Giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả công việc

08/09/2017 2:19 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Nắm được tinh thần đó, thời gian qua, Hà Nội đã có sự nỗ lực rất nhiều và được đánh giá là địa phương đi đầu trong thực hiện công tác này.

* Tinh gọn, hiệu quả trong tinh giản biên chế

* Xây dựng vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

* "Cởi trói" cho đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính

Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 39) với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cao và triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, ngành. Mục tiêu xuyên suốt là đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế so với hiện nay, đồng thời giúp tiết kiệm chi thường xuyên cho Thành phố.

Qua quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 39, Hà Nội đã giảm được 59 phòng, ban chuyên môn; thu gọn, sáp nhập 130 đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở và 27 Ban Quản lý dự án (Ban QLDA). Trong 6 tháng đầu năm 2017, giảm biên chế 330 trường hợp.

Riêng các Ban Quản lý dự án thuộc Thành phố, cũng giảm từ 24 Ban QLDA xuống còn 5 Ban sau khi được sắp xếp, hợp nhất. Theo đánh giá của Đoàn khảo sát (Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội), đây là những con số rất đáng ghi nhận cho nỗ lực của Thành phố trong kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Bởi chỉ riêng việc sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án của Thành phố, đã giảm được 73/108 phòng, 177/308 trưởng phó đơn vị, phòng (tương đương 57,5%), giảm 7/23 trụ sở làm việc.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, sau khi sáp nhập, tính đến nay đã được 8 tháng, bộ máy của Ban đã giảm đi nhiều đầu mối, nhiều chức danh lãnh đạo. Việc sắp xếp cơ cấu lại các phòng ban ở các đơn vị là cần thiết để bảo đảm đúng chức năng, vị trí và không trùng lặp.

Ban QLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Hà Nội được sáp nhập từ 7 đơn vị với tổng số cán bộ, viên chức, người lao động là 452 người (trong đó số biên chế đã được giao đến năm 2017 là 424 người); số phòng chuyên môn, nghiệp vụ là 48 phòng; số lãnh đạo là Giám đốc, các Phó Giám đốc các Ban Quản lý dự án cũ là 29 người; số lãnh đạo cấp trưởng, phó trưởng phòng các Ban cũ là 109 người.

Ban đã thực hiện việc tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 39, đến nay, tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của Ban là 401 người (giảm 51 người). Ban Giám đốc có 7 người gồm Giám đốc và 6 Phó Giám đốc (giảm được 22 người); 8 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (giảm 40 phòng); lãnh đạo, quản lý cấp phòng là 33 người gồm 8 trưởng phòng, phó trưởng phòng phụ trách và 25 phó trưởng phòng (giảm 76 người).

Qua thực tế triển khai, có thể thấy rằng Ban QLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Hà Nội đã tập trung vào công tác sắp xếp, sáp nhập các phòng, ban, đã từng bước gắn kết việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Một đầu mối-một việc xuyên suốt”

Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, để bảo đảm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ được đồng bộ, thuận lợi và hiệu quả, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ban đã thành lập các tổ và giao nhiệm vụ các tổ trưởng, tổ phó thuộc các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, Ban đã thực hiện kiện toàn lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ban. Giám đốc Ban đã ban hành các Quyết định: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng trực thuộc Ban; Quy chế làm việc của Ban bảo đảm nguyên tắc “Một đầu mối-một việc xuyên suốt”; thực hiện phương châm 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.

“Sau khi các ban được hợp nhất, góp phần giảm được đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho người lãnh đạo nắm bắt, quản lý bao quát được toàn bộ đối tượng”, ông Tuấn đánh giá.

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc sau khi sáp nhập, ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết, Ban đã tiếp nhận nguyên trạng các trụ sở làm việc của 7 đơn vị hợp nhất về Ban trong tháng 4/2017 tại 9 địa điểm. Các trụ sở được tiếp nhận ở nhiều địa điểm trong Thành phố, diện tích các trụ sở nhỏ không đủ để sắp xếp, bố trí chỗ làm việc cho số cán bộ, viên chức của Ban được tiếp nhận về.

Mặt khác các trụ sở này nằm cách xa nhau và một số trụ sở đang phải đi thuê hoặc bố trí xen kẹt với các cơ quan khác nên rất khó khăn cho Ban trong việc sắp xếp, bố trí nơi làm việc và quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của Ban.

Ngoài ra, các tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc của 7 đơn vị hợp nhất chuyển về đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp, hư hỏng nhiều nên cũng rất khó khăn cho Ban trong quá trình quản lý khai thác, sử dụng phục vụ hoạt động của Ban.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Ban sớm ổn định trụ sở làm việc, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ Thành phố giao, Ban đề nghị Thành phố xem xét bố trí vốn cho dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của Ban để Ban đẩy nhanh công tác cải tạo trụ sở ổn định nơi làm việc của Ban trong năm 2017 mà đã được Thành phố phê duyệt...

Thùy Linh-Minh Hương

Top