năm (năm 2012 có 50 nghìn ca đẻ, từ 2013 trở đi chỉ còn khoảng 40 nghìn ca). Con số này giảm là do hiện có nhiều bệnh viện tư cũng mở dịch vụ đẻ và các bệnh viện tuyến quận, huyện cũng làm tốt hơn. Nhưng những dịch vụ cao số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị  tại Bệnh viện tăng lên hàng chục lần so với trước đây.

Bệnh nhi sinh non được điều trị trong lồng kính với các thiết bị hỗ trợ hiện đại. Ảnh: Minh Nhung

Tập trung vào nguồn lực để phát triển bền vững

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng hiện Bệnh viện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị quyết 39. Vì ngoài vấn đề tự chủ kinh phí thường xuyên-đây chỉ là vấn đề nhỏ, thì Nghị quyết cần phải nới rộng thêm một chút để cho cơ sở được giao quyền, giao trách nhiệm và có sự giám sát của UBND Thành phố. Đơn cử như việc mua sắm trang thết bị để nâng cao cơ sở vật chất, mặc dù đã có cơ chế tự chủ chi thường xuyên nhưng thủ tục còn rườm rà. Hay việc tổ chức cán bộ, điều hành nhân sự cũng rất phức tạp. Việc giao cho cơ sở chủ động tuyển dụng, sa thải cán bộ không có chuyên môn, trình độ sẽ giúp cho các, y bác sĩ nâng cao tay nghề, có thái độ làm việc nghiêm túc… từ đó sẽ thu hút được lượng lớn bệnh nhân đến viện khám và điều trị. Tuy vậy, nội dung Nghị quyết 39 đưa ra đã là một bước ngoặt rất lớn, tạo sự thay đổi rõ nét cho các đơn vị sự nghiệp trước đây.

Do Bệnh viện xác định đây là một cơ sở khoa học, cơ sở chuyên môn khám, chữa bệnh cho người dân nên trong thời gian tới, định hướng phát triển của bệnh viện là tập trung vào nguồn lực cán bộ là cơ bản nhất. Vì chỉ khi bảo đảm được chuyên môn vững vàng, có tay nghề cao cũng như áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến thì bệnh viện mới thu hút được bệnh nhân đến và điều trị. Đồng thời Bệnh viện phải có định hướng về tài chính kế toán, phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, số kinh phí còn dư dùng để quay lại tái đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, Bệnh viện sẽ hướng tới điều trị bệnh cho bệnh nhi từ ngay trong bụng mẹ, nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2018 Bệnh viện sẽ triển khai ca bệnh đầu tiên.

* Bài cuối: Giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả công việc

Tú Mai-Minh Hương

 

Top