4 quận, huyện phát hiện có dịch tả lợn châu Phi

07/03/2019 2:05 PM

(Chinhphu.vn)-Tính đến ngày 7/3, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại huyện Gia Lâm (với 29 con lợn mắc bệnh), nâng tổng số lên 4 quận/huyện có mắc dịch. Vì vậy, Hà Nội đã tăng cường nhiều biện pháp để xử lý vùng dịch và ngăn chặn dịch lây lan sang các quận/huyện khác.

* Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

* Thực hiện 5 “không” để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Đối phó nhanh, mạnh sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tả lợn

* Thành lập 5 tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Ngăn chặn hành vi buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm dịch

* Hà Nội: Tăng cường chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ

* Triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Diễn tập phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Phun tiêu động khử trùng để khoanh vùng, tránh dịch bệnh lây lan - Ảnh: Thiện Tâm

Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, chiều tối ngày 5/3 trên địa bàn thành phố phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ bà Trương Thị Vân ở khu 6, Thụy Lâm, Đông Anh, có tổng đàn 10 con lợn, ốm 8 con và chết 1 con. Theo đó huyện đã xử lý tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 10 con bằng biện pháp chôn.

Trong ngày 6/3 đã phát sinh ổ dịch tả lợn tại hộ ông Nguyễn Văn Chung ở số 6, ngõ 203, tổ 36 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Với tổng đàn hộ có dịch 45 con lợn và chết 4 con. Quận đã tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 45 con bằng biện pháp chôn. Qua xác minh, nguyên nhân chính đàn lợn mắc bệnh có thể do việc sử dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, bếp ăn tập thể, khi sử dụng không được nấu chín.

Đối vối ổ dịch tại hộ chăn nuôi ông Nguyễn Thái Sơn ở tổ 17, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên vẫn được thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và đến nay đã qua 9 ngày không có phát sinh thêm hộ nào.

Trong ngày hôm nay, (7/3), Hà Nội đã xuất hiện thêm một ổ dịch mới tại huyện Gia Lâm với 29 con bị nhiễm. Nâng tổng số lợn toàn thành phố bị nhiễm bệnh lên hơn 100 con.

Các ổ dịch đều được phát hiện và báo cáo xử lý kịp thời. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với với các ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo chính quyền địa phương tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn chết theo quy định. Đồng thời triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như: Rà soát, thống kê, ký cam kết; lập chốt kiểm dịch kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch; tuyên truyền, hướng dẫn; lấy mẫu giám sát tại các hộ chăn nuôi lợn xung quanh; khử trùng tiêu độc tại hộ, tổ dân phố, xã, phường theo quy định.

Trước đó, chiều ngày 28/2, Đoàn Kiểm tra của Bộ NN&PTNT (do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn) đã kiểm tra thực địa tại quận Long Biên. Qua kiểm tra, Đoàn công tác đã ghi nhận, đánh giá cao công tác chủ động, áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại địa phương.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do thành phố giáp với 8 tỉnh, thành có nhiều tuyến đường giao thông (nhiều đường ngang ngõ tắt, cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy) nên việc quản lý vận chuyển động vật và sản phẩm động vật chung và từ lợn là vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có tổng đàn lợn lớn khoảng 2 triệu con, trong đó nuôi nhỏ lẻ, trong dân vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%). Cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì) bình quân giết mổ 1.800 - 2.000 con/ngày, một số cơ sở giết mổ (tại Chương Mỹ, Mê Linh) hàng ngày giết mổ từ 100 đến 500 con, số lợn trên khoảng trên 60 % nhập từ các tỉnh, thành về.

Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (giết mổ 3- 5 con/ngày) thường không chấp hành việc khai báo kiểm dịch, việc quản lý của các địa phương rất khó khăn, khó kiểm soát. Số lợn này thường vận chuyển bằng xe máy, xe thô sơ (thường vào đêm) có thể từ vùng này qua vùng kia, kể cả từ nơi đang có dịch về Hà Nội.

Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân Thủ đô rất lớn, ước tính từ 800-1.000 tấn/ ngày, thành phố mới tự cung cấp được 60% nhu cầu tiêu dùng còn lại phải nhập từ các tỉnh và nước ngoài, trong đó có cả sản phẩm động vật chưa đủ xử lý nhiệt như zambon, thịt hun khói … cũng là nguồn gốc dễ lây nhiễm bệnh.

Mặt khác, giá thịt lợn trong những ngày qua có nhiều biến động khó lường nhất là khi có nhiều thông tin về dịch bệnh tâm lý người dân ảnh hưởng có tư tưởng bán nhanh, bán chạy để thu hồi vốn, dẫn đến giá lợn sụt giảm.

Quyết liệt bằng nhiều biện pháp

Vì vậy, để phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trước mắt Hà Nội cần tập trung một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục phát động đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn Thành phố; tiến hành triển khai 5 Tổ công tác liên ngành (theo Quyết định 1005/QĐ-UBND ngày 1/3/2019); đi kiểm tra tất cả các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời thành lập tổ kiểm dịch lưu động để kiểm tra dịch bệnh tại các vùng giáp ranh với các tỉnh, thành có dịch.

Triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng. Thực hiện việc ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động. Tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi đến các doanh nghiệp, trang trại, gia trại quy mô lớn trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục hướng dẫn các tổ chức cá nhân xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đảm bảo tiêu thụ sản phẩm từ lợn được bình thường.

Thiện Tâm

Top