Bảo tồn dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu

18/08/2016 5:45 PM

(Chinhphu.vn) – Trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc, tranh dân gian Việt Nam là một bộ phận quan trọng, thể hiện những giá trị nghệ thuật đặc sắc, được trân trọng, được lưu giữ, bảo quản và giới thiệu tại các bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân cả ở trong và ngoài nước.

Triển lãm 12 dòng tranh dân gian nổi tiếng. Ảnh: Gia Huy

Chiều 18/8, để góp phần làm rõ hơn những giá trị nghệ thuật dân gian của tranh dân gian Việt Nam và làm rõ những giá trị, nét điển hình của nghệ thuật dân gian của cha ông, làm hành trang trong giáo dục nghệ thuật, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức tọa đàm chuyên đề “Tranh dân gian Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị”.

Buổi tọa đàm với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, mỹ thuật, hội họa để góp phần làm sáng tỏ những giá trị của tranh dân gian Việt Nam, giúp công chúng yêu nghệ thuật truyền thống hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các dòng tranh dân gian Việt Nam, đồng thời đề ra một số phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian Việt Nam.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam, do những đặc thù cơ bản về kỹ thuật chế tác, các bản in từ các khuôn mẫu khắc tạc trên gỗ mà người ta cho rằng sự ra đời và phát triển của tranh dân gian Việt Nam đã diễn ra từ rất lâu đời.

Từ các nguồn sử liệu, do nhu cầu của việc in ấn và phổ cập các loại văn bản thiết yếu, đặc biệt là các loại hình kinh Phật, kỹ thuật khắc trên ván để in đã xuất hiện ở Việt Nam từ hàng nghìn năm trước.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nhận định, hiện nay các loại hình nghệ thuật đương đại đang phát triển nhưng làm sao để có sự gắn kết với loại hình nghệ thuật dân gian đang là một vấn đề cần được xem xét, quan tâm và đầu tư.

Những giá trị biểu trưng từ tranh dân gian là một tài sản vô cùng to lớn đáng trân trọng và cần thiết phải có một chương trình nghiên cứu nghiêm túc, nhằm bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Việc nghiên cứu di sản văn hóa tranh dân gian của cha ông và giáo dục cho thế hệ trẻ góp phần giáo dục ý thức tự tôn, tự hào dân tộc mà mỗi  thế hệ trẻ phải biết phát huy và sáng tạo, nhằm nuôi dưỡng những giá trị nghệ thuật dân gian sống mãi với thời gian.  

Cùng với những đổi thay của đất nước, tranh dân gian cũng vậy, có dòng tranh thì phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có những dòng tranh nhanh chóng biến mất. Ngày nay, dù thời gian đã làm mai một đi, các dòng tranh dân gian hiện không còn ở thời kỳ cực thịnh, nhưng những giá trị to lớn của mỗi dòng tranh vẫn còn đó, nó sẽ vãn mãi là di sản của dân tộc Việt Nam 

Cùng ngày, Bảo tàng Hà Nội đã khai mạc Triển lãm 12 dòng tranh dân gian nổi tiếng nhằm giới thiệu với đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội và khách quốc tế nét độc đáo của tranh dân gian Việt Nam, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.

Triển lãm giới thiệu 12 dòng tranh dân gian của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa gồm: Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng, Tranh Hàng Trống, Tranh Thập vật, Tranh làng Sình, Tranh Đồ thế Nam Bộ, Tranh Kính Nam Bộ, Tranh Thờ miền núi, Tranh Gói vải, Tranh Thờ đồng bằng, Tranh Vải.

Triển lãm sẽ giúp công chúng yêu nghệ thuật dân tộc chiêm ngưỡng những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có những dòng tranh ít được biết tới hoặc đã thất truyền như: Tranh thập vật, Tranh làng Sình, Tranh kính Nam Bộ…Triển lãm cũng là một hoạt động nhằm đánh thức và lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống nói chung, tranh dân gian Việt Nam nói riêng.

Đây là dịp để khách tham quan được tìm hiểu, thưởng ngoạn vẻ đẹp nghệ thuật và những giá trị nhiều mặt của các tác phẩm tranh dân gian Việt Nam mà các nghệ nhân xưa đã gửi gắm và hiện đang được các nghệ nhân ngày nay tiếp tục phát huy để giữ gìn vốn quý của dân tộc.

Gia Huy

Top