Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản phẩm làng nghề

07/09/2016 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển được thế mạnh của các làng nghề, TP. Hà Nội đang đặt ra nhiệm vụ áp dung khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, có giá trị kinh tế cao như: Gốm sứ, đồ gỗ, mây tre đan, sơn mài, khảm trai, dệt lụa... đồng thời, gắn kết mạnh mẽ sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nghề làng nghề chiếm 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ảnh: Gia Huy

Đổi mới nhờ áp dụng thiết bị công nghệ

1.350 làng nghề và có nghề của Hà Nội hiện đang thu hút khoảng trên 700 nghìn lao động. Ngoài lao động sẵn có, các làng nghề còn thu hút hàng nghìn lao động nơi khác đến làm việc như làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng dệt kim La Phù (Hoài Đức), khảm trai xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên)... Các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho các lao động dôi dư trong quá trình đô thị hoá, từ đó đã phân công lại lực lượng lao động ở nông thôn.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ, tại một số làng nghề đã thay thế lò than bằng lò gas, bình nghiền trong sản xuất gốm sứ ở xã Bát Tràng; sử dụng máy móc chuyên dụng trong may da ở xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Phú Yên (Phú Xuyên); sử dụng thiết bị cơ khí tương đối hiện đại, tiên tiến tại các làng nghề Liên Hà, Vân Hà (Đông Anh), Liên Trung (Đan Phượng), Rùa Thượng, Rùa Hạ (Thanh Oai), Phùng Xá (Thạch Thất)…

Hiện nay, làng nghề may Cổ Nhuế đã trang bị sử dụng 80% thiết bị, máy móc hiện đại; làng dệt len Ỷ La, La Dương, La Nội, La Phù đầu tư đổi mới nhiều máy dệt len với công nghệ lập trình vi tính, dây chuyền sản xuất tự động giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn và tăng thu nhập

Ngoài ra, các làng nghề đã áp dụng công nghệ sấy nguyên liệu và tận dụng nguồn phế thải, như tại làng nghề làm tăm Quảng Nguyên (Ứng Hòa); áp dụng công nghệ ép viên nén năng lượng và tạo cốt tại làng nghề sơn mài xã Duyên Thái (Thường Tín); áp dụng mô hình làm bánh đa nem sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại xã Bích Hòa (Thanh Oai), An Thượng (Hoài Đức)… Hầu hết các doanh nghiệp trong các làng nghề đã sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu, kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm.

Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề đạt gần 14.000 tỷ đồng. Những làng nghề tiêu biểu có giá trị sản xuất hàng năm cao là làng nghề dệt kim La Phù (Hoài Đức) đạt 810 tỷ đồng/năm; làng nghề dệt, nhuộm thôn Ỷ La (Hà Đông) đạt trên 416 tỷ đồng/năm; làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) đạt 350 tỷ đồng/năm; nghề mộc xã Chàng Sơn (Thạch Thất) đạt 282 tỷ đồng/năm; làng nghề mộc xã Vạn Điểm (Thường Tín) đạt 240 tỷ đồng/năm…

Thu nhập bình quân của người lao động ở làng nghề đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của lao động làng nghề không đồng đều. Một số huyện có làng có nghề thu nhập bình quân cao hơn các làng nghề khác là Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông... đạt từ 50 - 60 triệu đồng/người/năm. Một số huyện đạt dưới 30 triệu đồng/người/năm như Ba Vì Mỹ Đức, Sóc Sơn...

Cần đẩy mạnh đào tạo, truyền nghề

Trong tổng số 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội có 47 nghề trong tổng số 52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, bao gồm: Sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lua, gốm sứ, dát vàng bạc quỳ, chế biến thuốc nam, mây tre đan, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, điêu khắc gỗ, mộc nội thất, dệt lưới, sản xuất hương thắp...

Tuy nhiên, Hà Nội đang phải đối mặt với thực trạng nhiều nghề, làng nghề đang dần bị mai một, do các nghệ nhân có xu hướng bỏ nghề, lao động trẻ chưa thiết tha gắn bó với nghề; nguyên liệu đầu vào cho sản xuất còn thiếu... Nguyên nhân khác là thiếu sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong mở mang, truyền nghề. Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn chậm, đội ngũ thợ thủ công đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề cao còn ít.

Trước thực trạng nhiều làng nghề có sức cạnh tranh chưa cao, tại buổi gặp mặt với các nghệ nhân do TP. Hà Nội tổ chức, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm, nghệ nhân chạm bạc, đồng với thâm niên 50 năm trong nghề đã đề xuất thành phố cần có chính sách phát triển lâu dài qua việc đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, quan tâm thiết bị công nghệ chế tác sản phẩm; cho phép tổ chức các cuộc thi tay nghề kết hợp quảng bá nghề thủ công truyền thống; xây dựng tại các làng nghề trung tâm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giới thiệu công nghệ sản xuất của từng ngành nghề.

Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, nghề gốm sứ Bát Tràng nêu ý kiến, Bát Tràng cần có trung tâm đào tạo nghề để chủ động cung cấp lao động cho làng nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung, làng nghề đan mây tre đan Phú Vinh đề nghị thành phố quan tâm mở lớp sáng tác mẫu; tăng cường chuyên gia tới giảng dạy; hỗ trợ đề tài ứng dụng công nghệ cho mây tre; tạo điều kiện liên kết vùng đặc biệt vùng có nhiều nguyên liệu mây tre tự nhiên.

Nghệ nhân Nguyễn Mai Hạnh, người có thâm niên lâu năm trong sản xuất nghề hoa lụa cũng mong muốn góp phần bảo tồn nghề hoa lụa của Việt Nam bằng việc được tạo điều kiện không gian, địa điểm truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ.

Trong mục tiêu đặt ra, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nghề làng nghề chiếm 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; bảo tồn và khôi phục 21 làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một; Phát triển 10 làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề có mức độ ô nhiêm môi trường nghiêm trọng; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho từ 800 nghìn đến 1 triệu lao động nông thôn. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đạt 35 - 40 triệu đồng/người/năm.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng vẫn bảo tồn giả trị bản sắc văn hóa dân tộc. Thành phố sẽ đẩy mạnh liên kết với các Viện nghiên cứu, Trường đại học nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất.

Trong định hướng thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực, khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề có tiềm năng, thế mạnh; hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp du lịch bằng cách đầu tư trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, hiện nay, UBND thành phổ đang chỉ đạo tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế kiến trúc để tập trung triển khai công tác đầu tư, xây dựng Dự án đầu tư, bảo tồn phát triển Làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng Lụa Vạn Phúc ngay trong năm 2016.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đến các làng nghề để kết nối giữa các làng nghề và với các trung tâm bán buôn, bán lẻ. Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề đầu tư xử lý môi trường, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nước thải tập trung trong làng nghề.

Hệ thống các trường dạy nghề cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng, sắp xếp lại để thu hút lao động học nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, gắn chương trình giảng dạy với lao động thực tiễn tại doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn.

Gia Huy

Top