Ấm áp mùi hương Quảng Phú Cầu

23/01/2020 6:06 PM

(Chinhphu.vn) - Về làng hương truyền thống Xà Cầu, khắp không gian lan tỏa một mùi hương ấm áp, thanh khiết và mang đậm nét trầm mặc cội nguồn… nhất là trong những ngày giá lạnh cuối năm, khiến lòng người càng da diết nhớ Tết quê hương!

Hương cần được phơi dưới nắng để làm khô và tạo mùi thơm. Ảnh: Thiện Tâm

Làng Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa những ngày này khắp nơi đều tất bật, vội vã để làm hương kịp phục vụ Tết Nguyên đán… Đặc trưng và nổi tiếng với nghề làm hương đen nên Hương Xà Cầu nổi bật và khác biệt so với hương của vùng khác bởi hai màu đen và đỏ.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc HTX Hương cho biết, theo sử sách của chính quyền địa phương và các cụ truyền lại, làng nghề hương Xà Cầu có từ hàng nghìn năm. Sau này chính quyền địa phương và dân làng đã khôi phục lại nghề truyền thống và năm 2013 chính thức được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp bằng làng nghề.

Về với quê hương Xà Cầu, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê đang trong thời kỳ phát triển, những  ngôi nhà cấp 4, nhà tranh năm xưa đã được thay thế bằng biệt thự, nhà cao tầng san sát, một bức tranh về một miền quê trù phú đã thành hiện thực. Ngoài thời vụ đồng áng người dân làng Xà Cầu lại hăng say với nghề làm hương đen truyền thống và thu mua tái chế phế liệu, nhiều cơ sở sản xuất mọc lên, người dân thi đua lao động sản xuất chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tục truyền rằng, làng “Xà Cầu Trại” xưa kia có lập một miếu thờ 3 chị em nữ tướng Chiêu Nương là những tướng của Hai Bà Trưng. Sau khi đánh đuổi quân Mã Viện đã lánh ngự về làng Xà Cầu. Trong thời gian ở cùng với dân làng, đã được dân làng bao bọc, che chở, ba chị em bà đã vận động dân làng lao động sản xuất, tích cóp lương thực, rèn vũ khí… Đặc biệt đã truyền cho dân làng cách làm que hương đen, được làm từ nhựa của cây trám rừng cùng với các chất liệu thảo mộc thiên nhiên, tăm hương được làm từ thân cây tre non. Thân cây tre non được chặt thành từng đoạn, vót tròn, phơi khô, bột hương được nghiền nhỏ mịn trộn cùng với nhựa cây trám rừng rồi se, lăn bằng tay với que tre để được que hương đen. Hương đen được các gia đình dùng trong ngày giỗ ông bà tổ tiên, ngày tết, ngày lễ…; dùng thắp ở những nơi thờ cúng linh thiêng như: Đình, chùa, miếu mạo trong làng, cũng như khắp mọi nơi trong đất nước Việt thuở đó. Sau khi ba chị em bà mất đi, dân làng đã tôn danh là “Thành Hoàng Làng của làng Xà Cầu ” và lập đền thờ nay gọi là “Miếu Làng Cả đền thờ tam vị đại vương”.

Nét đặc sắc của Hương đen Xà Cầu được làm từ than đen và nhựa trám. Đặc trưng có màu đen và mùi thơm từ nhựa trám rừng nên khác hẳn các mùi hương khác như: Hương trầm, hương quế, hương bài… Đây là hương thơm hoàn toàn tự nhiên với mùi thơm mát dịu, khác với hương của các tỉnh, thành như Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa…

Có nhiều dạng hương nén, hương nụ, hương vòng. Đặc biệt hương vòng ở các nơi khác đều có màu vàng, riêng hương vòng của Xà Cầu mới có màu đen. Nguyên liệu để làm hương đen đều được nhập từ nhựa trám trên rừng, than hoa lấy từ cây rừng thảo mộc, sau đó được đem đi để làm hương…

Vì hương được dùng để thắp tưởng nhớ tổ tiên, Phật Thánh... mang đậm màu sắc tâm linh trong đời sống nên theo anh Thi, công đoạn làm hương phải rất cẩn thận, sạch sẽ từ nguyên liệu đến khâu sơ chế, đóng gói. Để làm được một nén hương mất rất nhiều công đoạn. Trước hết là chẻ vầu hoặc tre, rồi vót tăm đến nhuộm chân hương, khâu làm thân hương, phơi khô và đóng gói. Nhựa trám sau khi được làm sạch sẽ đem trộn với than thảo mộc, khi thành hỗn hợp kết dính, dẻo mịn sẽ se với tăm hương. Sau đó hương được mang phơi 1-2 ngày để làm khô và hòa quyện với mùi nắng, tạo nên hương thơm thuần khiết, tự nhiên của đất trời.

Hương Xà Cầu nổi tiếng với hương thơm thanh mát và màu đen đặc trưng. Ảnh: Thiện Tâm

 

Hương Xà Cầu nổi tiếng với hương thơm thanh mát và màu đen đặc trưng.

Phát triển thành thương hiệu OCOP

Trước đây, xã Quảng Phú Cầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa nghề tăm hương phát triển thành thương hiệu bền vững. Đứng trước thực trạng này, anh Nguyễn Tiến Thi cho biết, từ ý tưởng cá nhân muốn gìn giữ, phát huy truyền thống làng nghề đồng thời là nét đẹp văn hóa của địa phương có từ hàng nghìn năm để lại. Vì vậy để có thể phát triển bền vững và lâu dài cần phải xây dựng thương hiệu Hương đen của vùng. Theo đó, năm 2016 anh Thi đã cùng với các thành viên góp vốn vào xây dựng HTX và đến năm 2017 chính thức thành lập với 12 thành viên, được cục Sở hữu trí tuệ công nhận sản phẩm độc quyền, các tiêu chuẩn quy định cho một sản phẩm hàng hóa để có thể truy xuất nguồn gốc, lai lịch rõ ràng; đăng ký số mã vạch trước khi đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích…,

Thị trường tiêu thụ của Hương đen chủ yếu các tỉnh miền Bắc Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang…

Theo anh Thi, kể từ khi thành lập HTX, sản lượng và doanh thu mỗi một năm đều tăng cao hơn so với năm cũ từ 10-12%. Doanh thu bình quân một năm khoảng 1,5 tỷ đồng, với sản lượng khoảng hơn 12 tấn hương. Lương chi trả cho mỗi thành viên từ 5-8 triệu/tháng. Điều này cho thấy hiệu quả thiết thực từ việc xây dựng thương hiệu Hương đen so với hoạt động rải rác, lẻ tẻ ở trong dân và cho nguồn thu nhập ổn định cũng như mở rộng thị trường.

Trước kia, Hương đen Quảng Phú Cầu chủ yếu được làm thủ công bằng tay, nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, việc làm hương đã được áp dụng bằng máy móc vào nhiều công đoạn. Nhất là công đoạn se hương hiện nay đều được sử dụng máy móc hiện đại, nên sản phẩm làm ra bóng đẹp, thu hút người tiêu dùng nhiều hơn. Một người thợ trong làng trung bình một ngày có thể làm được từ 15-20 kg hương, cho thu nhập khoảng 2-3 triệu một tháng tranh thủ làm những lúc nhàn rỗi.

Sản phẩm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu hiện nay không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn có mặt ở nhiều thị trường khác trong và ngoài nước.

Trải qua hàng nghìn năm lưu truyền que hương đen được người dân làng Xà Cầu kế thừa và bảo tồn cho đến ngày nay, nghề làm hương đen đã trở thành nghề truyền thống của làng Xà Cầu, tạo công ăn việc làm cho người dân sau thời vụ, lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho mọi gia đình.

Trong những ngày giáp Tết và đầu Xuân, lượng tiêu thụ hương thường nhiều hơn do nhu cầu dịp Tết và mùa lễ hội tăng cao. Đặc biệt, mới đây, huyện Ứng Hòa đã lựa chọn Hương đen Thủy Xuân Tiên là sản phẩm để làm sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện. Đây chính là cơ hội để Hương đen Quảng Phú Cầu được quảng bá, mở rộng và lan tỏa hương thơm đến khắp mọi miền Tổ quốc.

Thiện Tâm

Top