Bảo đảm cung cầu hàng hoá dịp Tết

20/12/2016 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 Trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 454 chợ và gần 1.000 điểm kinh doanh, cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống siêu thị và chuỗi phân phối trên địa bàn Thành phố.

 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương (đứng) thông tin về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Hòa An

Chiều 20/12, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo dự kiến của Sở, số lượng hàng hoá chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2017 (tính từ 15/12/2016-15/2/2017) gồm: hơn 176 nghìn tấn gạo, hơn 30 nghìn tấn thịt lợn, gần 13 nghìn tấn thịt gà, hơn 9 nghìn tấn thịt bò, 3 nghìn tấn mứt kẹo... Ước tính, tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hoá Tết năm 2016).

Chính vì vậy, Sở đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác hàng hoá của các doanh nghiệp HTX, hộ sản xuất... thuộc các quận, huyện, thị xã với các mặt hàng liên quan đến Tết; tổ chức khai thác từ các tỉnh, thành phố có nguồn hàng hoá có thể bù đắp lượng hàng hoá thiết yếu còn thiếu.

Trong dịp Tết, Sở sẽ tổ chức 5 hội chợ hàng Việt phục vụ tại các huyện, thị xã: Đông Anh, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Sơn Tây để phục vụ người dân, dự kiến thời gian tổ chức từ ngày 13-23/1/2017. Tổ chức 2 tuần hàng Việt tại huyện Thường Tín, Thạch Thất để phục vụ Tết Dương Lịch; tổ chức 4 phiên chợ Việt và 200 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Tại các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức 60 điểm chợ hoa Xuân từ ngày 7/1 đến 20h ngày 27/1 (tức ngày 30 tháng Chạp). Tạo điều kiện cho các Hội chợ Xuân tập trung chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân như hàng nông sản phẩm, quần áo, may mặc, thời trang, hàng gia dụng, sản phẩm truyền thống...

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu, TTTM, siêu thị, các doanh nghiệp bìn ổn giá đăng kỳ các điểm tổ chức bán hàng phục vụ nhân dân như: Các điểm mở cửa bán hàng đến hết ngày 30 Tết, các điểm bán mở cửa bán hàng từ ngày mùng 2 tháng Giêng, mùng 3 tháng Giêng.

Riêng Tổng Công ty Hapro dự trữ giá trị tổng hàng hoá, dịch vụ khoảng trên 1.200 tỷ đồng, tăng 5% so với Tết năm 2016, tập trung vào các sản phẩm chính như: Lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản, bánh kẹo, ăn uống, giải khát, quà tặng, đồ gia dụng, thời trang, điện máy...

Trước Tết Nguyên đán 2 tuần, các điểm kinh doanh của Hapro tăng thêm giờ bán hàng phục vụ đến 21h30; riêng ngày 28,29 Tết mở đến 22h và căn cứ tình hình thực tế ngày 30 sẽ tiếp tục kéo dài thêm thời gian kinh doanh. Ngày mùng 1 Tết, Hapro có 5 điểm mở cửa phục vụ người dân, ngày mùng 2 mở cửa thêm 7 siêu thị, cửa hàng tiện ích, ngày mùng 4 Tết tất cả các cửa hàng mở cửa phục vụ bình thường.

Trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội Xuân, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá của người dân sẽ tăng đột biến, tập trung ở các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia... vì vậy Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát giá cả, ổn định thị trường.

Từ ngày 15/11 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 1 nghìn vụ, xử lý 824 vụ về vi phạm hàng lậu, hàng cấm, vi phạm đo lường chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hoá, về giá... với tổng thu trên 9 tỷ đồng.

Hoà An

Top