Bảo đảm ATTP từ chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi

17/12/2016 4:10 PM

(Chinhphu.vn) - Sau một năm triển khai Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đến nay dự án đã đạt được nhiều kết quả, trong đó có những chuỗi đạt hiệu quả cao như thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm Tiên Viên...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tú Mai

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 1 năm triển khai Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP; công bố nhãn hiệu chứng nhận; kỷ niệm 15 năm xây dựng và phát triển Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, diễn ra vào ngày 17/12.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, trong những năm qua ngành chăn nuôi của Hà Nội phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc, gia cầm luôn ở tốp đầu cả nước. Bên cạnh đó Hà Nội còn là thị trường tiêu thụ thực phẩm rất lớn của cả nước, nhất là nhu cầu về thực phẩm chất lượng... Chính từ nhu cầu và thực tiễn trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát được sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm ATTP,  truy xuất nguồn gốc, năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định triển khai Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi ATTP trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai Dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế trên địa bàn Hà Nội.

Sau một năm triển khai Dự án, tính đến tháng 12/2016, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành được chuỗi 21 liên kết chăn nuôi-tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 9 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp. Hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn; 0,35 tấn thịt bò; 13,3 tấn thịt gia cầm; 296 nghìn quả trứng gia cầm và khoảng 78 tấn sữa.

Việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ ràng trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi. Một số chuỗi đã hoàn thiện được hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, giúp tạo ra được các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm ATTP và truy xuất được nguồn gốc.

Ngoài ra đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sản phẩm an toàn-sản xuất theo chuỗi-truy xuất được nguồn gốc".

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu các doanh nghiệp đầu mối của chuỗi đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế đóng gói sản phẩm thành thành phẩm như thịt mát, thịt cấp đông có nhãn hiệu để cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, nhà máy chế biến thực phẩm. Ngoài ra, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào còn nhiều khó khăn, công tác giám sát còn hạn chế.

Theo đó trong thời gian tới các chuỗi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ thực hiện các tiêu chí về ATTP và có hợp đồng sản xuất theo chuỗi, có quy trình quản lý chuỗi, biểu mẫu ghi chép và lưu mẫu sản phẩm.

Bên cạnh đó, tất cả thông tin của các chuỗi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này đều được công bố công khai, minh bạch qua các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm ATTP. Mặt khác sẽ tác động tích cực đến công tác xây dựng chuỗi trên phạm vi toàn thành phố, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, dự báo thị trường... góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong 15 năm qua của Trung tâm phát triển chăn nuôi và đã góp phần quan trọng trong năm đầu tiên Thành phố triển khai Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP. Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thành phố cho rằng ngành chăn nuôi cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Đồng thời phát triển chăn nuôi theo quy hoạch gắn với công cuộc xây dựng Nông thôn mới; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó cần tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ, tập trung phát triển thương hiệu là thế mạnh của địa phương và liên kết thường xuyên với các tỉnh, thành phố từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để tạo nguồn cung và bình ổn giá.

Kết thúc Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao bằng khen của Bộ NN&PTNT cho 1 tập thể và 2 cá nhân; giấy khen của Sở NN&PTNT cho 7 tập thể và 12 cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp trong việc thực hiện Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP.

Tú Mai

Top