Chủ động ngăn chặn dịch cúm A/H7N9

26/03/2018 1:12 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay do thời tiết đang chuyển từ mùa đông xuân sang hè, là thời điểm dễ phát sinh dịch cúm A/H7N9 và các bệnh truyền nhiễm khác trên đàn gia cầm, thủy cầm. Vì vậy người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp để ngăn chặn dịch bùng phát.

Cán bộ thú y lấy mẫu giám sát cúm gia cầm tại chợ Hà Vĩ (Thường Tín). Ảnh: Minh Nhung

Nhiều nguy cơ bùng phát

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, những năm gần đây bệnh cúm gia cầm đã có nhiều biến chủng rất nguy hiểm, trong đó phải kể đến chủng cúm A/H7N9. Theo thông tin từ  Cục Y tế dự phòng, gần đây dịch bệnh cúm A trên người có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là rất cao nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ cơ sở. Đặc biệt, chủng virus cúm A/H7N9 vẫn luôn nguy hiểm ở chỗ chỉ mang trùng trên gia cầm nhưng lại không gây chết gà (giống như cúm A/H5N1) nên rất khó phát hiện. Trong khi đó nếu người ăn phải gia cầm sống và tiếp xúc với gia cầm mang bệnh sẽ bị lây nhiễm virus cúm A/H7N9 và gây tử vong cho người. Nhất là khi hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh với chủng virus cúm này trên gia cầm và người.

Đối với Hà Nội, thành phố hiện có tổng đàn gia cầm lớn đứng đầu cả nước với gần 29 triệu con, có nhiều vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm lớn như: Khu vực chăn nuôi gà Đồi ở Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Thụy An (Ba Vì), khu vực chăn nuôi gia cầm ở huyện Chương Mỹ (khoảng 4,7 triệu con); chăn nuôi thủy cầm (vịt, ngan)  thuộc huyện Ứng Hòa (khoảng hơn 1 triệu con). Đặc biệt Hà Nội có hai chợ đầu mối gia cầm lớn là chợ Hà Vĩ (Thường Tín) và chợ Hải Bối (Đông Anh). Trong đó, chợ đầu mối Hà Vĩ có số lượng gia cầm vận chuyển tiêu thụ tại chợ trung bình từ 40 đến 60 tấn gia cầm/ngày đêm. Tại chợ Hải Bối có số lượng tiêu thụ gia cầm khoảng trên 3.000 con/ngày đêm nhưng lại có tới 19 hộ kinh doanh giết mổ trực tiếp gà sống ngay tại khu vực chợ, bình quân giết mổ khoảng trên 2.000 con/ngày.

Theo đó, với tốc độ phát triển và lưu lượng lưu thông hàng ngày về gia cầm như vậy thì nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác trên địa bàn Thành phố là rất lớn.

Bên cạnh đó, dù đã thực hiện rất nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh nhưng ngành Thú y vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do một số nơi sự phối hợp giữa các ngành liên quan còn chưa được chặt chẽ. Trên địa bàn một số phường của các quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông …các quận giáp ranh với huyện) vẫn còn tình trạng chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm sống, hoạt động không đúng nơi quy định, khi các lực lượng chức năng đến thì hộ kinh doanh bỏ chạy do đó rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tại các huyện chăn nuôi chủ yếu nằm trong khu dân cư, hoạt động giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP việc phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn.

Ngăn chặn dịch bệnh

Vì vậy, để chủ động phòng chống và ngăn chặn dịch, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngành Thú y Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể thông qua việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp, trong Quý I/2018 các quận, huyện đã kiện toàn xong Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến các phường, xã, thị trấn. Đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm tại địa phương và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo để gắn trách nhiệm cho từng thành viên và chủ động thực hiện các giải pháp chuyên môn tại cơ sở.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của dịch cúm AH7N9 và các chủng cúm gia cầm khác trên các phương tiện thông tin. Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng bắt buộc vaccine cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y. Song song thực hiện tốt việc vệ sinh cơ giới, tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn, đây là giải pháp hữu hiệu vừa phòng chống dịch cúm A/H7N9 vừa làm sạch môi trường phòng chống dịch bệnh trên người và vật nuôi nói chung, làm lành mạnh môi trường sống.

Tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cho hệ thống thú y cơ sở và các đối tượng có liên quan như: Người tiêu dùng, chủ hộ kinh doanh. Bên cạnh đó nâng cao năng lực cho mạng lưới thú y cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực tiễn chuyên môn tại cơ sở, sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức diễn tập các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt cúm gia cầm A/H7N9, chủ động đưa ra các tình huống để diễn tập ứng phó.

Tham mưu để UBND Thành phố và các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Đồng thời hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra để tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn quản lý. Phối hợp với Chi cục Thú y/Chi cục chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố lân cận (với 24 tỉnh, thành đã có ký kết phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh) để kịp thời thông tin về dịch bệnh nhằm tăng cường quản lý dịch bệnh về thành phố Hà Nội. Đồng thời phối hợp xử lý vi phạm trong việc vận chuyển lưu thông gia cầm giữa các địa bàn giáp ranh, việc xuất nhập gia cầm về Hà Nội không đủ điều kiện.

Thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vaccine cúm gia cầm để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Được biết, trong quý I/2018 Hà Nội đã tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm tại tất cả các huyện, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trong diện tiêm trở lên.

Cùng với đó là tăng cường hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và các chốt kiểm dịch động vật liên ngành nhằm kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia cầm ra, vào thành phố. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên ngành, các quận huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Kết quả, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở, điểm giết mổ với trên 2 triệu gia cầm (tăng trên 20 %), kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm gia cầm tại các cơ sở, điểm kinh doanh, các cơ sở với 2,3 triệu con (tăng 18,46%).

Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người chăn nuôi, người tiêu dùng cùng thực hiện tốt các giải pháp mà ngành Thú y đưa ra thì công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác sẽ đạt hiệu quả tốt, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người và gia cầm trên địa bàn Thủ Đô.

Minh Nhung

Top