Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thăng Long xưa

10/10/2020 7:21 AM

(Chinhphu.vn) – Kể từ khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu, công tác phát huy giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã có nhiều kết quả ấn tượng, góp phần dựng xây Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Hà Yến

Thăng Long – đơn vị hành chính đặc biệt

Thăng Long được nhiều người biết đến với tư cách là kinh đô của nhà nước phong kiến trong suốt chặng đường lịch sử dài của Việt Nam. Với tư cách là kinh đô của một nước độc lập, Thăng Long luôn được coi là đơn vị hành chính đặc biệt.

Thời kỳ tiền Thăng Long, Hà Nội bấy giờ có tên là Tống Bình, được đặt là phủ. Trong suốt thời Bắc thuộc, phủ Tống Bình trở thành nơi đóng quân đô hộ của các tập đoàn phong kiến phương Bắc để duy trì bộ máy cai trị, đàn áp ở nước ta. Đến thời nhà Đường, phủ Tống Bình đã là một nơi sầm uất, nhộn nhịp. Sử sách nhà Đường còn ghi: Phủ Tống Bình chiếm 11 trong tổng số 55 hương của Giao Châu (tên gọi do nhà nước phong kiến phương Bắc đặt cho nước ta thời bấy giờ) với 15 vạn dân. Phủ Tống Bình khi ấy cũng là nơi tập trung khoảng 4.200 viên quan lại, 5.000 (có lúc lên tới hàng chục nghìn) quân đồn trú.

Sang thời kỳ trị vì của các triều đại phong kiến tự chủ trước nhà Lý, kinh đô của nước Việt được đặt ở nhiều nơi khác nhau, nổi bật là Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) và Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình), nhưng phủ Tống Bình vẫn tồn tại như là một đơn vị hành chính thuộc triều đình phong kiến tập quyền (tương đương cấp tỉnh hiện nay) với hệ thống thành quách do quân đô hộ phong kiến phương Bắc đắp, sử vẫn gọi là Đại La thành.

Sang thời Lý – Trần – Hồ, phủ Tống Bình trở thành kinh đô của nước Việt độc lập, được vua Lý Thái Tổ đổi tên là Thăng Long. Tuy chưa tìm được tư liệu nào ghi chép về tư cách đơn vị hành chính của Thăng Long thời ấy, nhưng một số học giả cho rằng kinh đô Thăng Long được gọi là lộ hoặc phủ.

Tới thời nhà Lê, kinh đô Thăng Long được đổi tên thành Đông Kinh. Từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), triều đình chia đơn vị hành chính cả nước thành 13 đạo. Dưới đạo, lại cho đặt thành các phủ, huyện, châu rồi đến xã. Tuy nhiên, kinh đô Thăng Long bấy giờ lại không gọi là đạo, mà gọi là phủ Trung Đô. Phủ Trung Đô gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Năm 1469, phủ Trung Đô được đổi tên thành phủ Phụng Thiên, vẫn gồm 2 huyện của phủ Trung Đô trước đó. Mỗi huyện này được biên chế thành 16 phường. Như vậy, phủ Trung Đô, hay phủ Phụng Thiên thời Lê bao gồm 36 phường. Như vậy, đây là thời kỳ bắt đầu quy hoạch Thăng Long 36 phố phường. Phủ Phụng Thiên được giữ nguyên cho tới thời nhà Mạc và thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, huyện Vĩnh Xương được đổi tên thành huyện Thọ Xương. Phủ Phụng Thiên giai đoạn này đã cực kỳ sầm uất. Theo ước tính của nhà buôn W. Dampier, kinh thành Thăng Long khi ấy có khoảng 20.000 nóc nhà. Cha đạo A.de Rhodes ước đoán Thăng Long bấy giờ có khoảng 1 triệu dân. Còn giáo sĩ Marini thì nói rằng trong khu vực dân cư ở phủ Phụng Thiên thế kỷ XVII đã xuất hiện những ngôi nhà 2 tầng.

Dưới thời nhà Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Huế. Phủ Phụng Thiên được đổi tên thành phủ Hoài Đức. Năm 1831, vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Hà Nội, gồm phủ Hoài Đức và 3 phủ khác. Tới năm 1888, sau khi xâm chiếm Hà Nội, người Pháp thành lập thành phố Hà Nội.

Sang thời kỳ nước nhà độc lập, Việt Nam vẫn duy trì thành phố Hà Nội và đặt nơi đây làm thủ đô, trái tim của cả nước, cho tới tận hôm nay.

Hoàng thành Thăng Long – di sản quý giá quốc truyền mang tầm quốc tế

Giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là giá trị tự thân. Giá trị tự thân ấy được tích lũy từ ngàn đời xưa cho đến hôm nay. UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới cho Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long xác nhận giá trị tự thân và tầm cỡ quan trọng của Hoàng thành Thăng Long.

Trở thành Di sản văn hóa thế giới, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ có cơ hội được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là những người ở ngoài Việt Nam. Đó là thuận lợi lớn để quảng bá và thu hút du khách đến với Hoàng thành, đến với Hà Nội.

Không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, sự công nhận của tổ chức văn hóa uy tín nhất thế giới về giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho nhân dân Việt Nam. Di sản ngàn đời của cha ông truyền lại, nay được khẳng định là di sản của toàn nhân loại, được thế giới tôn vinh và được bè bạn khắp năm châu nâng niu. Là người dân Việt Nam, người dân Hà Nội có ai không thấy phấn khởi, tự hào. Tuy nhiên, giá trị tự thân ấy không phải là vĩnh cửu. Nó có thể bị mai một nếu hậu thế không gắng sức giữ gìn.

Trong khi đó, theo quy định của UNESCO, nếu các di sản thế giới đã được công nhận mà không được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị thì sẽ bị xem xét rút danh hiệu. Cụ thể, tổ chức này quy định bốn mức can thiệp: ICOMOS ra khuyến nghị đối với quốc gia chưa làm tốt quy định của UNESCO, nhắc nhở, đưa di sản vào diện cảnh báo đỏ và rút danh hiệu di sản thế giới.

UNESCO có chương trình giám sát sát sao với tất cả các di sản thế giới đã được công nhận. Theo Tiến sỹ Phạm Sanh Châu-Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, mỗi hội nghị UNESCO được tổ chức trong 10 ngày thì chỉ có 2 ngày xem xét công nhận di sản mới, 2 ngày đánh giá công tác bảo tồn đối với các di sản đã được công nhận và 2 ngày xem xét đưa di sản vào diện cảnh báo. Trên thực tế, đã có những di sản thế giới bị UNESCO rút danh hiệu do không được bảo tồn, phát huy giá trị một cách hợp lý.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bảo tồn khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một nhiệm vụ khó khăn. Di tích Hoàng thành vừa có di sản trên mặt đất (nền điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu, Bắc Môn, Kỳ đài…), lại vừa có di tích và di vật khảo cổ học. Việt Nam hiện chưa có kinh nghiệm bảo tồn di sản dưới lòng đất và thiếu chuyên gia về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, di sản rất dễ bị tổn hại khi mở cửa cho du khách vào tham quan. Ý thức không tốt trong việc thực hiện Luật Di sản của một số cá nhân, cơ quan, đơn vị và tổ chức cũng là yếu tố gây nguy hại cho khu di tích Hoàng thành. Điều này cho thấy bảo vệ Hoàng thành và nâng cao ý thức bảo vệ di sản của toàn xã hội là vấn đề cực kỳ quan trọng và cấp bách.

Phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch tại Hoàng thành Thăng Long

Thực hiện đồ án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt ngày 21/8/2015, UBND thành phố Hà Nội giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, với tiêu chí Hoàng thành Thăng Long là “Một điểm đến văn hóa đặc sắc, một công viên di sản tươi đẹp giữa lòng Hà Nội”. Đây là một trong 52 công trình trọng điểm của Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, kể từ khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đến nay Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt 02 đồ án Quy hoạch Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ (tỷ lệ 1/500)(ngày 21/8/2015) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) (ngày 03/7/2015) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thế bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội và Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực lõi Thành Cổ Loa thuộc Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa,

Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn khu di sản được Trung tâm chú trọng triển khai. Trong đó tập trung xây dựng Đề án tổng thể nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu; Đề án Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa; nghiên cứu các nghi lễ trong cung đình và các hoạt động văn hóa phi vật thể; nghiên cứu các quy trình bảo tồn di tích gốc. Đặc biệt là việc nghiên cứu khai quật khảo cổ tại khu di sản theo lộ trình và kế hoạch hàng năm. Trung tâm đã phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát, khai quật khu vực trung tâm Thành cổ, thu được nhiều kết quả mới, góp phần nhận diện rõ hơn diện mạo các kiến trúc, công trình trong khu vực Cấm thành thăng Long.

Cũng kể từ khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu, thời gian qua song song với công tác bảo tồn Di sản, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động đưa di sản đến với công chúng, trong đó đẩy mạnh triển khai chương trình giáo dục di sản “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản” đến các trường học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đa dạng hóa các hoạt động phục vụ du khách như: Sưu tầm tư liệu, hiện vật, mở cửa căn hầm Cục Tác chiến; cải tạo cảnh quan khu vực Hậu Lâu, trồng các loại hoa theo mùa để thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh... Nhờ vậy, lượng khách tham quan Hoàng thành Thăng Long không ngừng tăng qua từng năm. Nếu như năm 2013 (bắt đầu bán vé tham quan) mới có khoảng 120.000 lượt khách, năm 2016 đón 245.321 lượt khách, thu phí 5,58 tỷ đồng thì đến năm 2019, lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long đạt 517.476 lượt, thu phí hơn 10,5 tỷ đồng”. 

Phát huy giá trị di sản ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua là ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích như: Wifi miễn phí, thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh, màn hình tương tác diễn giải lịch sử... nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị, có tính tương tác cao. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu 3D về di tích, di vật, diễn giải các dấu tích kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long để phục vụ công tác nghiên cứu...

Ông Trần Việt Anh cho biết thêm, trong thời gian tới, để tập trung cho công tác phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu điểm đến Di sản Hoàng thành Thăng Long giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến với các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Du lịch tâm linh, tham quan Hoàng thành về đêm, gắn kết tour Hoàng thành Thăng Long với khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Quảng trường Ba Đình, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; nghiên cứu phục dựng Lễ hội đèn Quảng Chiếu, các nghi lễ Hoàng cung gắn với trải nghiệm âm nhạc, ẩm thực, trang phục để khai thác, phục vụ du lịch.

Gìn giữ và phát huy giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long không phải và không thể chỉ để đối phó với các quy định của UNESCO. Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức đoàn thể và chính quyền các cấp. Hoàng thành Thăng Long là di sản quý giá quốc truyền trong cả thiên niên kỷ. Di sản ấy không chỉ mang lại niềm tự hào với mỗi người con đất Việt, mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ góp phần đưa Việt Nam đi lên trong tư thế “Thăng Long”. Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ linh khí thiên – địa – nhân trải suốt ngàn năm thành động lực phát triển của con cháu hôm nay và mãi mãi về sau, như hình ảnh rồng vàng bay lên đẹp đẽ năm nào.

Chiến Thắng – Hà Yến

Top