Các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh

09/10/2021 7:44 AM

(Chinhphu.vn) - Để sẵn sàng cho phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đều xác định cần tuân thủ các quy định an toàn phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay và nỗ lực vượt khó tạo đà cho sự phát triển.

Nhanh chóng nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh

Ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Công ty du lịch Bàn Chân Việt - Vietfoot Travel cho biết, đại dịch COVID-19 là một "cú sốc" đối với ngành du lịch. Sau 4 làn sóng dịch bệnh bị ảnh hưởng, Vietfoot Travel may mắn nằm trong số 10% các doanh nghiệp du lịch còn đang hoạt động. Công ty đã có sự tích lũy và tiềm lực tài chính nhất định, có tòa nhà làm trụ sở văn phòng cho Công ty người nước ngoài thuê và là nguồn kinh doanh tạo thu nhập của cán bộ nhân viên Công ty ở thời điểm hiện tại, bên cạnh nguồn thu từ việc triển khai dịch vụ khách Việt kiều hồi hương, khách chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam bù đắp lại những thiệt hại do COVID-19.

Ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Công ty du lịch Bàn Chân Việt - Vietfoot Travel. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trong thời điểm dịch bùng phát, Công ty đã tranh thủ hệ thống hóa lại tất cả sản phẩm outbound, làm lại toàn bộ trang web, thiết kế sản phẩm, chương trình, hệ thống hóa các đối tác tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Nga, Liên hiệp Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc để triển khai ngay sau khi dịch bệnh được chống chế. Đồng thời Công ty đã xây dựng kế hoạch cho phát triển thêm mảng inbound, xây dựng sản phẩm, Website, trao đổi với các đối tác nước ngoài để sẵn sàng phục vụ khách inbound vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Dịch bệnh hiện đang khiến cho ngành du lịch bị “đóng băng” nhưng đây chỉ là một khoảng lặng trong một hành trình dài. Những doanh nghiệp nào “sống sót” và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình tiếp theo sẽ có nhiều lợi thế để bứt phá. Bởi sau 2 năm bị dịch bệnh hoành hành, nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá của khách du lịch đang rất lớn. Lúc này, doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp đó sẽ thành công và hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng cả thế và lực, Vietfoottravel sẽ một trong những cái tên đầu tiên được khách hàng lựa chọn trong việc phục vụ các nhu cầu du lịch, sự kiện, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước”, ông Phạm Duy Nghĩa tin tưởng.

Ông Phạm Duy Nghĩa cho biết thêm, Công ty đã và đang chuẩn bị mọi nguồn lực từ nhân sự đến phối hợp với các đối tác tại các tỉnh thành cũng như đối tác nước ngoài xây dựng ra các bộ sản phẩm để sẵn sàng triển khai từng bước cho việc mở cửa đón khách quốc tế vào Việt Nam cũng như tổ chức khách du lịch Việt Nam đi du lịch trong nước.

Để giảm thiểu những rủi ro và đảm bảo sự an toàn cho du khách trong và ngoài nước khi đi du lịch Việt Nam, Vietfoot travel đã phối hợp với các đối tác trong nước để xây dựng các chương trình theo hướng mới. Xây dựng các sản phẩm du lịch xanh và an toàn cho mỗi du khách từ nhà đến các điểm đến du lịch và trờ về nhà: Home – Green – Home. Tất cả mọi khâu phục, đón tiếp, di chuyển, tham quan đều theo một vòng tròn khép kín và được đặt tiêu chí an toàn nên trên hết. Các bộ sản phẩm du lịch xanh, chuyên nghiệp trong mọi khâu dịch vụ như du lịch bằng xe tự lái Caranvantour, hay du lịch bằng xe đạp Bicycle Tour khám phá trải nghiệm các tỉnh thành trong Miền Bắc đã là một xu hướng du lịch mới đang rất được các du khách trong và ngoài nước rất quan tâm.

“Vì vậy nếu dịch bệnh được kiểm soát, sau thời kỳ giãn cách xã hội này Vietfoottravel chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng cho mọi nguồn lực tài chính, nhân sự, áp dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm và kế hoạch quảng bá sản phẩm cho cả ba thị trường Inbound, Outbound và Domestic tours, sẵn sàng cho việc phục vụ du khách gần xa khi du lịch tại Việt Nam cũng như thế giới”, ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình cho biết, hiện nay Công ty có gần 500 lao động tại Nhà máy trên Hà Nội và khu công nghiệp Đồng Văn – Tỉnh Hà Nam, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty suốt thời gian từ đầu năm 2020 cho đến nay. Kể từ khi giãn cách được nới lỏng, Công ty đã triển khai ngay phương án phục hồi sản xuất với hai thị trường chính. Trong đó, tiếp cận ngay các khách hàng xuất khẩu, phát triển mẫu chào hàng, kết hợp các nhà cung ứng trong và ngoài nước để có nguồn vật tư đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Tại thị trường nội địa, Công ty hỗ trợ tối đa cho các khách hàng về chủng loại hàng, cỡ số, vận chuyển để không bị gián đoạn việc cung cấp các sản phẩm.

Để từng bước phục hồi sản xuất theo đúng chỉ dạo, các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, của UBND TP. Hà Nội, Công ty liên tục phổ biến, tuyên truyền và yêu cầu cán bộ công nhân viên thực hiện đúng và đầy đủ các qui định và Phòng chống dịch COVID-19. Công ty đã thành lập Tổ an toàn COVID-19, đo nhiệt  độ hàng ngày, sát khuẩn trước khi cán bộ công nhân viên làm việc…

Do khó khăn chung là thiếu hụt lao động, rất khó có thể tuyển ngay được lao động. Hiện nay, Công ty vẫn duy sản xuất cho phù hợp với thực tế lao động và khả năng bán hàng trong và ngoài nước.

Tuân thủ các biện pháp phòng dịch để sớm trở lại trạng thái bình thường mới

Bà Đào Thị Thúy Anh, Giám đốc CTy TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thiết Bị Sao Việt cho biết, trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp của bà cũng bị ảnh hưởng lớn do phải tạm ngừng sản xuất, bị chậm hoặc huỷ các đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy và trả lương cho người lao động…

Bà Đào Thị Thúy Anh, Gíam đốc CTy TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thiết Bị Sao Việt. Ảnh: Minh Anh

Việc giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16 đã buộc doanh nghiệp phải giảm sản lượng do giảm số lượng người lao động, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống COVID-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động). Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.

Do lĩnh vực của Sao Việt là đơn vị sản xuất khẩu trang y tế nhập khẩu thiết bị y tế nên cũng gặp khó khăn như tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuât khẩu.

Theo bà Đào Thị Thúy Anh, việc nới lỏng giãn cách là việc hết sức cần thiết và kịp thời để Doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, sản xuất, việc đầu tiên Công ty phải tập trung nỗ lực giành lại các đơn hàng lớn và tiếp tục các đơn hàng đã bị chậm trước đó, việc tiếp tục phục hồi sản xuất trong thời gian tới là hết sức quan trọng.

Để đảm bảo sản xuất an toàn phải luôn tuân thủ quy định 5k, tiêm vaccine toàn bộ cho công nhân, tối thiểu phải test nhanh sàng lọc một tuần 1-2 lần, bữa ăn cho nhân viên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm quy định ngồi giãn cách, ăn uống riêng, sát khuẩn tay, đo nhiệt độ trước khi vào làm việc.

Công ty xác định, để sớm được trở lại bình thường mới, dù khó khăn Công ty cũng luôn phải đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm gắn liền với sản xuất, đảm bảo vừa chống dịch vừa luôn đủ hàng để xuất và nhập khẩu. Hiện Doanh nghiệp vẫn đảm bảo 100% lương cho công nhân.

Mong muốn của Doanh nghiệp hiện nay là Chính phủ và thành phố có hỗ trợ Doanh nghiệp, có cách thức xét nghiệm hợp lý, có biện pháp tối ưu cho Logitics giảm tối đa về giá cho việc thuê vỏ container, mong muốn của Doanh nghiệp được giảm giá vỏ container, dịch vụ vận chuyển về trạng thái giá ổn định. Đồng thời sớm được có thông tin về chiến lược, đưa ra các chính sách phòng chống dịch phù hợp, tương ứng với các tình huống thực tiễn để Doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chủ động điều chỉnh trong sản xuất kinh doanh.

Theo Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Anh

Theo Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Thành phố đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp, kịch bản phòng chống dịch, nhất là tại các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hiện Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62 nghìn người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể. Với những giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt nhằm ứng phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành phố đã thường xuyên thông tin, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn xây dựng kịch bản, phương án phòng chống dịch theo hướng dẫn.

Qua khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, Hiệp hội DNNVV nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp gặp phải vấn đề khó khăn chung về vốn cho duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương, đóng bảo hiểm cho lao động, chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này.

Đặc biệt là các chi phí liên quan đến xét nghiệm phục chi phí xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm triển khai tiêm phòng vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

Sau giãn cách từ ngày 22/9/2021, nhiều Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã khẩn trương xây dựng phương sản xuất kinh doanh trong tình hình bình thường mới, tổ chức lại sản xuất vừa sản xuất, vừa an toàn phòng chống dịch. Bố trí lao động khẩn trương trở lại sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động. Doanh nghiệp được tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo bà Ngân, rất cần tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine "phủ rộng" cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xét nghiệm và xử lý nhanh chóng khi phát hiện F0; hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất thông qua các gói hỗ trợ tài chính để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhưng việc trở lại sản xuất phải đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.

Bà Trịnh Thị Ngân cho rằng, doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp sáng tạo để đảm bảo an toàn lao động được duy trì một cách bền vững. Huy động lực lượng chuyên trách để định hình, xây dựng, thực hiện và giám sát chiến lược trở lại nơi làm việc chính là điểm mấu chốt. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đánh giá bốn lĩnh vực sau trước khi đưa lực lượng lao động trở lại làm việc: Sức khỏe và An toàn, Loại hình công việc, Tài chính (Chi phí và doanh thu) và Nhu cầu của nhân viên. 

Minh Anh

 

Top