Chăm sóc giảm nhẹ - nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân hiểm nghèo
(Chinhphu.vn) - Theo PGS Eric L Krakauer – một chuyên gia hàng đầu thế giới về chăm sóc giảm nhẹ (CSGN), đây là phương pháp chăm sóc toàn diện để người bệnh được giảm đau cũng như giảm sang chấn về mặt tinh thần và xã hội.
![]() |
PGS Eric L Krakauer – một chuyên gia hàng đầu thế giới về chăm sóc giảm nhẹ. Ảnh: Hiền Minh |
Ông Eric L Krakauer là Giám đốc các chương trình quốc tế, Trung tâm chăm sóc giảm nhẹ, Phó giáo sư y khoa Khoa chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện đa khoa Massachusetts của Mỹ.
Phương pháp chăm sóc toàn diện
Tại buổi nói chuyện với các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn và các bác sĩ thuộc mạng lưới Hà Nội về cập nhật kiến thức trong CSGN đang được thực hiện trên thế giới, ông Eric L Krakauer cho biết, trong y tế càng ngày xuất hiện nhiều chuyên khoa nhưng rất ít bệnh nhân được chăm sóc toàn diện.
Phương pháp CSGN chính là chăm sóc toàn diện để làm sao người bệnh giảm được nỗi đau cũng như sang chấn về mặt tinh thần và xã hội. Thậm chí, không chỉ có người bệnh được chăm sóc, mà cả người nhà của bệnh nhân cũng được chăm sóc để tránh bị sang chấn.
Tại Việt Nam, ông Eric L Krakauer chia sẻ, mô hình chăm sóc giảm nhẹ cần được xây dựng từ y tế cơ sở, xã phường, thôn bản. Từ đó, xây dựng một mạng lưới để khi người bệnh được chẩn đoán, được điều trị thì họ sẽ được chăm sóc tốt ngay từ tuyến cơ sở.
Tuy nhiên, CSGN hiện nay mới chỉ cung cấp cho khoảng 75% dân số ở những nước đang phát triển, trong đó, chỉ có 10 đến 15% dân số được điều trị giảm nhẹ bằng thuốc giảm đau vì giảm đau là yếu tố tiên quyết trong việc điều trị cho bệnh nhân.
Khảo sát tại 5 tỉnh, thành của Việt Nam gồm: Hà Nội , Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang, TP Hồ Chí Minh, ông Eric L Krakauer cho biết, khả năng tiếp cận của bệnh nhân với chăm sóc giảm nhẹ cũng rất hạn chế. Chính vì vậy, ông đã hợp tác với Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh trong việc tiếp cận chương trình đào tạo về CSGN cho các bác sĩ đã tốt nghiệp, bác sĩ chuyên khoa 1, thậm chí với cả sinh viên chưa tốt nghiệp, điều dưỡng chuyên sâu về vấn đề này. Vì có nhiều minh chứng cho thấy, nếu tạo được hệ thống CSGN tốt thì có thể giảm được gánh nặng y tế cho xã hội cũng như giảm được thời gian nằm điều trị của bệnh nhân.
“Vì vậy, tôi đến đây không chỉ dạy cho các bác sĩ mà còn học họ, xem họ xử trí với bệnh nhân như thế nào với điều kiện kinh tế còn khó khăn, chủ yếu là bệnh nhân nghèo”. Chuyên gia hàng đầu thế giới về CSGN chia sẻ.
Ý tưởng về một trung tâm điều trị giảm đau
Theo BS. Bùi Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, do số lượng bệnh nhân cần chăm sóc giảm đau ngày càng đông nên việc thành lập trung tâm điều trị giảm đau, đào tạo về chăm sóc và giảm đau cho bệnh nhân của khu vực Hà Nội hoặc lớn hơn nữa là khu vực miền Bắc là rất cần thiết.
![]() |
BS. Bùi Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Hiền Minh |
Để làm được việc này, chúng ta phải cần có sự hỗ trợ rất lớn từ các bệnh viện và các chuyên gia y tế. Chúng ta cần có nhóm chăm sóc giảm nhẹ, có những nhân viên y tế từ cấp quận, phường xã, thậm chí huy động cả những người làm y tế công cộng để phát triển cả chăm sóc y tế tại nhà. Việc này sẽ giúp người bệnh giảm chi phí y tế và giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.
Bệnh viện Xanh Pôn là bệnh viện đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật điện quang can thiệp để điều trị giảm đau của bệnh nhân. Tuy nhiên các kỹ thuật điện quang can thiệp để điều trị giảm đau chỉ là mảng nhỏ trong chăm sóc giảm nhẹ nói chung.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn cũng chưa triển khai việc chăm sóc giảm nhẹ theo hệ thống mà các bác sĩ điều trị giảm đau cho bệnh nhân hoặc thực hiện các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ dựa vào chuyên môn của chính mình. Ví dụ như thái độ nhẹ nhàng khi chăm sóc bệnh nhân cũng là một khía cạnh trong chăm sóc giảm nhẹ.
“Mặc dù Bệnh viện Xanh Pôn là một bệnh viện lớn của Hà Nội đã áp dụng một số kỹ thuật tiên tiến, tuy nhiên vẫn rất cần có sự cố gắng của toàn xã hội mới xây dựng và triển khai CSGN trong tương lai.” BS Giang chia sẻ.
Hiền Minh